Mở đường đi tới tương lai
Quốc hội họp kỳ tập trung đầu tiên của giai đoạn 'hậu COVID-19' từ hôm nay và kéo dài đến 4 tuần.
Đại dịch đi qua đã cướp của chúng ta hàng chục ngàn nhân mạng và gây ra những hao tổn kinh tế không dễ gì bù đắp. Trong khi đó, thế giới đang chịu tác động sâu sắc bởi cuộc chiến tranh hiện hữu và bóng ma lạm phát toàn cầu.
Bối cảnh ấy đòi hỏi Quốc hội phải có những quyết sách khẩn trương, đúng đắn, sáng tạo để con đường phía trước bớt gập ghềnh, bớt khó khăn, tạo lập những tiền đề cơ bản để đất nước đứng vững và phát triển trong một thế giới đầy biến động.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu sẽ nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tập trung cho công tác lập pháp, giám sát tối cao việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và quyết định nhiều vấn đề quan trọng mà nổi bật là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có nhu cầu vốn rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể rằng đang "đếm cua trong lỗ" đối với việc thu xếp nguồn vốn cho một số dự án giao thông quan trọng, cho thấy sự lo lắng của đại biểu Quốc hội trong việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về phía Chính phủ, việc chuẩn bị cùng lúc các dự án có số vốn rất lớn cho thấy quyết tâm cao nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng - một điểm nghẽn phát triển đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ.
Nếu tham vọng xây dựng hạ tầng giao thông được hiện thực hóa trong nhiệm kỳ này, như hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư các dự án dự kiến trình tại kỳ họp Quốc hội (đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP.HCM; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), chắc chắn sẽ thực sự tạo ra bước đột phá mới.
Nhiệm vụ cân đối các nguồn vốn đầu tư phát triển luôn là vấn đề "đau đầu", đặc biệt trong tình trạng ngân sách nước nhà đã bội chi liên tục trong nhiều chục năm qua.
Tính nhẩm sơ bộ 5 dự án dự kiến trình Quốc hội chủ trương đầu tư nêu trên đã hơn 180.000 tỉ đồng. Hy vọng các nhà lập pháp, những người có năng lực, tầm nhìn xa về chính sách sẽ tìm ra đáp án nguồn lực, để "trong cái khó ló cái khôn" chứ không để "cái khó bó cái khôn".
Nhưng đâu chỉ lĩnh vực hạ tầng giao thông cần phải "gỡ", thực tế thời gian qua cho thấy nền kinh tế còn tồn tại nhiều "nút thắt" khác, trong đó có những lĩnh vực gây bức xúc như đất đai và thị trường chứng khoán.
Chỉ trong vòng 6 tuần lễ, cú "cắm đầu" của thị trường chứng khoán đã khiến quy mô vốn hóa của thị trường này "bốc hơi" gần 1,2 triệu tỉ đồng, một nguồn lực rất lớn, cùng với đó là niềm tin của nhà đầu tư bị chao đảo dữ dội.
Hiện thực ấy đòi hỏi nhiệm vụ xây đắp con đường tương lai bằng tư duy thể chế đột phá mạnh mẽ, sáng tạo, tôn trọng quy luật khách quan của thị trường và quỹ đạo chung của kinh tế thế giới - việc mà hàng triệu cử tri đang trông mong vào các nhà lập pháp.
Sáng nay 23-5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc và dự kiến kéo dài đến ngày 16-6. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc quan trọng.