Mỏ đất hiếm 'trời cho' dùng 1.000 năm không hết: Hóa ra không 'khủng' như tưởng tượng

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 01:12:56

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra mỏ đất hiếm “trời cho” và được đánh giá là có trữ lượng đủ dùng trong vòng 1.000 năm. Tuy nhiên, lượng oxit đất hiếm (REO) mà mỏ này mang lại có thể rất nhỏ so với "ông trùm" đất hiếm là Trung Quốc.


Mới đây hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin quốc gia này vừa phát hiện ra mỏ dữ trự nguyên tố đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ - ông Fatih Donmez tiết lộ hồi đầu tháng 7/2022 rằng mỏ dự trữ nguyên tố đất hiếm này nằm ở quận Beylikova của Eskisehir ở trung tâm Anatolia (một bán đảo lớn ở Tây Á, thuộc lãnh thổ nước này).

Cũng theo Anadolu Agency, khu dự trữ đất hiếm của Thổ Nhỹ Kỳ ước tính có trữ lượng 694 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc, nước hiện có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới với trữ lượng 800 triệu tấn.

Sẽ không tác động lớn đến thị trường toàn cầu

Theo một số công ty về đất hiếm ở Trung Quốc, việc phát hiện ra một khu dự trữ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tác động đến vị thế trên toàn cầu của quốc gia này. Lợi thế về công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc trong ngành đất hiếm toàn cầu sẽ vẫn được duy trì trong tương lai. Các nhà phân tích trong ngành mới đây cũng cho biết trữ lượng đất hiếm mới được phát hiện có thể mang đến cơ hội hợp tác cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một tuyên bố trước đó, trữ lượng đất hiếm 694 triệu tấn của Thổ Nhĩ Kỳ được báo cáo có thể chuyển thành 300.000 tấn oxit đất hiếm (REO), không đáng kể so với trữ lượng 44 triệu tấn của Trung Quốc.

Tuy nhiên Bao Gang United Steel, Công ty thép có trụ sở tại Khu tự trị Nội Mông, Bắc Trung Quốc, cho biết: "Đánh giá từ các báo cáo và tin tức liên quan, thông tin về trữ lượng đất hiếm gần 700 triệu tấn được tuyên bố ở Thổ Nhĩ Kỳ là một sự mâu thuẫn. Nếu trữ lượng ở dạng oxit đất hiếm, quy mô trữ lượng như vậy sẽ đứng số 1 trên thế giới, vượt qua cả Trung Quốc. Vì vậy với trữ lượng như vậy chúng tôi suy đoán đây chỉ là khoáng sản".

Theo trang web Market Watch đưa tin vào tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã phát hiện ra khu dự trữ đất hiếm lớn thứ hai thế giới ở khu vực trung tâm Anatolia. Mỏ này chứa 694 triệu tấn đất hiếm, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng tương đương trong vòng 1.000 năm trên toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ công bố phát hiện ra mỏ đất hiếm trữ lượng 694 triệu tấn.

Ngành công nghiệp đất hiếm thường sử dụng oxit đất hiếm hay REO làm chỉ số thống kê cho trữ lượng, sản lượng và doanh số bán đất hiếm. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới vào năm 2020. Nước này cũng có trữ lượng oxit đất hiếm là 44 triệu tấn, dẫn đầu thế giới với 37% thị phần toàn cầu.

Cũng theo Bao Gang United Steel, trước khi mỏ Thổ Nhĩ Kỳ được phát hiện, nơi sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là khu vực khai khoáng Baiyun (Trung Quốc) với 35 triệu tấn oxit đất hiếm.

Công ty đất hiếm của Trung Quốc Shenghe Resources cũng cho biết trong một bài báo đăng trên tài khoản WeChat chính thức của họ rằng con số 694 triệu tấn có thể là tham chiếu theo lượng khoáng sản, chứ không phải tính theo khối lượng oxit đất hiếm.

Shenghe Resources cho biết: "Sản lượng oxit đất hiếm trên toàn cầu là khoảng 280.000 tấn một năm và sản lượng oxit đất hiếm hàng năm của mỏ nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ là 10.000 tấn, vì vậy nó sẽ không có tác động lớn đến thị trường toàn cầu".

Họ cũng cho biết thêm rằng các thành phần chính của mỏ nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đất hiếm nặng - một thành phần không thể thiếu để sản xuất một loạt thiết bị điện tử cao cấp, phương tiện và vũ khí. Điều này sẽ làm giảm tác động của nó trong cuộc cạnh tranh đất hiếm trên toàn cầu.

Thực tế là nếu trữ lượng đất hiếm 694 triệu tấn được coi là REO sẽ tương đương với 5,8 lần lượng REO đã được phát hiện ra trên toàn cầu. Điều này đã kích thích thêm suy đoán của những người trong ngành về tính chính xác của dữ liệu.

Ông Wu Chenhui, một nhà phân tích độc lập trong ngành đất hiếm đã chia sẻ với Global Times rằng khối lượng REO của mỏ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ theo tính toán của ông là khoảng 300.000 tấn. Với khối lượng này Trung Quốc có thể hoàn thành chỉ trong vòng nửa năm".

Theo Giám đốc của một nhà sản xuất nam châm lớn thuộc sở hữu nhà nước có trụ sở tại Ganzhou, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc: "Lý do khiến Trung Quốc có được vị trí thống trị toàn cầu trong ngành công nghiệp đất hiếm không phải vì trữ lượng lớn, mà là khả năng khai thác, phân tách và tái tạo, cũng như một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn."

"Ngoài Trung Quốc, Australia, châu Phi, Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm phong phú. Nhưng họ lại thiếu những công nghệ khai thác và tinh chế", ông Yang cho biết thêm.

Bao Gang cho biết mỏ Baiyun của họ có lợi thế về chi phí mà những nơi khác không thể so sánh được vì mỏ này là nơi có nhiều kim loại đất hiếm, điều này sẽ làm giảm đi chi phí khai thác. Ngoài ra, một số bộ phận của mỏ đã thiết lập một dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh từ thăm dò, nghiền, tuyển chọn đến vận chuyển, điều này cũng củng cố lợi thế về chi phí cho họ.

Theo ông Wu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò các trữ lượng đất hiếm. "Trung Quốc có thể là đối tác tiềm năng tốt nhất. Thổ Nhĩ Kỳ có thể ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Trung Quốc và sau này có thể cung cấp dịch vụ kỹ thuật một cửa từ thăm dò cho đến mua bán", ông Wu nói.


Đất hiếm là gì?

Đất hiếm có tên gọi quốc tế là Rare-earth element (REE). Theo Liên minh quốc tế về hóa học, các nguyên tố đất hiếm và các kim loại đất hiếm là một hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học, trong đó có scandi, ytri và 15 nguyên tố khác thuộc nhóm Lanthan. Trái ngược với tên gọi (ngoại trừ prometi), chúng có hàm lượng lớn trong trái đất. Người ta có thể tìm thấy các nguyên tố đất hiếm ở trong các lớp trầm tích, các mỏ quặng hay cát đen.

Mặc dù mang tên là hiếm, các nguyên tố đất hiếm - ngoại trừ prometi có tính phóng xạ lại có trữ lượng tương đối dồi dào trong lớp vỏ của Trái Đất, với xeri là nguyên tố phổ biến thứ 25 với 68 phần triệu, nhiều hơn cả đồng. Tuy nhiên, do những đặc tính địa hóa học của chúng, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán và không thường được tìm thấy tập trung trong các khoáng vật đất hiếm; kết quả là mỏ đất hiếm mà có thể khai thác về mặt kinh tế rất ít phổ biến.


Theo Global Times

Chia sẻ Facebook