Mở cánh cửa đầu tư sân bay nhỏ theo hình thức đối tác công tư
Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, Việt Nam đứng số 1 trong 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch.
Cũng theo dự báo của tổ chức này, đến năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách, gấp đôi số lượng dự kiến của cả năm nay. Tiềm năng phát triển lớn của ngành hàng không và sự linh hoạt trong quy hoạch các sân bay nhỏ sẽ góp phần gia tăng tính kết nối và mở rộng không gian phát triển du lịch, thu hút đầu tư cho nhiều địa phương.
Gần đây khách du lịch đang rất quan tâm đến các điểm đến mới thuộc các địa phương vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Theo các chuyên gia, đây được xem là cơ hội để các địa phương sớm tính đến việc đầu tư hạ tầng có tính kết nối thuận tiện, nhanh chóng như sân bay để phát triển kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: "Việc kết nối nhanh trở nên cấp thiết để phục vụ cho nhu cầu đi lại cũng như giao thương giữa các tỉnh, và một số tỉnh có những tiềm năng như là Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn như là một điểm du lịch điểm nhấn, hoặc như Sa Pa, Lai Châu nếu như không có kết nối thì không thể khai thác được".
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh các sân bay lớn như Long Thành đang được khẩn trương thi công hay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang lên kế hoạch nâng cấp mở rộng thì phân khúc sân bay nhỏ, chủ yếu ở quy mô khoảng 1 triệu hành khách/năm được xem là những "cánh tay nối dài", góp phần giải quyết bài toán vận tải tối ưu cho mạng lưới giao thông.
Ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO -Tập đoàn Royal HaskoningDHV, nói: "Sân bay nhỏ sẽ giúp kết nối địa phương với các khu vực khác và mang lại nhiều hoạt động kinh tế của địa phương như hỗ trợ cho các lĩnh vực du lịch và giao thương".
Theo chuyên gia, các sân bay nhỏ có thể tính đến phương án hợp tác công tư PPP, trong đó, ngân sách của tỉnh sẽ lo phần giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hạ tầng, điển hình như mô hình sân bay Vân Đồn, sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định: "Có thể phối hợp theo mô hình PPP hoặc các nhà đầu tư tư nhân với điều kiện các quy định pháp lý, tổ chức khai thác vận hành sân bay phải được minh bạch rõ ràng và cần có các quy định đảm bảo các yếu tố liên quan đến an toàn bay, an ninh quốc phòng… thế thì nhà đầu tư là người quyết định xem xem sân bay đấy đầu tư lúc nào, bao giờ và khai thác nó như thế nào đảm bảo tính hiệu quả".
Để có thể đầu tư xây dựng các sân bay nhỏ ở địa phương, việc đầu tiên sẽ là bài toán quy hoạch. Các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sẽ cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như phục vụ phát triển cho khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, sân bay mới không có xung đột về vùng trời và đặc biệt là phải có phương án khả thi về vốn đầu tư từ doanh nghiệp.