Mini Mall: “Quân bài” chiến lược của Masan nhằm chiếm lĩnh 50% thị phần bán lẻ, doanh thu 8 tỷ USD vào năm 2025
Các nhà lãnh đạo của Masan cho biết mục tiêu của mô hình Mini Mall năm 2025 sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Hướng tới 30.000 điểm bán trên toàn quốc và doanh thu một năm 7- 8 tỷ đô la, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.
Con bài Mini Mall
Cuối năm 2019, thị trường bán lẻ bất ngờ với thông tin tập đoàn Vingroup rút chân khỏi ngành bán lẻ sau một thời gian đầu tư phát triển. Ngày 3/12, Vingroup thông báo quyết định hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan, chính thức chia tay mảng bán lẻ. Ngoài ra, Vingroup cũng bán luôn VinEco cho Masan trong thương vụ này.
Tính tới cuối năm 2019, tổng điểm kinh doanh của chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ lên đến con số gần 2.600, vượt xa Saigon Co.op, SATRA hay Bách Hóa Xanh. Trước đó, Vingroup từng mạnh tay thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ khác như Ocean Mart, Maximark, Fivimart, Shop & Go.
Trong 5 năm dưới sự quản lý của Vingroup, Vinmart và Vinmart lỗ khoảng 20.000 tỷ đồng. Về tay Masan và đổi tên thành Winmart, Winmart , các chuỗi này tiếp tục lỗ khoảng 5.600 tỷ đồng trong 2 năm qua.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là số lỗ đã giảm đáng kể nếu so với năm trước. Hơn nữa, mức lỗ 1.446 tỷ đồng là thấp nhất kể từ năm 2015 tới nay của hệ thống Winmart, Winmart+.
Trong năm 2022, chuỗi Winmart đạt doanh thu 9.924 tỷ đồng còn Winmart+ là 20.948 tỷ đồng. Trong khi doanh thu các siêu thị mini Winmart+ tăng 7,7% thì doanh thu cửa hàng lớn Winmart lại giảm 6,6% so với năm trước.
Dưới sự quản lý của Masan, chuỗi siêu thị này không đơn thuần chỉ đi theo hướng bán lẻ truyền thống mà được định hướng chuyển đổi thành các điểm bán trong chiến lược 'Point of Life'. Từ giữa năm 2021, Masan đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart+ và sau đó là các kiosk Phúc Long, Reddi, Phanocity. Masan gọi mô hình này là Mini Mall và đặt cược cửa sáng thành công.
Trong năm 2021, chúng tôi phủ được 68% nhu cầu của người tiêu dùng thông qua hệ thống. Và chúng ta cũng đã phục vụ thêm nhu cầu khách hàng ví dụ ở Winmart, Winmart+ có các kiosk của Phúc Long, phục vụ nhu cầu viễn thông với mạng Reddi, điểm bán thuốc, tài chính. Chúng ta cũng đã làm được một số thành tố quan trọng để đưa vào hệ thống chung và phục vụ. Mô hình Mini Mall các anh chị sẽ thấy tất cả trong một các nhu cầu về cuộc sống, nhu cầu về nhu yếu phẩm, nhu cầu giải trí, nhu cầu tài chính của người tiêu dùng. Khách hàng thân thiết trên cùng 1 nền tảng, mở được tài khoản ngân hàng, dịch vụ tài chính, giải trí, viễn thông.
Thay vì chỉ là nền tảng bán nhu yếu phẩm với biên lợi nhuận khá là thấp, Masan luôn là tập đoàn hướng tới kiến tạo giá trị nhiều hơn. Chúng tôi hiểu bán lẻ và tạo ra sự khác biệt. Mô hình nhân sẽ được rộng với biên lợi nhuận tốt hơn
Cụ thể mô hình Mini Mall sẽ tăng nhanh điểm bán trong năm nay, năm tới. Từng điểm bán sẽ phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Ông Danny Le cũng chia sẻ những con số tích cực mà mô hình Mini Mall mang lại như tăng được 30% số lượng khách hàng trên mỗi cửa hàng, tăng trưởng doanh thu 40%, điểm hoà vốn kéo xuống từ 25 triệu xuống 14 triệu/ngày/cửa hàng. Con số này được kỳ vọng sẽ tốt hơn vào cuối quý 2/2022.
Thiên thời địa lợi nhân hoà
Số liệu nghiên cứu của nhiều tổ chức cho biết 90% doanh số bán lẻ hiện tại vẫn đến từ kênh bán lẻ truyền thống gồm chợ và cửa hàng tạp hóa.
Ngoài ra tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam 36% thấp so với trên 50% của các nước trong khu vực cùng với tốc độ đô thị hóa dự báo 3%. Khi đó, thói quen tiêu dùng dần thay đổi khi giá không còn là yếu tố quan tâm chính được thay thế bằng xuất xứ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và phục vụ khách hàng. Điều này giúp bán lẻ hiện đại tiếp tục tăng thị phần so với bán lẻ truyền thống.
Một ví dụ tại Mỹ, tập đoàn bán lẻ hiện đại Walmart sau thời gian vật lộn ban đầu, thị phần bán lẻ của Walmart hiện tại khoảng 26% với biên ròng khoảng 3%. Con số này không quá lớn với nhiều người nhưng cần chú ý rằng ngành bán lẻ có doanh thu rất lớn. Nếu nhìn thị trường bán lẻ Việt Nam quy mô khoảng 47 tỷ USD với 26% thị phần và biên lợi nhuận sau thuế 3%, lợi nhuận ròng có thể đạt khoảng 300 triệu USD/năm. Ngoài ra bán lẻ hàng thiết yếu khá ổn định trong các chu kỳ kinh tế.
Ngoài cơ hội toàn ngành, một phần không thể thiếu để Masan đặt tham vọng chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam là chiến lược phát triển giai đoạn mới khi tiến hoá thành hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ.
Theo ông Danny Le, đây là cách làm không mới và những ông lớn như Walmart, Alibaba đều đã triển khai để có hạ tầng, hệ thống như hôm nay. Tuy nhiên có điểm khác biệt khi Masan là công ty hàng tiêu dùng Việt Nam và đặt người tiêu dùng vào trung tâm.
Không chỉ nói suông, ngay trong ngày ĐHCĐ, Masan công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd.
TrustingSocial là công ty thuộc nhóm nổi bật đang khai thác ưu thế từ dữ liệu lớn và học máy, nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những người chưa có lịch sử tín dụng, hay hiểu đơn giản là dùng công nghệ để giúp người nghèo vay được tiền.
Masan cho biết thỏa thuận hợp tác với Trusting Social sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online ("O2"). Qua đó cung cấp các giải pháp ứng dụng AI và fintech trong bán lẻ và tiêu dùng, mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội.
Mộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế