Minh bạch tài chính để thầy thuốc bớt lo lắng chuyện quản lý, tập trung vào chuyên môn

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 12:24:10

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng ban soạn thảo xem xét lại các điều khoản về cơ chế tài chính trong dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi làm sao để 'đảm bảo công khai, minh bạch, cái gì được làm và làm thế nào'.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp - Ảnh: D.T.

Sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).


Giá dịch vụ khám chữa bệnh được quy định ra sao?


Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về giá dịch vụ khám chữa bệnh, dự thảo luật thay đổi từ cách tiếp cận theo các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận tính toán các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh , chữa bệnh.


Cụ thể, theo ông Long, có 3 nhóm yếu tố là hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh (thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác); dịch vụ khám, chữa bệnh; các chi phí khác có liên quan quá trình khám, chữa bệnh.


Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải: quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.


Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay thường trực ủy ban thấy rằng dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.


Bà Anh nói theo Luật giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Do đó, đ ề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh và việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Quang cảnh phiên họp sáng 21-4 - Ảnh: D.T.

Nếu áp khung giá dịch vụ cho cả y tế công lập và tư nhân có phù hợp?


Góp ý sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng lĩnh vực y tế dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến chữa bệnh, do vậy cần quan tâm cơ chế tài chính.


Ông nói: Không phải ngẫu nhiên mà nghị quyết 19 nói đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thì phải thực hiện kiểm toán, công khai báo cáo tài chính như đối với các doanh nghiệp.


Ông đề nghị ban soạn thảo xem xét lại các điều khoản về cơ chế tài chính trong dự thảo luật, làm sao để “đảm bảo công khai, minh bạch, cái gì được làm và làm thế nào”. “Để các thầy thuốc được tập trung vào chuyên môn, không lo lắng đến chuyện quản lý”, ông Huệ nói và lưu ý thêm vấn đề bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong hoạt động y tế cũng như rủi ro nghề nghiệp.


Ông cũng đề nghị làm rõ thêm khái niệm giá dịch vụ và đặt vấn đề, khung giá dịch vụ cho y tế công lập và y tế ngoài công lập đã phù hợp chưa.


Theo ông Huệ, cơ sở y tế công lập nhà nước vẫn đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất, nhân lực, còn y tế tư nhân lo tất cả mọi thứ. Nếu áp khung giá dịch vụ cho cả 2 loại hình này thì có phù hợp không.


Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, giá này còn vướng mắc, định mức kinh tế kỹ thuật, định giá dịch vụ đối với các loại cơ sở y tế thế nào, bởi cùng một dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng loại dịch vụ khác nhau, cơ sở khác nhau thì cơ cấu, mức độ của chi phí cấu thành trong giá dịch vụ cũng khác nhau...


Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong dự án Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Chính phủ thực hiện sẽ đổi mới phương thức tính giá khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế theo ca bệnh, dạng bệnh.


Đối với cơ sở y tế tư nhân, theo ông Long, hiện không kiểm soát về khung giá. “Để đảm bảo tính công bằng, chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và sẽ làm rõ hơn vào dự thảo để báo cáo Quốc hội tới đây”, ông Long nói.

Theo tờ trình dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ, những chức danh như bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh... sẽ phải kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Thời hạn của giấy phép là 5 năm.

Chia sẻ Facebook