Miệt thị ngoại hình vẫn "phổ biến" hơn chúng ta nghĩ

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 12:08:50

Một thực trạng đáng buồn vẫn đang tồn tại trong cuộc sống đời thường ở mọi quốc gia trên thế giới, đó là nạn miệt thị ngoại hình - body shaming.

Cách đây ít ngày, trên sân khấu lễ trao giải Oscar 2022, cái tát của tài tử Will Smith dành cho người dẫn chương trình Chris Rock đã làm lu mờ mọi diễn biến còn lại của sự kiện. Đâycó lẽ sẽ trở thành một trong những khoảnh khắc đáng tiếc nhất lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá này. Nguyên nhân là bởi để tạo sự hài hước cho lễ trao giải, MC Chris Rock đã đem hình ảnh mái đầu bị hội chứng rụng tóc của vợ Will Smith ra đùa cợt.


Hành vi bạo lực tất nhiên không bao giờ nhận được sự ủng hộ. Lẽ ra Will Smith có thể dùng cách khác để phản đối việc Chris Rock đưa ngoại hình của vợ mình ra pha trò. Tuy nhiên, sự việc ầm ĩ này cũng nhắc chúng ta về một thực trạng đáng buồn khác vẫn tồn tại trong giới giải trí và cuộc sống đời thường, đó là nạn miệt thị ngoại hình - body shaming.

Theo khảo sát của tờ Independent, gần một nửa số người lớn từng bị miệt thị ngoại hình. Nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy, 94% thiếu niên nữ, 64% thiếu niên nam là nạn nhân của nạn miệt thị về ngoại hình.

Mạng xã hội và COVID-19 thúc đẩy nỗi tự ti về ngoại hình


Bên cạnh những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một ai đó, "miệt thị ngoại hình" cũng là thuật ngữ để chỉ suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tự ti vào ngoại hình của chính mình. Tình trạng này tỷ lệ thuận với sự phát triển của mạng xã hội và gia tăng trong thời kì đại dịch COVID-19.

Kết quả nghiên cứu tại Anh với hơn 1.500 người trẻ từ 14 - 24 tuổi cho thấy, việc sử dụng thường xuyên các mạng xã hội làm tăng cảm giác mặc cảm, tự ti và lo lắng về bản thân ở người trẻ tuổi. Nhiều người được phỏng vấn cho rằng, sử dụng mạng xã hội khiến họ ngủ không ngon giấc, tự ti về ngoại hình cơ thể khi thấy hình người khác đăng tải. Trong đó, ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram được đánh giá là có tác động tiêu cực nhất về vấn đề này.

Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19, nhiều người đã trải qua sự phân biệt đối xử về ngoại hình hoặc tự ti trước hàng loạt thông tin rằng người thừa cân mà mắc COVID-19 thì có thể gặp nguy hiểm hơn đến tính mạng, dẫn đến một làn sóng ăn kiêng có hại trong thời kỳ đại dịch.


Áp lực ngoại hình dẫn đến những hậu quả khôn lường


Những lời miệt thị ngoại hình hay áp lực về ngoại hình trong xã hội đang đặt gánh nặng lên vai nhiều người. Việc này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, tác động tiêu cực tới tinh thần và thể chất, thậm chí nguy hại đến tính mạng.


Tháng trước, dư luận Hàn Quốc đã chấn động trước tin nam vận động viên bóng chuyền nước này Kim In-hyeok tự tử mà nguyên nhân được cho là do bị bắt nạt trên mạng. Một trong những hình thức bắt nạt là miệt thị ngoại hình của nạn nhân, cho rằng nạn nhân đã trang điểm.

VĐV bóng chuyền Hàn Quốc đã tự sát ngay tại nhà riêng


Cung thủ Hàn Quốc từng đoạt huy chương Olympic, An San, cũng bị chỉ trích vì để tóc ngắn, cho rằng cô làm vậy vì muốn thể hiện nữ quyền.

Mái tóc ngắn của cung thủ An San gây tranh cãi tại Hàn Quốc

Áp lực ngoại hình không phải câu chuyện của riêng Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, tình trạng này đã gây ra tổn hại không nhỏ cả về thể lẫn tinh thần, làm gia tăng tình trạng rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc ăn vô độ. Một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy, ước tính có hơn 1,5 triệu người Trung Quốc bị mắc chứng này.

"Lúc bấy giờ, tôi chỉ nặng có 28 cân thôi và đã phải nhập viện điều trị"


Những thử thách trên mạng xã hội như thử thách vòng eo nhỏ có kích cỡ chỉ bằng tờ giấy A4 đã đặt ra những áp lực vô hình với nhiều người. Người ta cho rằng, chỉ gầy mới đẹp, gầy mới hạnh phúc. Những áp lực này dù vô hình nhưng hậu quả nó gây ra lại hết sức rõ ràng.


"Khi đó tôi còn đi không nổi nữa. Chân không có sức, mắt nhìn không rõ, tóc rụng, các chức năng trong cơ thể rối loạn hết cả" - chị Zhang Qiwen chia sẻ.


Sau khi hồi phục, giờ đây, yêu thương và chăm sóc bản thân đang việc mà chị Zhang làm mỗi ngày. Chị Zhang còn tham gia tổ chức một buổi triển lãm chống lại áp lực ngoại hình và miệt thị ngoại hình.

Những nỗ lực chống nạn miệt thị ngoại hình trên thế giới


Và với nhận thức như vậy, trên thế giới, tuy ít luật rõ ràng chống lại vấn nạn này nhưng rất nhiều sự kiện đã được tổ chức, nhiều chính sách đã được đưa ra để hạn chế nạn miệt thị ngoại hình.

Tại Paris, Pháp, hàng năm có một tuần lễ dành riêng cho việc nâng cao nhận thức về phân biệt đối xử ngoại hình, gồm các hoạt động như trình diễn thời trang dành cho mọi loại hình cơ thể khác nhau. Hàng nghìn số điện thoại tư vấn pháp luật và đường dây trợ giúp được thiết lập để người bị miệt thị ngoại hình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vương quốc Anh vào năm 2019 cũng đã xuất bản Sách Trắng về Tác hại trực tuyến, đề cập đến các tác hại liên quan đến việc quảng bá hình ảnh cơ thể thiếu thực tế trên mạng, làm trầm trọng thêm sự tự ti về hình ảnh cơ thể.


Mỹ cũng có đạo luật liên bang nghiêm cấm việc phân biệt đối xử liên quan những khiếm khuyết cơ thể người khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

Thay vì mất thời gian suy nghĩ, tự ti về ngoại hình, các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người nên tự tìm ra những nét đẹp riêng của bản thân để cảm thấy tự tin hơn.

Ngoài ra, không có bất kỳ quy chuẩn nào về cái đẹp có thể áp đặt lên người khác, không ai có quyền chê bai về ngoại hình của ai. Đây là hành vi đáng lên án trong toàn xã hội. Khi gặp phải tình huống này, hãy mạnh dạn lên tiếng, thể hiện cảm xúc bản thân.

Đức Phúc trải lòng gặp áp lực, ám ảnh khi từng bị miệt thị ngoại hình Đức Phúc chia sẻ "body shaming" (miệt thị ngoại hình) là từ gây cho nam ca sĩ nỗi ám ảnh nhiều nhất.

Chia sẻ Facebook