'Miếng bánh' châu Âu quá tiềm năng, nhà nhà tăng nhập khẩu dầu để bán lại kiếm lời

Chia sẻ Facebook
22/10/2022 13:39:43

Châu Á đang tăng cường nhập khẩu dầu thô, đặc biệt là Trung Quốc bất chấp nhu cầu dầu trong nước ở mức thấp. Các nhà máy lọc dầu đang được nâng công suất lên mức cao nhất nhằm bán lại các sản phẩm chưng cất từ dầu cho EU với giá cao.


Nhập khẩu dầu thô vào châu Á đã tăng vọt trong tháng 9. Chuyên gia Clyde Russell của Reuters đã báo cáo trong chuyên mục mới nhất của mình rằng nhu cầu dầu ở châu Á đang ít hơn so với nhu cầu ở châu Âu. Tuy nhiên trái ngược với nhu cầu thấp, nhập khẩu dầu ở châu Á đã tăng hơn 2 triệu thùng mỗi ngày trong tháng trước.

Ông đã chỉ ra rằng Trung Quốc và Singapore đều đã tiến hành bảo trì các nhà máy lọc dầu của mình vào tháng 8 và tỷ lệ sử dụng đã tăng vọt vào tháng 9. Điều này là sự chuẩn bị bình thường khi mùa đông đang cận kề. Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa khác là bởi châu Âu đang chuẩn bị cấm vận dầu Nga và các sản phẩm chưng cất từ dầu cũng sẽ có hiệu lực ngay sau đó 2 tháng. Châu Âu hiện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt dầu diesel khi nước này tránh sử dụng nhiên liệu của Nga và nguồn cung toàn cầu đang rất hạn chế.

Theo các giám đốc điều hành của các nhà kinh doanh hàng hóa lớn được trích dẫn trong một báo cáo gần đây của Energy Intelligence, Mỹ có thể tăng các lô hàng nhiên liệu đến châu Âu, đặc biệt là vì nhiên liệu của Nga sẽ được chuyển hướng đến các điểm đến khác, bao gồm châu Á và Nam Mỹ để đáp ứng nhu cầu tại các khu vực này. Một số loại nhiên liệu của Nga sẽ đến châu Âu nhưng về lý thuyết là xuất xứ từ Trung Quốc.


Châu Âu chưa thể “cai” dầu Nga

Có một sự thật rằng dầu của Nga sẽ chưa thể ngừng chảy vào châu Âu theo đúng nghĩa đen dù châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn dòng chảy bằng cách mua dầu thô đắt đỏ từ những nguồn cung khác. Dòng chảy dầu vào châu Âu từ Ấn Độ hay Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Nga và rất khó để có thể phân biệt.

Bất chấp những biến động về giá cả, nhu cầu dầu trên toàn cầu vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống trong một sớm một chiều. Một trường hợp điển hình là Pháp, nơi các cuộc đình công đã làm tê liệt hơn một nửa công suất lọc dầu của đất nước, tuy nhiên mọi người vẫn đang xếp hàng để đổ đầy bình xăng cho các phương tiện của họ.

Một điều trớ trêu là Liên minh châu Âu có thể phải dựa vào Trung Quốc để cung cấp nhiên liệu cho mùa đông, một nhà cung cấp hàng hóa quan trọng đối với EU trong bối cảnh như hiện nay. Trên thực tế, các cuộc đình công tại nhà máy lọc dầu ở Pháp không phải là thách thức duy nhất đối với nguồn cung của châu Âu. Tình trạng thiếu hụt dầu diesel sẽ trở nên trầm trọng hơn nữa khi các nhà máy bắt đầu bước vào bảo trì theo mùa. Điều này sẽ làm mất 1,5 triệu thùng/ngày công suất lọc dầu trên thị trường. Các cuộc đình công cũng chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc, bởi vậy tình hình nguồn cung sẽ trở nên căng thẳng và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là vị cứu tinh cho nhiên liệu của châu Âu.

Bloomberg đã lưu ý trong một báo cáo gần đây rằng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc vừa được cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất kể từ đầu năm. Một lý do cho điều này là do nhu cầu nội địa tăng trưởng vẫn còn lúng túng sau tất cả các đợt ngừng hoạt động. Lý do sâu xa là Trung Quốc không thể bỏ qua thị trường châu Âu hấp dẫn đang khát nhiên liệu hơn bao giờ hết.

Một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói với Bloomberg: “Chừng nào nền kinh tế Trung Quốc vẫn yếu và tồn kho cao, các nhà máy lọc dầu sẽ có động lực để giảm lượng tồn kho và xuất khẩu”.


Theo Oilprice

Chia sẻ Facebook