Miền Trung sau khi bão Noru hoành hành: Lũ cuốn trôi cầu sắt, hàng nghìn người bị cô lập

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 16:32:32

Nhiều căn nhà ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị... bị tốc mái, hàng trăm cây xanh bị ngã đổ và nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở sau bão Noru.


Tại Đà Nẵng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho biết bão số 4 (bão Noru) đổ bộ khiến 3 nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, chưa có trường hợp tử vong do bão số 4...

Hàng loạt cây xanh trên tuyến đường Hàm Nghi bị ngã đổ.

Trên địa bàn thành phố có 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, ngành điện đã khôi phục 89 trạm biến áp, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng; đang khôi phục 84 trạm biến áp để sớm cấp điện trở lại cho người dân...

Tuyến đường Nguyễn Tất Thành ven biển Đà Nẵng bị gió bão quật liên tục khiến lá cây đổ xuống dày đặc trên đường.

Mái tôn cùng 1 cây xanh tại một trường mần non trên đường Lê Thạch (quận Cẩm Lệ) bị ngã đổ.

Tại tuyến đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu), một trụ điện ngã đổ vào nhà dân nhưng rất may không gây thiệt hại nặng về tài sản.

Các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đang huy động toàn bộ lực lượng để dọn dẹp thiệt hại sau bão.

Sở Giáo dục và đào tạo TP Đà Nẵng cho biết một đoạn tường rào của một trường học trên địa bàn huyện Hoà Vàng bị cây đổ khiến bị sập.


Tại Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết toàn tỉnh có 5 người bị thương, 1 nhà bị sập và 190 căn nhà bị tốc mái.

Một căn nhà bị gió bão thổi tốc mái tại phường Hương An (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 căn nhà bị sập, 190 căn nhà bị tốc mái do bão số 4 gây ra.

Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, TP Huế...

Trong đó, huyện Phú Vang bị thiệt hại nặng nề nhất với 1 căn nhà sập và 53 căn nhà bị tốc mái.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 500 cây xanh bị ngã đổ sau bão.

Các lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế ngay sau khi bão đổ bộ đã triển khai lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Những căn nhà bị tốc mái được sữa chữa để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Cây xanh ngã đổ trên tuyến Quốc lộ 49 được dọn dẹp để nhanh chóng thông tuyến trở lại.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đến hiện trường 1 căn nhà bị tốc mái để thăm hỏi, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.


Tại tỉnh Quảng Nam, bão số 4 không gây thiệt hại về người nhưng làm sập 2 nhà tạm, tốc mái 100 căn nhà. Bên cạnh đó, người dân còn chưa kịp dọn dẹp thì nước lũ từ các con sông chảy về gây ngập nhà cửa, nhiều ngôi nhà chìm trong nước lũ từ 0,5 đến 1m.

Có khoảng 400 cây xanh bị ngã đổ do bão gây ra tập trung chủ yếu ở TP Tam Kỳ.

Tại huyện Nam Giang, mưa lớn khiến nước lũ đổ về vào nhà dân tại thôn Vinh ở xã Tà Pơơ gây hư hại nhiều tài sản.

Chính quyền địa phương huy động lực lượng cứu hộ đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và di chuyển tài sản đến vị trí an toàn.

Nhiều tuyến đường tại huyện Nam Giang bị ngập nặng.

UBND xã Quế Long (huyện Quế Sơn) dựng bảng cảnh báo cấm lưu thông tại tuyến ĐT611 qua đèo Le tại xã Quế Long.

Đoạn đường 611 qua Đèo Le hiện đang bị sạt lở đất đá với khối lượng khoảng 1.000m3. Một số đoạn kênh thủy lợi bị cuốn trôi.

Bão số 4 đã làm chìm ít nhất 3 tàu cá, gồm 1 tàu cá tại xã Tam Giang, 1 tàu câu mực tại xã Tam Hải (cùng huyện Núi Thành) và 1 tàu lưới vây của ngư dân Thăng Bình đang neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (Duy Xuyên).


Tại tỉnh Quảng Trị , sáng nay 28/9, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) Trần Văn Tặng cho biết, do ảnh hưởng của bão Noru, từ hôm qua trên địa bàn xã có mưa lớn, nước suối dâng cao và chảy xiết đã cuốn trôi chiếc cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm vào tối cùng ngày.

Chiếc cầu sắt bị cuốn trôi khiến hơn 370 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu thuộc 6 thôn: Thúc, Xóm Mới, Lền, Xà Lời, Xà Nín, Mít bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Ô vẫn xảy ra mưa lớn, gió thổi mạnh, trong khi điện bị cắt đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân.

Chiếc cầu tạm bằng sắt bị cuốn trôi vào tối 27/9


Tại tỉnh Kon Tum , trên địa bàn huyện Đăk Glei có nhiều tuyến đường bị sạt lở. Trong đó đường HCM Km 1442+200, đoạn qua thôn Đăk Poi bị sạt lở, nguy cơ tắc đường.

Cầu tràn Đăk Ác qua Đăk Ôn nước ngập sâu, hiện nay đã cắm biển báo cấm người qua lại. Hiện tại đã có nhiều tuyến đường, điểm trường, số lượng lớn khối lượng đất đá sạt lở. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại huyện chưa thống kê được.

Cầu tràn Đăk Ác (Đăk Long) bị ngập. Ảnh: Báo Kon Tum


Tại tỉnh Quảng Ngãi , báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, đến sáng 28/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không có thiệt hại về người. Hệ thống thông tin liên lạc cơ bản thông suốt.

Tại huyện Lý Sơn và Bình Sơn, bão số 4 làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái. Có trên 216,5 nghìn khách hàng sử dụng điện tại 6 huyện gồm: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa bị mất điện.

Trên tuyến QL24 đoạn qua Quảng Ngãi, lực lượng CSGT tỉnh đang cắt cây ngã đổ dọn dẹp đường thông thoáng để phương tiện và người dân lưu thông sau bão an toàn.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại do bão số 4

Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở Ban Chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó bão số 4 tại thành phố Đà Nẵng, trụ sở UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương chỉ đạo ứng phó với bão số 4; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.


Theo Đình Thức

Chia sẻ Facebook