Miền Trung khốn khổ vì mưa lũ bất thường, nông dân mất trắng hoa màu
Giữa mùa nắng mà nước ngập trắng đồng, khiến nông dân các tỉnh miền Trung gần như mất trắng lúa và hoa màu vụ đông xuân.
Chưa bao giờ người dân miền Trung chứng kiến cảnh thời tiết bất thường đến như vậy.
Vụ đông xuân "đắng"
Tan buổi chợ sáng, bà Lê Thị Hạnh (65 tuổi, trú thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) vội thu xếp hàng rau để chạy vội ra cánh đồng. Trước mặt bà Hạnh, cả 4 sào lúa của gia đình đang trổ bông đều bị ngập lút.
Bà Hạnh chỉ biết đứng thẫn người, bật khóc. "Vụ lúa ni coi như mất trắng. Ngoài 4 sào lúa thì nước lũ còn "cướp" của nhà tôi vụ ớt, hoa màu đang trong độ thu hoạch. Cả gia đình tôi cùng đứa con đang học đại học trông cả vào đây mà giờ hết rồi", bà Hạnh khóc nghẹn.
Còn tại Quảng Ngãi, đợt mưa trái mùa vừa diễn ra đã khiến lúa và hoa màu của người dân ngập nặng, nhất là tại huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ.
Bà Huỳnh Thị Tỵ (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) cho biết mưa lớn đã làm 4 sào lúa gần thu hoạch của gia đình ngã rạp. 2ha khoai mì, đậu phộng của gia đình cũng chìm trong nước. "Nghe đâu sắp đến còn đợt mưa lớn nữa. Nếu thật vậy thì lúa bị ngập lâu hơn sẽ nảy mầm hết. Vụ này coi như trắng tay", bà Tỵ nói.
Mưa lũ dị thường còn ảnh hưởng lớn đến những hộ dân nuôi cá lồng dọc sông Bồ. Ông Nguyễn Khánh (52 tuổi, trú thôn Niêm Phò) nói rằng đang rất lo cho bầy cá trắm cỏ hơn 600 con sắp vào độ thu hoạch của gia đình. Bầy cá trắm cỏ này ông Khánh nuôi hơn 2 năm nay, dự định cuối năm sẽ xuất lồng đem bán. Vậy mà đầu mùa hè trời đổ mưa lũ, nước sông Bồ chảy xiết do thủy điện Hương Điền xả nước khiến bầy cá của ông chết hơn 100 con.
"Vài ngày tới, nước rút từ trong đồng ra mang theo thuốc trừ sâu, phân bón… sẽ còn làm cá chết nữa. Vụ cá này của tui không khéo lại mất trắng nữa", ông Khánh nói.
Vựa rau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi cũng bị ngập úng và hư hại nặng. Người dân phải đội mưa để thu hoạch nốt số rau còn lại nhằm vớt vát phần nào.
"Gia đình tôi có 5 sào cải thìa, xà lách và rau ngò chuẩn bị thu hoạch nhưng giờ chẳng còn gì. Không chỉ tôi mà toàn làng rau đều chung cảnh. Chưa khi nào qua Tết mà làng rau bị thiệt hại nặng đến vậy" - bà Đỗ Thị Bé, ở xã Nghĩa Dũng, nói.
Còn tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), mưa lớn kèm lũ trên sông Vu Gia dâng cao mang theo lớp bùn non làm ngập những bãi bồi dưa hấu, đậu phộng ven sông. Ruộng dưa hấu 3 sào của ông Huỳnh Tâm (55 tuổi, thôn Phước Lâm) bị mưa dầm, lũ ào lên tơi tả, trái ngập ngụa dưới bùn, lá bị úng thối. Ông Tâm phải dùng máy bơm nước để xịt rửa lớp bùn non đặc quánh trong ruộng mong cứu được ít dây dưa.
"Nhiều năm trồng dưa nhưng chưa khi nào tôi gặp thời tiết thất thường như vậy. Tưởng ra Tết trời nắng ráo, nhưng nay đã tháng 4 rồi mà còn mưa dồn dập, lũ dâng cao gây ngập ruộng hư hỏng hoa màu như thế này…" - ông Tâm than.
Cứu lúa, hoa màu
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, phó chủ tịch UBND huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế), cho biết trên địa bàn có hơn 3.800ha diện tích lúa bị ngập úng do mưa lũ, trong đó có hơn 3.000ha bị ngập hoàn toàn.
Theo ông Tiến, từ khi trời đổ mưa to vào ngày 31-3, huyện đã chỉ đạo các trạm bơm tiêu úng hoạt động hết công suất để cứu lúa. Tuy nhiên, do mưa to, nước đổ về quá lớn khiến việc bơm tiêu úng không còn hiệu quả.
"Bây giờ chỉ còn cách chờ cho nước rút trong vài ngày tới mới có thể bơm rút nước khỏi cánh đồng và tìm cách cứu những diện tích lúa may mắn chưa bị ngập hoàn toàn", ông Tiến nói.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 3-4 toàn tỉnh có hơn 20.000ha lúa bị ngập do mưa lũ (ngập trên 70% là 12.502ha). Đây là đợt mưa lớn gây lũ trên diện rộng ở sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu…
Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp, nhiều đoạn đê đã xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê, gây ngập úng vụ lúa đông xuân.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp huy động toàn bộ máy móc để bơm nước, chống tiêu úng ngay sau khi nước rút để cứu lúa.
Còn theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, khoảng 4.500ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước ngã đổ, trong đó có khoảng 1.500ha lúa bị ngã đổ hoàn toàn và diện tích bị ngập úng là 3.000ha. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm 1.000ha hoa màu bị ngập úng, hư hại nặng. Con số này sẽ còn tăng thêm nếu mưa không ngớt.
Sở NN&PTNT Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương cần triển khai nhanh các phương án thu hoạch sớm những diện tích lúa đã chín và cùng nông dân ra đồng tháo nước, chăm sóc lúa để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ông Hồ Trọng Phương, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, đã cử 3 đoàn đi kiểm tra ở các huyện, thị xã, thành phố bị thiệt hại nặng, tập trung chỉ đạo các địa phương nhanh chóng tiêu thoát nước để lúa không nảy mầm đối với diện tích bị ngập úng.
Với lúa bị ngã đổ gần đến kỳ thu hoạch thì khẩn trương huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân, phụ nữ thu hoạch giúp người dân với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
"Chúng tôi sẽ huy động lực lượng cứu lúa và hoa màu của bà con ở mức tối đa. Đây là thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh", ông Phương nói.
Các tỉnh miền Trung tiếp tục có mưa to
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 3 đến 6-4, khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Cụ thể, từ gần sáng 4 đến ngày 5-4, ở Đà Nẵng đến Quảng Nam mưa phổ biến 100 - 150mm, có nơi trên 200mm; Quảng Ngãi đến Bình Định mưa 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Từ đêm 3 đến 6-4, ở Phú Yên đến Khánh Hòa mưa 100 - 180mm, có nơi trên 200mm; khu vực Tây Nguyên mưa phổ biến 70 - 120mm, có nơi trên 150mm.
Quảng Trị: Đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn giống cây trồng
Tại tỉnh Quảng Trị, thiệt hại do mưa lũ gây ra đã khiến gần 10.500ha lúa và hơn 3.000ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng.
Ông Hà Sĩ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh - cho biết để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ, tỉnh chỉ đạo các ngành đề xuất giải pháp kỹ thuật để khắc phục lúa và hoa màu bị ngập úng, rạp đổ.
"Trước mắt, tỉnh sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh về giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất. Về lâu dài, tỉnh đề nghị trung ương có các phương án, kịch bản ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan, dị thường và có tính lịch sử", ông Đồng nói.
Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan
Trong sáng 3-4, đoàn công tác do ông Trần Quang Hoài - phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - đã kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra trong những ngày qua tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Tại buổi kiểm tra, ông Trần Quang Hoài đề nghị lãnh đạo 2 tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ trái mùa gây ra, nhất là các diện tích lúa còn lại của người dân.
Theo ông Hoài, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Trong bối cảnh đó, địa phương cần chủ động ứng phó - đó là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
N.LINH
Thời điểm mất tích, chị Q. đang đi qua đoạn đường ngập nước lũ, có mưa to, gió lớn. Còn chị P. bị ngã xe máy khi qua đoạn đường ngập sâu, nước chảy mạnh...