Miền Trung gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 08:47:31

Giai đoạn thời tiết giao mùa, dịch sốt xuất huyết tại các địa phương miền Trung có chiều hướng gia tăng, trong đó ghi nhận có trường hợp tử vong.


Tại Quảng Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến ngày 24/10, địa phương ghi nhận gần 5.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Huyện Lệ Thủy với 1.480 ca, Bố Trạch 1.100 ca, huyện Quảng Ninh gần 800 ca và TP. Đồng Hới 677 ca.

Đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu chững lại, ghi nhận mỗi ngày gần 100 ca mắc mới. Trong giai đoạn giao mùa, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước đó, địa phương đã ghi nhận một trẻ em tử vong do sốt xuất huyết sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng.

Để phòng bệnh suốt xuất huyết, các đơn vị y tế địa phương đã tập trung phun hóa chất diệt muỗi và xử lý các ổ dịch; phối hợp với các đoàn thể, địa phương triển khai vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng; đồng thời tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết…

Tại Quảng Nam cũng vừa ghi nhận một ca mắc sốt xuất huyết tử vong ở phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ. Đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết tại địa phương. Tính đến nay, Quảng Nam ghi nhận 11.880 ca mắc sốt xuất huyết trên 18 huyện, thị xã, thành phố. Sốt xuất huyết bắt đầu từ tháng 6, tăng đột biến từ tháng 8 và chưa có xu hướng giảm. Các địa phương có số ca mắc cao như: Thị xã Điện Bàn, TP. Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, huyện Đại Lộc…

Tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng. Theo Trung tâm y tế quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn, sốt xuất huyết xuất hiện từ tháng 5 kéo dài đến nay, toàn huyện ghi nhận 250 ca.

Từ ngày 10/10 đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện bùng phát mạnh. Mỗi ngày có từ 4-5 ca nhập viện, nhiều ca chuyển nặng phải thuê tàu vào đất liền cấp cứu trong điều kiện biển động, mỗi chuyến tàu người dân phải chi trả khoảng 20 triệu đồng, chi phí điều trị bệnh mùa biển động trở thành gánh nặng của người dân. Cụ thể, trong ngày 10 và 12/10, có 6 ca bệnh sốt xuất huyết phải thuê tàu cao tốc với sự hỗ trợ của tàu cảnh sát biển vượt sóng to, gió lớn vào bờ điều trị.

Bác sĩ Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn cho biết, hiện đang là cao điểm mùa mưa, nên nhiều dụng cụ phế thải chứa nước nhỏ tại các khu dân cư, cùng với nhiều hộ gia đình trên đảo dùng vật dụng trữ nước mưa vào mục đích sinh hoạt, đây là điều kiện để muỗi vằn phát triển và khiến dịch bùng phát.

Với tính chất phức tạp của dịch bệnh, huyện Lý Sơn coi công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. UBND huyện Lý Sơn đã huy động lực lượng vũ trang, y tế, thanh niên xung kích và nhân dân ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, xử lý các vật dụng chứa nước không cần thiết, khoanh vùng ổ dịch để phun hóa chất với quyết tâm không để dịch bùng phát trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, cùng với việc duy trì dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu dân cư, huyện tăng cường tuyên truyền trên sóng phát thanh, lưu động, mạng xã hội, phát tờ rơi để người dân nhận thức và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.

"Chính quyền cũng đề nghị Trung tâm y tế quân dân y kết hợp duy trì trực cấp cứu 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời các ca bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất phòng dịch; xét nghiệm, chẩn đoán chính xác bệnh để tham mưu huyện đề nghị tỉnh cấp lệnh cho các tàu cao tốc đưa bệnh nhân vào bờ cấp cứu kịp thời. Việc chẩn đoán bệnh chính xác sẽ giảm thiểu chi phí thuê tàu vào bờ cấp cứu của người dân", ông Lê Văn Ninh cho hay.

Còn tại TP. Đà Nẵng, ghi nhận đến đầu tháng 10, toàn thành phố có hơn 6.200 ca mắc, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một số địa phương có số ca mắc tăng là các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn.

Hiện Trung tâm y tế các quận, huyện cũng đang tập trung giám sát những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch nhỏ, hạn chế số ca mắc mới trong cộng đồng.

Chia sẻ Facebook