Miền Tây ít bị mặn xâm nhập nhờ 'mưa vàng' vào đỉnh điểm mùa khô
Dù đang là đỉnh điểm mùa khô năm 2022 nhưng nhờ có liên tiếp những cơn mưa trái mùa rất to đã khiến tình hình mặn xâm nhập ở miền Tây giảm đi đáng kể.
Ngày 27-3, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, trong những ngày tới có khả năng thường xuyên xuất hiện mưa trái mùa, gió Đông hoạt động phổ biến. Tình trạng mặn xâm nhập còn diễn biến phức tạp do phụ thuộc vào sự điều tiết nguồn nước ở thượng nguồn.
Dự báo mặn có khả năng xâm nhập sâu trở lại từ ngày 27-3 đến ngày 5-4 ở mức tương đương đầu tháng 3.
Theo dự báo, độ mặn trên sông Cửa Đại cao nhất hằng ngày có xu thế tăng dần từ ngày 25 đến ngày 29. Mặn xâm nhập sâu nhất, lớn nhất xuất hiện trong các ngày 27 đến 29 ở mức ít sâu hơn so với tuần qua và ít sâu hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, độ mặn 1‰ xâm nhập đến xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách cửa sông 48km. Trên sông Hàm Luông độ mặn cao nhất hằng ngày có xu thế tăng dần từ ngày 26 đến 28 rồi ít biến đổi.
Mặn xâm nhập sâu nhất, lớn nhất xuất hiện trong các ngày 22 và 27 đến 29 ở mức ít sâu hơn so với tuần qua và ít sâu hơn so với cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 58km. Còn mặn 1‰ trên sông Cổ Chiên xâm nhập cách cửa sông 49km.
Đài khí tượng thủy văn Bến Tre cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân và các địa phương nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn, kiểm tra thường xuyên độ mặn của nước trước, trong khi sử dụng.
Còn tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Tùng, một nhà vườn ở huyện Kế Sách, cho biết trong gần 70 năm qua, ông chưa từng chứng kiến trận mưa đầu mùa nào lớn như tuần trước. "Chỉ một cơn mưa mà nước đã ngập đìa. Cây trái được tưới mát, quý như trận mưa vàng", ông Tùng phấn khởi khoe.
Ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết so với cùng kỳ năm rồi, hạn mặn năm nay đỡ gay gắt hơn. Nhờ chủ động điều tiết hệ thống cống để ngăn mặn, lấy nước ngọt nên đủ lượng nước phục vụ lúa đông xuân, bà con trúng mùa nên rất phấn khởi.
Ông Đạo nói không chỉ nhẹ gánh đối phó tình hình xâm nhập mặn, giữa tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn được hưởng "lộc trời" từ những cơn mưa trái mùa. Cách đây vài ngày, tại huyện Kế Sách, Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm, có ngày mưa kéo dài từ 3-4 giờ.
Theo ông Đạo, cuối tháng 3, xâm nhập mặn bắt đầu giảm, phạm vi xâm nhập mặn cách biển chỉ còn từ 35-45km. Mừng hơn là đã có xuất hiện nước ngọt khi chân triều thấp.
"Nguồn nước từ sông Mekong đã về nên từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, xâm nhập mặn trên tuyến sông Hậu giảm nhanh. Hiện nước ngọt xuất hiện dồi dào, bà con có thể lấy nước để sản xuất, gieo trồng. Nông dân Sóc Trăng thoát được mùa khô không ảnh hưởng, thiệt hại sản xuất do hạn mặn, thật đáng mừng", ông Đạo chia sẻ.
Người nuôi tôm Kiên Giang mừng vì mặn ít
Ông Nguyễn Văn Lẹ ở xã Tây Yên A (huyện An Biên, Kiên Giang) cho biết hiện nồng độ mặn trên sông ở địa phương ở mức khoảng 15‰. Độ mặn này so với mọi năm không cao nên ông Lẹ cho rằng người dân thả nuôi tôm khá thuận lợi.
"Hiện hơn 30 công đất nuôi tôm của gia đình tôi bình thường. Sau 2 tháng thả nuôi, tôm hiện đạt trọng lượng 40-45 con/kg. Cũng hy vọng tới đây độ mặn ở kênh, sông ổn định để tôi và bà con ở đây sẽ có một vụ tôm trúng mùa, trúng giá", ông Lẹ mong muốn.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết trong tuần (tính từ ngày 18 đến ngày 24-3), dòng chảy sông MeKong qua trạm Kratie tăng nhanh và ở mức cao. Mực nước ở Biển Hồ (Campuchia) ít biến đổi, đặc biệt mưa xuất hiện rải rác và lượng mưa dao dộng dưới 65mm, riêng 2 ngày gần đây có nơi mưa to cục bộ nên độ mặn cao nhất ở các trạm trên địa bàn tỉnh hầu hết thấp hơn cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, ở trạm Xẻo Rô có độ mặn 14,6‰ (thấp hơn 5,4‰ so với cùng kỳ năm 2021); trạm Gò Quao có độ mặn 5,3‰ (thấp hơn 4,6‰ so với cùng kỳ năm 2021) và ở trạm An Ninh 9,0‰ và trên kênh Chắc Băng (Vĩnh Thuận) độ mặn được duy trì ở mức cao trên 20‰…
Dự báo hiện tượng ENSO đang ở pha lạnh, ảnh hưởng của La Nina tiếp tục kéo dài đến tháng 5, sau nghiêng về trung tính, mùa mưa năm 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo xuất hiện sớm.