Miến Điện đã chiến thắng nhà Thanh như thế nào? (P2)

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 09:24:26

Lúc này tại Kinh thành Ava của Miến Điện, dù nhiều người lo sợ quân Thanh đang tiến đến và muốn rời khỏi Kinh thành, nhưng vua Hsinbyushin quyết ở lại dù có phải đơn độc chiến đấu.

Xem phần 1

Trong khi đó quân Thanh khi tiến sâu vào Miến Điện đã gặp khó khăn vì xa hậu cần, con đường tiếp tế thì liên tục bị quân du kích Miến Điện chặn đánh. Chính vì thế Minh Thụy phải quay sang phòng ngự chờ cánh quân thứ hai đang tấn công Kaungton kéo đến. Tuy nhiên cánh quân này sau nhiều lần tấn công Kaungton đã thất bại, bị thiệt hại nặng nề. Chỉ huy cánh quân này chống lệnh Minh Thụy, tự ý cho quân rút về Vân Nam.

Miến Điện phản công đánh bại hoàn toàn quân Thanh

Đầu năm 1768, quân chủ lực Miến Điện từ Xiêm La đã rút về đến nơi. Quân Miến Điện lúc này đã có đủ sức mạnh và bắt đầu tiến đánh Hsenwi. Quân Thanh ở đây bại trận, tướng chỉ huy phải tự sát. Thất bại này khiến quân Thanh bị cắt đứt con đường tiếp tế.

Sau chiến thắng này, tướng Maha Thiha Thura đã thu phục được lòng tin của các tướng sĩ. Ông được cử làm Tổng chỉ huy toàn quân Miến Điện.

Đến tháng 3/1768, mùa hè kéo đến. Trong cái nóng như nung người ở miền trung Miến Điện, quân Bát Kỳ bị chết hoặc bị bệnh sốt rét, quân du kích Miến Điện cũng liên tục tập kích. Tình thế khiến Minh Thụy thấy rằng không thể tiến đánh Kinh đô Ava, nên quyết định cho quân rút về Vân Nam nhằm bảo toàn lực lượng.

Trong khi quân Thanh rút lui, quân Miến Điện với khoảng 10.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh chia làm 2 cánh bám sát theo sau. Tướng Maha Thiha Thura với khả năng điều binh tài tình rốt cuộc đã bao vây quân Thanh tại Pyinoolwin (Maymyo trên bản đồ bên dưới). Một cuộc chiến ác liệt diễn ra giữa quân chủ lực Miến Điện và quân Bát Kỳ.

Bản đồ cuộc giao tranh lần thứ 3. Đường màu vàng là quân Thanh. Đường màu đỏ là quân Miến Điện. (Tranh: Soewinhan/Wikipedia, Public Domain)

Kết quả, quân Thanh bị thất bại hoàn toàn. 2.500 quân bị bắt, chỉ vài chục tinh binh quân Thanh phá vòng vây thoát ra được. Bản thân Minh Thụy cũng bị thương nặng.

Khi quân Thanh xuất trận, hoàng đế Càn Long đã tính xa đến kế hoạch sáp nhập vùng đất sắp chiếm được. Nhưng tin thất trận bay về khiến triều đình nhà Thanh choáng váng. Các tướng thất trận trở về đề xuất không nên tiến đánh Miến Điện nữa, nhưng hoàng đế Càn Long vẫn muốn tiếp tục.

Quân Thanh tấn công lần thứ tư

Để chuẩn bị cho đợt tấn công mới, hoàng đế Càn Long cử Phó Hằng làm Tổng chỉ huy chiến dịch. Về phía Miến Điện, vua Hsinbyushin chuẩn bị đương đầu với nhà Thanh lần thứ 4.

Tướng Phó Hằng. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Lợi dụng việc Miến Điện phải rút quân về đối phó quân Thanh, quân Xiêm La đã dần dần lấy lại các thành phố bị quân Miến Điện chiếm.


1. Quân Thanh rút kinh nghiệm từ thất bại

Phó Hằng chỉ huy 6 vạn quân Thanh tiến đánh Miến Điện, trong đó có 4 vạn quân Bát Kỳ và Mông Cổ, còn lại là quân lục doanh và thổ binh người Shan.

Qua nghiên cứu 3 cuộc tấn công thất bại trước đó, ông chia quân làm 3 cánh tấn công: Cánh thứ nhất sẽ trực tiến đánh Bhamo sau đó đến Kaungton, cánh quân này được xem là khó khăn vì đồn Kaungton vẫn luôn bất bại và quân Thanh chưa bao giờ có được chiến thắng tại đây; hai cánh quân còn lại sẽ tiến dọc theo bờ sông, mỗi cánh theo một bờ sông được hỗ trợ bởi các thuyền chiến, cùng tiến về Kinh đô Ava.

Thủy quân nhà Thanh. (Tranh: Peyrefitte, Alain (1993), Wikipedia, Public Domain)

Rút kinh nghiệm từ lần trước, Phó Hằng cho bảo vệ các tuyến tiếp tế và liên lạc của mình. Các cánh quân tiếp tế không đi qua con đường rừng núi để tránh bị du kích Miến Điện tấn công. Dồng thời ông cũng cho nhiều thợ mộc đi theo để dựng đồn và chiến thuyền.

Dựa vào hướng di chuyển của quân Thanh, quân Miến Điện đoán được đường tiến công của đội quân này. Quân Miến Điện có 4 vạn chia làm 4 cánh, 3 cánh để chặn 3 cánh quân Thanh, cánh thứ tư chặn nguồn tiếp tế. Vua Hsinbyushin cũng tổ chức một hạm đội thủy quân để đánh chiến thuyền quân Thanh.


2. Quân Thanh tấn công

Nhận thấy quân Miến Điện bắc tiến để chuẩn bị đón đánh, Phó Hằng quyết định tiến quân ngay mà không chờ hết mùa mưa. Ông muốn đánh ngay trước khi quân Miến Điện chuẩn bị xong lực lượng. Cả 3 cánh quân nhà Thanh cùng tiến đánh.

Sau các chiến thắng, quân Thanh đến thành Bhamo và chiếm được thành này, rồi xây một pháo đài gần làng Shwenyaungbin (cách thành Kaungton của quân Miến 12 dặm về phía đông). Sau đó các thợ mộc đóng hàng trăm chiếc thuyền để quân Thanh xuôi theo dòng sông Irrawaddy tiến đến Kinh đô Ava.

Quân Thanh chia làm 2 cánh ở bờ tây và bờ đông sông Irrawaddy cùng tiến, tuy nhiên 2 cánh quân này đều không muốn rồi xa căn cứ. Khi quân Miến Điện bên bờ tây áp sát, quân Thanh tại đây rút về bờ đông, quân Thanh tại bờ đông cũng không muốn di chuyển, khiến cho thủy quân Thanh bị hở sườn. Thủy quân Miến Điện từ Kinh đô Ava ngược dòng sông Irrawaddy đánh bại quân Thanh, đánh chìm hết các chiến thuyền.

Thủy quân Miến Điện. (Tranh: Singey Bey, T. Medland, Wikipedia, Public Domain)

Không thể tiến theo đường sông Irrawaddy, các cánh quân Thanh hợp sức đánh vào đồn Kaungton. Thế nhưng Kaungton thêm một lần nữa trở thành pháo đài bất khả chiến bại. Suốt 1 tháng ròng rã quân Thanh bị đánh lui hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác. Dù quân Bát Kỳ lên tới được mặt thành, nhưng quân Miến Điện với sự quả cảm phi thường đã đẩy lui quân Bát Kỳ


3. Quân Thanh nghị hòa và quyết định lịch sử

Không sao tiến được, quân Thanh bị sa lầy và bắt đầu đổ bệnh, chết hàng loạt. Chủ tướng Phó Hằng cũng đổ bệnh. Mặt khác cánh quân Miến Điện có nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp tế cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khiến quân Thanh không có nguồn hậu cần tiếp tế.

Nhận thấy quân Quân Thanh xuống sức, quân Miến Điện liền tấn công vào pháo đài quân Thanh xây dựng gần làng Shwenyaungbin và chiếm được pháo đài này sau một trận chiến ác liệt. Tàn quân Thanh tháo chạy về doanh trại phía Kaungton. Quân Miến Điện từ các hướng tiến đến vây kín quân Thanh làm nhiều vòng.

Tình hình quân Thanh lúc này thật bi đát, 2 vạn quân đã tử trận. Biết không thể chiến thắng, nếu tiếp tục cuộc chiến thì có nguy cơ bị tiêu diệt toàn bộ, các chỉ huy quân Thanh tỏ ý muốn nghị hòa. Tuy nhiên các tướng Miến Điện lại không muốn hòa, bởi họ biết quân Thanh đã hết lương lại bị vây chặt, chỉ vài bữa sẽ bị tiêu diệt.

Tướng chỉ huy Miến Điện là Maha Thiha Thura hiểu rằng nếu chọn cách đánh tiêu diệt, quân Thanh thua trận sẽ rất uất hận và lại tiếp tục cho quân sang đánh, chiến tranh sẽ liên miên. Ông nói rằng:


“Các binh tướng, nếu chúng ta không cho giảng hòa, chúng sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc xâm lược nữa. Và một khi chúng ta đánh bại đạo quân đó, chúng sẽ gửi một đạo quân nữa. Nước ta không thể cứ đánh hết đạo quân Trung Hoa này đến đạo quân Trung Hoa khác, vì ta còn nhiều việc khác phải làm. Hãy ngưng cuộc tàn sát, và để dân họ và dân ta được sống trong thái bình”.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Htin Aung

Là người có tầm nhìn xa, tướng Maha Thiha Thura cũng chỉ rõ rằng quân Thanh dù thiệt hại lớn nhưng do nước lớn dân đông nên mất mát ấy chỉ là nhỏ. Miến Điện dù thiệt hại ít hơn nhiều nhưng so về tỷ trọng dân số thì cũng là một mất mát đáng kể. Nếu chiến tranh liên miên thêm nhiều lần nữa thì dù chiến thắng nhưng cũng dần kiệt quệ và thất bại.

Một vị tướng của Miến Điện. (Tranh: Illustrated London News, Wikipedia, Public Domain)

Lý giải của Maha Thiha Thura không thuyết phục được các tướng lĩnh khác, nên ông quyết định dùng quyền lực của mình nghị hòa với quân Thanh mà không thông báo lên nhà Vua.

Maha Thiha Thura đã ra 4 điều khoản nghị hòa như sau:

Quân Thanh phải trao lại tất cả các chúa mường, những kẻ phản loạn, những kẻ lẩn tránh pháp luật Miến Điện và bỏ trốn vào lãnh thổ nhà Thanh;

Nhà Thanh phải công nhận chủ quyền của Miến Điện trên các tiểu quốc Shan vốn thuộc Miến Điện;

Tất cả tù binh chiến tranh phải được phóng thích;

Hoàng đế Trung Hoa và nhà vua Miến Điện duy trì quan hệ hữu hảo, thường xuyên trao đổi sứ thần mang quốc thư hữu nghị và tặng phẩm.

Quân Thanh lâm vào đường cùng đã đồng ý các điều khoản này, hai bên cùng ký hòa ước với nhau trong một ngôi chùa.

Quân Thanh rút đi, quân Miến Điện chứng kiến cảnh quân Thanh đói khát dìu nhau rút lui dọc theo thung lũng Taiping. Trên đường rút lui, thêm hàng ngàn quân Thanh phải bỏ mạng vì đói khát


4. Đại chiến dịch kết thúc

Quân Thanh thất trận trở về, hoàng đế Càn Long không bằng lòng với bản nghị hòa nhưng cũng không tiếp tục tấn công Miến Điện nữa.

Tại Kinh đô Ava, vua Hsinbyushin giận dữ không đồng ý và xé bỏ bản nghị hòa. Thấy nhà Vua giận dữ, các đạo quân Miến Điện dù thắng trận cũng không dám trở về Kinh đô, phải 1 năm sau khi thấy nhà Vua đã nguôi giận họ mới dám trở về.

Nhà Vua buộc vị tướng lừng danh Maha Thiha Thura mặc quần áo đàn bà và bị đày đến cao nguyên của người Shan. Các chỉ huy khác thì bị phạt đứng phơi nắng ở cổng Tây cung điện suốt ba ngày. Thấy các tướng có công lớn mà bị xử, quan Thượng thư xin cho họ nhưng chính ông cũng bị đưa đi đày.

Cuộc chiến tranh với Miến Điện khiến nhà Thanh bị mất nhiều binh tướng giỏi, tiêu tốn quốc khố mất 9,8 triệu lạng bạc.

Miến Điện dù chiến thắng nhưng cũng gặp tổn thất lớn, việc rút quân chủ lực trở về khiến Xiêm La mà họ đã chiếm được trước đó bị mất. Những tổn thất khiến Miến Điện phải mất 5 năm mới hồi phục quân đội hùng mạnh như cũ.

20 năm sau các quý tộc người Shan và quan lại tỉnh Vân Nam vì lợi ích đã đứng ra làm trung gian để nối lại việc giao thương giữa hai nước. Miến Điện lúc này dưới triều vua Bodawpaya đồng ý việc nối lại giao thương và trao đổi sứ thần.

Về phần hoàng đế Càn Long, ông cho rằng việc nối lại quan hệ là thể hiện sự thần phục của Miến Điện, và các sứ thần từ Miến Điện đến được xem là để triều cống.


5. Người dân Miến Điện nhớ mãi Maha Thiha Thura

Maha Thiha Thura được xem là một trong số những vị tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử Miến Điện. Ông tham gia đánh bại quân Thanh ở lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Chiến lược của ông trong trận vây quân Thanh tại Pyinoolwin (nay là Maymyo) được các sử gia quân sự xem là kiệt xuất.

Lịch sử sau đó đã chứng minh rằng việc ông nghị hòa với quân Thanh là đúng đắn. Sau khi đánh thắng quân Thanh lần thứ tư, phải 5 năm sau Miến Điện mới xây dựng được đội quân hùng mạnh như cũ.

Tuy nhiên vào thời điểm mà quân Thanh đang kiệt sức, các tướng sĩ đều muốn đánh chứ không muốn hòa. Nếu Maha Thiha Thura quyết định tấn công đánh bại quân Thanh thì tướng sĩ sẽ tung hô ông, đội quân chiến thắng sẽ trở về trong sự hò reo hân hoan của dân chúng, nhà Vua sẽ vui mừng mà trọng thưởng cho ông.

Nhưng Maha Thiha Thura đã đặt xã tắc lên trên hết mà hy sinh bản thân mình, từ bỏ vinh quang trước mắt cho bản thân vì tương lai của đất nước. Có thể nói quyết định của ông không chỉ là quyết định của một vị tướng, mà là quyết định của một vị thánh nhân. Đúng như sử gia Htin Aung đã viết: “Hậu thế phải biết ơn ông không chỉ vì sự sáng suốt của ông mà còn cả vì ông đã không ích kỷ.”

Ngày nay người dân Miến Điện ai cũng biết về Maha Thiha và xem ông như một trong những vị tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử Miến Điện.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook