Microsoft Bing vs Google Bard: Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến chatbot AI?

Chia sẻ Facebook
13/05/2023 09:14:24

VietTimes – Google Search là công cụ tìm kiếm hàng đầu trong gần 20 năm qua. Nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, vị thế của Google đã bắt đầu bị lung lay bởi cái tên Bing.

Microsoft Bing và Google Bard là những đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm (Ảnh: Gizmochina)

Vũ khí mà Microsoft sử dụng là một chatbot AI được xây dựng trên ChatGPT. Bằng cách khởi chạy lại Bing (The New Bing), Microsoft đã cung cấp cho người dùng cách thức tìm kiếm hoàn toàn mới. Người dùng hoàn toàn có thể nói chuyện, tìm hiểu sâu về các chủ đề thông qua chatbot thay vì chỉ nhận lại được danh sách các trang web có chủ đề liên quan như trên Google Search.

Tất nhiên, bản thân công nghệ này không có gì mới. Sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT, có thể nói là ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, đã phổ biến ý tưởng về một công cụ tìm kiếm đàm thoại trò chuyện trực quan hơn cho người dùng.


Thật ngạc nhiên nếu biết rằng dự án nghiên cứu Transformer của Google vào năm 2017 là cơ sở cho hầu hết các ứng dụng AI tổng quát mà chúng ta thấy ngày nay. Trong một nỗ lực để hạn chế sự bành trước của Bing, Google đã công bố Bard - một dịch vụ AI đàm thoại thử nghiệm của Google.

Bằng cách kết hợp các chatbot AI này vào hai công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google và Microsoft đang đưa chúng lên một tầm cao mới và có thể khiến người dùng thay đổi hoàn toàn cách thức tìm kiếm trên Internet. Nhưng làm thế nào để so sánh chính xác các trợ lý tìm kiếm AI của 2 gã khổng lồ công nghệ?Và ai là người chiến thắng cho đến nay trong trận chiến này?

Trước khi chúng ta so sánh các chatbot AI mới của Microsoft và Google, đây là bản tóm tắt nhanh về bản chất thực sự của chúng.


Các công nghệ hỗ trợ đằng sau Bing và Bard được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn. Đây là các mạng thần kinh hoặc thuật toán deep learning, đã được đào tạo trên lượng dữ liệu khổng lồ và có thể tạo ra các câu trả lời dạng đối thoại.

Microsoft cho biết phiên bản Bing mới của họ được cung cấp bởi "mô hình OpenAI thế hệ tiếp theo mạnh hơn ChatGPT". Đây có thể là phiên bản kế nhiệm GPT-4 được đồn đại từ lâu cho mẫu GPT-3.5 hiện đang hỗ trợ ChatGPT. Nhưng chúng ta sẽ phải chờ thông báo từ OpenAI để chắc chắn.

Trong khi đó, Bard của Google được hỗ trợ bởi LaMDA (viết tắt của Language Model for Dialogue Applications). Bard cuối cùng cũng đã được tung ra để người dùng có thể sử dụng.

Tìm kiếm dựa trên chatbot mà chúng ta sẽ sớm thấy trong cả Microsoft Bing và Google Search sẽ hoạt động theo cách tương tự. Trong một hộp riêng biệt với các kết quả tìm kiếm truyền thống, bạn sẽ nhận được các câu trả lời dài hơn, theo ngữ cảnh cho nhiều câu hỏi mở hơn.

Cả Microsoft và Google đều đã cung cấp các ví dụ về các loại câu hỏi mà Bing và Bard sẽ đưa ra câu trả lời hữu ích.


Các mẫu hỏi mà người dùng có thể hỏi Bing

- Ghế Ikea Klippan có phù hợp với chiếc Honda Odyssey 2019 của tôi không?

- Sắp đến ngày kỷ niệm của tôi và bạn gái vào tháng 9, hãy giúp tôi lên kế hoạch cho một chuyến đi đâu đó vui vẻ ở Châu Âu, khởi hành từ London.


Các mẫu hỏi mà người dùng có thể hỏi Bard

- Piano hay Guitar dễ học hơn và cần phải bỏ ra bao nhiêu thời gian trong một ngày để luyện tập?

- Tôi muốn mua một chiếc ô tô mới cho gia đình tôi. Tôi nên cân nhắc loại nào?

- Giúp tôi hiểu những ưu/nhược điểm của việc mua một chiếc xe điện

Google cuối cùng cũng tiết lộ nhiều hơn về cách thức hoạt động của các công cụ tìm kiếm do AI cung cấp. Cả Google và Microsoft đều hoạt động theo cách tương tự, với các tính năng mới bổ sung chứ không thay thế thanh tìm kiếm truyền thống.

Tuần này, Microsoft đã giới thiệu một công cụ tìm kiếm Bing mới và trình duyệt web Edge được hưởng lợi từ cái mà công ty gọi là "AI-powered copilot for the web" (công cụ được tăng cường sức mạnh bởi AI, dành cho web).


Đối với Bing, người dùng có hai cách để có thể tương tác với trợ lý ảo AI. Đầu tiên, có một hộp tìm kiếm mở rộng có thể chấp nhận tối đa 1.000 ký tự, do đó, người dùng hoàn toàn có thể hỏi những câu hỏi chi tiết. Nhập câu hỏi vào Bing và bạn sẽ thấy hộp câu trả lời trò chuyện mới xuất hiện bên cạnh danh sách trang web truyền thống, đây là nơi bạn có thể đặt thêm các câu hỏi với chatbot AI để có thể tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề nào đó. Ngoài ra, bạn có thể nhấp vào tùy chọn Trò chuyện trong menu phía trên kết quả. Tại đây, bạn sẽ thấy một màn hình dành hoàn toàn cho chatbot.

Trình duyệt Edge mới của Microsoft cũng được kết nối trực tiếp với các khả năng trò chuyện với chatbot, đây là điều mà Chrome của Google chắc chắn cũng sẽ làm với Bard.

Mặc dù công nghệ và giao diện người dùng của những gã khổng lồ công nghệ dành cho tìm kiếm do AI cung cấp có vẻ giống nhau, nhưng Microsoft rõ ràng đã đi trước một bước khi triển khai. Bing và Edge của Microsoft được kết nối với mô hình OpenAI thế hệ tiếp theo dường như mạnh hơn ChatGPT. Bing mới cũng đã được tung ra thị trường và Microsoft đã mở một danh sách chờ để người dùng có thể sử dụng nó.

Trong khi đó, Bard của Google dựa trên mô hình của LaMDA. Google được cho là đang phát triển mô hình ngôn ngữ mới có tên PaLM 2 để đối đầu với GPT-4. PaLM đã được đào tạo trên 540 tỷ tham số ngôn ngữ, điều này sẽ giúp Bard cải thiện hiệu suất cũng như đưa ra những câu trả lời chính xác hơn.

Chúng ta có thể nhận biết ai là người chiến thắng trong cuộc đua chatbot AI ở thời điểm hiện tại. Trong khi Microsoft đang tự tin tung ra các phiên bản Bing và Edge mới của mình, thì Google đã vội vã tung ra các thông cáo báo chí của Bard và né tránh các câu hỏi về một lỗi thực tế được phát hiện trong một trong những câu trả lời của Bard.

Việc Bard đưa ra câu trả lời sai trong buổi ra mắt đã khiến Goolge bốc hơi 100 tỷ USD giá trị thị trường và buộc hãng phải thừa nhận rằng lỗi này "làm nổi bật tầm quan trọng của quy trình kiểm tra nghiêm ngặt".

Nhưng nhờ sự kiện Google I/O 2023, có vẻ như Bard đang trở lại và lợi hại hơn xưa. Có rất nhiều tính năng mới đã được phát hành hoặc sẽ sớm phát hành cho Bard bao gồm các trích dẫn được cải thiện, khả năng xuất sang Google Tài liệu và Gmail, một công cụ xuất cho phép người dùng xuất mã Python thông qua Replit, tăng hỗ trợ ngôn ngữ lên 40 ngôn ngữ, chức năng đa phương thức.

Có thể thấy cuộc đua này sẽ vẫn còn tiếp tục diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Điểm tích cực ở đây là khi các gã khổng lồ đồng loạt nhảy vào cuộc đua thì đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những người dùng.


Theo Tech Radar

Chia sẻ Facebook