Mèo Vạc (Hà Giang) đối diện dịch bạch hầu, 2 thiếu niên tử vong
Tính đến chiều 1/9, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã ghi nhận tới 32 ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, trong đó, có 2 ca tử vong. Độ tuổi mắc bệnh từ nhũ nhi tới người trưởng thành.
Theo tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Giang, các ca mắc bệnh bạch hầu phân bố chủ yếu tại huyện Mèo Vạc. Tính đến cuối ngày 1/9, toàn huyện Mèo Vạc ghi nhận 32 ca mắc bệnh bạch hầu; có 2 ca tử vong.
Tổng cộng có 51 trường hợp (gồm ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc, người nhà…) đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả có 1 ca dương tính, 9 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, do mới lấy mẫu ngày 28/8, số còn lại (41 ca) âm tính.
Tất cả bệnh nhân xác định và nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều ở huyện Mèo Vạc, tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca.
Độ tuổi mắc bệnh từ nhũ nhi đến người trường thành, trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 9 tháng tuổi, bệnh nhân nhiều tuổi nhất là 33. Độ tuổi mắc bệnh trung bình là 11 – 16.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, bệnh nhân đầu tiên tử vong do bị bệnh bạch hầu là cháu Và Mí D. (SN 2008, trú tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Cháu D. được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 21/8, chỉ một ngày sau phải chuyển tuyến điều trị lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Do diễn biến quá nặng, bệnh nhân D. tử vong trên đường từ viện về nhà (ngày 24/8) trước khi có kết quả dương tính bạch hầu. Hiện 2 em của D. cũng có triệu chứng tương tự, đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc.
Ca tử vong thứ 2 là G.T.S (SN 2007, trú tạ xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Bệnh nhân S. được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc vào ngày 25/8; ba ngày sau, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trả kết quả xét nghiệm âm tính bạch hầu.
Tuy nhiên, 2h ngày 28/8, bệnh nhân S. có biểu hiện bệnh nặng, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một ngày sau, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang khuyên cho bệnh nhân chuyển tiếp lên bệnh viện trung ương nhưng gia đình không đồng ý.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân có diễn biến nặng lên, viêm cơ tim cấp tính, vài tiếng sau có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, phản xạ âm tính. Gia đình xin đưa về, bệnh nhân đã tử vong trên đường trở về nhà.
Cũng trong chiều 1/9, một ca bệnh 12 tuổi (ở xã Khâu Vai), được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Hà Giang lên Bệnh viện Nhi Trung ương, được điều trị tại phòng cách ly. Ban đầu bệnh nhân bị sốt, đau đầu, đau họng, khó thở; sau 10 ngày điều trị ở huyện không đỡ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh, xét nghiệm phát hiện men tim tăng.
Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho hay từ năm 2004 đến nay, tỉnh này chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Để khống chế dịch bệnh bùng phát tại địa phương, Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu cho trẻ từ 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi; trẻ 7 tuổi tiêm vắc xin Td phòng bạch hầu, ở tất cả các xã, thị trấn (tỷ lệ tiêm đạt trên 95%); rà soát để tiêm vét cho trẻ tiêm sót; cấp thuốc điều trị dự phòng (Erythromycin hoặc BenZathin penicilin) cho thành viên các gia đình có bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh, những người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc người có nguy cơ mắc bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra .
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.
Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người nghi nhiễm bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
5. Người dân trong ổ dịch cần uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Nguyễn Sơn
GĐ CDC Hà Giang cùng 2 thuộc cấp bị bắt vì nhận hơn 1 tỷ đồng 'hoa hồng' từ Việt Á
Theo cơ quan điều tra, Giám đốc CDC Hà Giang cùng 2 thuộc cấp đã nhiều lần nhận phần trăm ngoài hợp đồng từ công ty Việt Á với số tiền trên 1 tỷ đồng.