Mẹo nhỏ mà có võ: Thay đổi ga giường và bóng đèn giúp ngôi nhà mát mẻ, tiết kiệm điện
Những thay đổi dù rất đơn giản ở những vật dụng như rèm cửa, ga giường hay chiếc bóng đèn nhưng lại mang hiệu quả làm mát bất ngờ.
Vào những ngày hè nắng nóng gay gắt, việc bật điều hòa hay quạt trong phòng đôi khi chỉ giúp ích được một phần nhỏ. Thêm vào đó, bật liên tục các thiết bị làm mát công suất mạnh sẽ khiến hóa đơn tiền điện nhà bạn tăng chóng mặt.
Giải quyết cho việc này, các chuyên gia của chuyên trang The Spruce đã đưa ra một số gợi ý giúp không gian trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn vào mùa hè. Đó là những thay đổi rất đơn giản ở những vật dụng như rèm cửa, ga giường hay chiếc bóng đèn, tuy nhiên lại mang lại hiệu quả bất ngờ.
1. Dùng ga giường từ vải cotton hoặc vải lanh
Bạn cần thay ngay chiếc ga giường đang dùng bằng nỉ hay bông bằng những loại bằng chất liệu cotton 100% hoặc vải lanh.
Vải cotton hay còn gọi là vải sợi bông nguyên chất có tính chất thấm hút mồ hôi tốt, đem lại sự thoáng mát. Ngoài ra, vải cotton cũng được đánh giá là một trong những loại vải an toàn với da người, không gây khó chịu, dị ứng hay kích ứng kể cả với da nhạy cảm.
Còn với vải lanh, đây là loại vải được làm từ các phần vỏ, xơ hoặc sợi của cây lanh. Khi tiếp xúc với vải, ta sẽ cảm nhận được độ mát, mượt, mịn của chất liệu này. Vải có độ bóng tự nhiên cao, có khả năng hấp thụ và xả nước nhanh chóng.
Vải lanh đặc biệt được ưa chuộng vào mùa hè nhờ đặc tính mát, mịn. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, ngay cả khi đạt độ ẩm khoảng 20%, vải vẫn không có cảm giác bị ướt. Điều này chứng tỏ khi nằm, người dùng có ra mồ hôi thì cũng không bị khó chịu.
Cả 2 loại vải cotton 100% và lanh đều có độ bền cao, tuy nhiên, giá thành cũng nhỉnh hơn so với các loại vải thông thường.
Bên cạnh ứng dụng trong ga giường, chúng còn được ưa chuộng sử dụng trong may mặc quần áo vào mùa hè, vì tạo được cảm giác mát mẻ, dễ chịu cho người mặc.
2. Dùng bóng đèn LED
Hãy thay những bóng đèn Compact cũ trong phòng ngủ nhà bạn bằng những bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng.
Theo các nghiên cứu, bóng đèn LED giúp tiết kiệm điện từ 50% đến 70% số kw điện hàng tháng. Bóng đèn LED cũng tạo ra nhiều ánh sáng hơn so với các loại đèn khác, tỏa nhiệt ít hơn do có cấu trúc tương tự như bóng đèn tròn nhưng không có dây tóc ở giữa.
Ngoài ra, đèn có nhiệt độ làm việc thấp hơn đèn huỳnh quang từ 13 - 25 độ C, thân thiện với môi trường do giảm lượng phát thải khí CO2, không sử dụng thuỷ ngân và tối thiểu hoá lượng rác thải ra môi trường.
Đèn LED cũng rất an toàn cho người sử dụng, giảm nguy cơ cháy nổ và không gây nhức mỏi mắt do được tối thiểu hoá tia cực tím và bức xạ hồng ngoại.
3. Đóng rèm cửa lại
Cửa sổ lớn trong phòng thường là vị trí lý tưởng đến ta ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài. Tuy nhiên vào những ngày nắng nóng, tốt hơn hết bạn nên kéo rèm cửa xuống, hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào phòng. Ngoài ra, việc làm này cũng giúp giữ nhiệt độ điều hòa trong phòng không bị thoát ra ngoài qua những tấm kính.
Bạn cũng nên thực hiện việc kéo rèm vào ban đêm khi đi ngủ. Hãy tham khảo các loại rèm cửa cản sáng, chống nắng đặc biệt thay vì các loại rèm vải thông thường để đạt được hiệu quả tốt hơn.
4. Làm ẩm không khí
Kiểu thời tiết phổ biến vào mùa hè đó là nắng hanh, khô. Đặc biệt khi dùng điều hòa liên tục, độ ẩm trong không khí sẽ còn bị giảm hơn nữa bởi tính năng hút ẩm của điều hòa. Việc này dẫn tới người dùng sẽ gặp phải một số tình trạng như khô da, khô tóc hay khô họng...
Vì vậy, hãy đảm bảo tạo độ ẩm cho căn phòng nhà bạn bằng các loại máy tạo ẩm, phun sương hay các biện pháp thủ công như lau nhà, uống nhiều nước. Tăng độ ẩm của căn phòng cũng sẽ khiến không gian được mát mẻ và dễ chịu hơn.
5. Sơn chống nóng, dán phim cách nhiệt
Bạn có thể tham khảo sơn chống nóng cho tường nhà, mái nhà hoặc dán phim cách nhiệt nếu như phòng có nhiều cửa kính.
Sơn chống nóng và dán phim cách nhiệt giúp không gian trở nên mát mẻ hơn. (Ảnh minh họa)
Sơn chống nóng hay còn gọi là sơn cách nhiệt là dòng sơn có tác dụng làm giảm nhiệt độ hiệu quả cho bề mặt mái tôn, tường nhà, sàn mái bê tông hay xi măng.
Theo các thí nghiệm từ chính những người dùng, các loại sơn cách nhiệt có thể làm giảm nhiệt độ 10 - 20 độ C. Nhiệt độ ngoài trời càng cao thì càng tạo ra sự chênh lệch lớn so với nhiệt độ trong phòng.
Tiếp đến là dán phim cách nhiệt cho cửa kính. Theo thông tin từ các nhà sản xuất và phân phối, việc dán phim cách nhiệt cho kính làm giảm từ 30 - 90% nhiệt lượng mà kính hấp thụ, từ đó không gian bên trong trở nên mát mẻ, bớt chói bởi ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, chúng còn có khả năng ngăn cản tia bức xạ gây hại cho mắt, da, bảo vệ sức khỏe cho những thành viên trong gia đình.
Theo Trí thức Trẻ