Mẹo hay vệ sinh thớt gỗ để khử mùi hôi hiệu quả, không thử hơi phí

Chia sẻ Facebook
09/07/2023 08:18:53

Chỉ vài thao tác đơn giản cùng các nguyên liệu có sẵn trong bếp, bạn có thể hô biến chiếc thớt cũ của mình sạch như mới trong phút chốc.


Cách khử mùi hôi thớt gỗ


Sử dụng chanh và muối

Chanh và muối cũng là những nguyên liệu thiên nhiên nên dùng để khử mùi rất an toàn. Bạn cần cắt chanh làm đôi, nặn nước hoặc bạn có thể chà xát lên thớt, sau đó rắc muối vào vùng nước chanh, bạn có thể dùng bột nở thay cho muối.

Dùng miếng chanh đã cắt để chà sát trên bền mặt thớt ra theo hình tròn, cho muối được hòa tan vào chanh để làm sạch thớt, chú ý chà kỹ ở những nơi có vết bẩn, ố. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, dùng khăn khô hoặc giấy để thấm hết nước trên bề mặt thớt.


Sử dụng dầu oliu

Sử dụng dầu oliu để thớt sạch ngay lập tức chỉ với cách: nhỏ vài giọt dầu oliu lên trên mặt thớt, rồi bạn dùng miếng mút rửa chén thoa đều dầu oliu và để yên qua 1 đêm. Sang ngày hôm sau, bạn rửa sạch lại thớt với nước rửa chén, rồi tráng lại với nước thường là thớt đã sạch. Bạn có thể dùng cách này 1 tháng 1 lần để tuổi thọ thớt nhà bạn được kéo dài.


Sử dụng nước vo gạo

Sử dụng nước vo gạo để khử mùi tanh thớt là cách dân gian được lưu truyền từ nhiều đời và quả thật cách làm này mang đến hiệu quả không ngờ. Bạn chỉ cần ngâm thớt khoảng 3-5 phút trong nước vo gạo pha muối loãng và rửa sạch lại là thớt đã bay hết mùi tanh.


Sử dụng thuốc tẩy

Pha 1 muỗng canh thuốc tẩy vào 1.5 lít nước, sau đó cho vào chai xịt và xịt đều lên bề mặt thớt rồi để trong khoảng 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm, lau khô bề mặt thớt. Cách làm này cũng giúp triệt tiêu đám vi khuẩn hiệu quả, tuy nhiên bạn cần rửa thật kĩ thớt bằng nước ấm và lưu ý không để thuốc tẩy vươn vào các dụng cụ nhà bếp hay khăn lau.


Sử dụng giấm

Giấm có tính tẩy mùi rất mạnh, có thể tẩy sạch mùi hôi và làm sạch vi khuẩn cho thớt. Vệ sinh thớt bằng giấm vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần rót hoặc xịt giấm nguyên chất lên trên thớt và dùng khăn hoặc giấy khô lau sạch. Hôm sau trước khi dùng, bạn chỉ cần rửa qua thớt là chiếc thớt của bạn đã sạch bong rồi.

Sử dụng thớt mốc thường xuyên gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa.

Những sai lầm nhiều chị em nội trợ khi sử dụng thớt

Nhiều đầu bếp tại gia có thói quen ngâm thớt trong bồn nước để sau khi dùng bữa xong rửa với bát một thể, hoặc ngâm thớt để những thức ăn thừa bám trên thớt được tách ra. Tuy nhiên đây lại là một sai lầm nghiêm trọng. Tuyệt đối không ngâm thớt gỗ trong nước vì khi đó thớt sẽ bị ngấm nước và dễ bị mủn, nứt. Trong môi trường nước ẩm ướt vi khuẩn có cơ hội phát triển.

Sau khi sử dụng thớt để thái cá hoặc thịt, nên vệ sinh ngay lập tức. Bạn có thể khử trùng bằng cách dùng dung dịch oxy già 3% xịt lên trên bề mặt thớt, nhằm tẩy sạch những vi khuẩn nguy hiểm mà các loại thịt động vật thường có. Sau đó rửa sạch lại thớt và lau khô.

Nên thay thớt khoảng 6 tháng một lần để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe cả nhà.


Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học Hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những nghiên cứu khoa học đến hiện tại đã chứng minh ăn các loại ngũ cốc có mốc như: gạo, lạc, đỗ, ngô, các loại hạt... có chứa độc tố aflatoxin là chất gây ung thư gan.

Còn đối với các sản phẩm đũa mốc, thớt mốc không sạch nếu dùng sẽ dễ mắc bệnh lý cấp tính và ngộ độc khác. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy trong đũa mốc, thớt mốc có chứa độc tố aflatoxin.

Aflatoxin là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 loại Aflatoxin khác nhau, trong đó Aflatoxin B1 là loại mạnh nhất.

Sau khi vào cơ thể người hoặc động vật, Aflatoxin B1 chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư.

Vì Aflatoxin B1 chủ yếu được chuyển hóa bởi gan, nên nó cũng là chất gây ung thư gan mạnh nhất mà con người từng biết.

Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, nấm mốc Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt. Hoá chất này dạng tinh thể trắng, không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý.

Bản thân đũa, đặc biệt là đũa tre, gỗ không phát triển aflatoxin. Theo một nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng Thượng Hải, bản thân đũa, thớt gỗ, không phát triển aflatoxin mà khi sử dụng lâu ngày các vết nứt và rãnh khác nhau sẽ xuất hiện trên bề mặt vật liệu bị lão hóa, và một số cặn thức ăn nhỏ có thể bị lắng đọng trong các "vết nứt" này.

Nếu không được vệ sinh, khử trùng hiệu quả, cộng thêm để những vật dụng này trong môi trường ẩm ướt, chỉ cần dùng khoảng 6 tháng là đã nhiễm độc tố aflatoxin.

Bên cạnh đó,Bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học Tp.HCM, cho biết sau 3-6 tháng sử dụng, đũa sẽ đổi màu đậm hoặc nhạt hơn. Nếu quá thời gian trên, đũa sẽ trở thành nơi sản sinh ra các loại vi khuẩn nấm mốc gây bệnh.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook