Mẹo hay giải rượu đúng và dễ thực hiện nhất khi bị "quá chén"

Chia sẻ Facebook
12/01/2023 06:08:53

Ngày Tết, với những người tửu lượng cao, uống một vài ly là “chuyện nhỏ”, nhưng những người tửu lượng thấp hoặc phải uống quá nhiều khiến cơ thể không kịp cân bằng.


Những sai lầm giải rượu


Chia sẻ với Vietnamnet , TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ( Hà Nội ), nhiều sai lầm khi tìm cách giải rượu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người say.


Uống nước chanh: Hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn. Tuy nhiên, nước chanh chứa rất nhiều acid, cùng với lượng rượu đã uống có thể khiến dạ dày đang "trống rỗng" vì không ăn gì bị tổn thương.


Cố nôn ra: Khi say nếu cố gây nôn cho người say cũng là sai lầm. Theo bác sĩ Nguyên, sau khi uống rượu, nếu bạn vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường có thể gây nôn. Tuy nhiên, trường hợp không còn tỉnh táo mà cố gây nôn sẽ rất nguy hiểm. Hành động này dễ gây sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi, gây viêm phổi.


Cố săn lùng những loại thuốc giải độc rượu: Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Theo bác sĩ Nguyên, các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu, khi uống vào tỉnh trở lại là không có. Cho uống thuốc chống nôn sẽ khiến chất độc giữ lại trong cơ thể, gan không thể lọc kịp, gây tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ gây xơ gan, ung thư gan, vì thế không nên thực hiện.

Uống thuốc giảm đau để khống chế cơn đau đầu, khó chịu sau những chầu nhậu là sai lầm. Các bác sĩ khuyên không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic, paracetamol, aspirin… để làm giảm đau đầu khi say. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa, làm tăng gấp đôi tác hại lên gan. Dùng quá liều paracetamol giảm đau đầu sau khi uống rượu bia có thể gây tổn thương và ngộ độc gan.

Người say rượu nên ăn uống như thế nào để gìn giữ sức khỏe

Theo Bác sĩ Nguyên khuyến cáo nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Người uống rượu thường ít ăn, chỉ uống cho tới khi bị rơi vào tình trạng ngộ độc, rất dễ bị hạ đường huyết. Vì vậy, lựa chọn thức ăn có chứa tinh bột, đường là cách giúp đưa đường huyết của cơ thể về mức an toàn.

Vị chuyên gia này cho biết thực tế đã có những bệnh nhân sau khi uống say về ngủ luôn không ăn gì và bị hạ đường huyết. Sáng hôm sau, khi người nhà đánh thức, bệnh nhân đã tử vong.

Loại thực phẩm nên cho bệnh nhân say rượu dùng là thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai. Ngoài ra, có thể uống nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong hoặc oresol. Một số thức ăn dễ tiêu giúp cho người say nhanh chóng giải rượu như cháo loãng, bún, phở…

Ngoài khuyến cáo uống ít rượu bia, không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc, bác sĩ Nguyên khuyên khi thấy người có biểu hiện nặng, nguy hiểm sau uống rượu cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết

- Co giật

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo

- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh

- Đi vệ sinh ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng

- Mệt nhiều

Uống nhiều rượu nguy hại cho sức khỏe.


Mẹo hay dân gian giải rượu


Uống nhiều nước lọc: Điều đầu tiên bạn nên làm là cho người say uống thật nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất vì nước sẽ giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu, đồng thời khiến người say nhanh chóng tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, cần chú ý là không lựa chọn các loại nước giải khát hay nước tăng lực thông thường, đặc biệt là các loại nước có gas, bởi loại nước này có thể cho ra lượng khí carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, đẩy nhanh tốc độ hấp thụ rượu, làm tăng nguy cơ ngộ độc.


Nước ép cà chua có tác dụng tốt trong việc giải rượu: Đây là loại quả có tác dụng tốt trong việc giải rượu vì trong cà chua có nhiều nguyên tố như cali, canxi, natri... chỉ cần uống một cốc nước ép cà chua chín, bỏ một chút muối để giảm độ chua hoặc có thể cho ít đường sẽ giúp cơ thể cân bằng lại những nguyên tố đã mất trong quá trình say và bị nôn. Nếu bạn uống khoảng 300 ml nước ép cà chua hoặc nhiều hơn, cơn chóng mặt do uống rượu có thể dần dần biến mất. Đầu tiên bạn hãy chọn 2 quả cà chua chín, còn tươi nguyên, sau đó chần cà chua với khoảng 250 ml nước nóng khoảng 1 phút. Bóp bỏ hết ruột và lấy lại phần cùi sau đó vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn, lọc lấy phần nước cho người say uống.


Uống nước chè xanh: Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp. Vì thế, trước khi tàn cuộc nhậu, hãy uống một cốc chè xanh nóng, bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn. Dưa hấu, nước bưởi và nước mía ép có tác dụng thanh nhiệt, làm rượu nhanh chóng được bài tiết qua đường nước tiểu. Ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.


Uống trà gừng: Thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng (có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải rượu.


Chuối: Đây là một trong những loại trái cây có thể giúp giải rượu cực đỉnh. Chỉ cần 1 đến 2 quả chuối là bạn đã có thể chống lại sự tấn công hung hãn của các loại thức uống có cồn sau khi vào cơ thể. Rượu cũng như các chất lợi tiểu khác sẽ loại bỏ nguồn cung cấp kali. Ăn chuối hoặc các loại trái cây giàu kali sẽ giúp cải thiện tình hình. Đây cũng là phương pháp chữa say nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm. Vào buổi sáng sau đêm tiệc, việc sử dụng vài trái chuối sẽ cung cấp cho cơ thế nhiều chất bổ dưỡng và chất điện giải kali.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook