Mẹ trẻ nghi ngờ con có bầu, lừa con đi khám kết quả con bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
2 tháng xuất hiện đều đặn, 2 tháng sau 'đèn đỏ' của Khánh Chi 'biến mất'. Mẹ cô bé lo đứng ngồi, sợ cô có bầu nên đã 'lừa' con đến viện khám trứng cá….
5 tháng trước Khánh Chi (13 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lần đầu xuất hiện 'đèn đỏ'. Sau 28 ngày chu kỳ kinh của bé lặp lại.
Khánh Chi xinh xắn lại tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ nên ngay từ khi học lớp 6 cô bé đã có rất nhiều anh lớp trên thích. Chị Lan, mẹ Khánh Chi lo lắm, bà mẹ trẻ suốt ngày nhắc nhở, kiểm soát con nhưng cũng “không ăn thua”.
Chị còn nhờ cả cô giáo chủ nhiệm lớp chú ý giúp chuyện tình cảm của con gái. Học kỳ 2 lớp 7, cô giáo chủ nhiệm thông báo, Khánh Chi đã có bạn trai học trên hai lớp.
“Tôi rất buồn dù biết chuyện này trước sau gì cũng xảy ra. Nhưng tôi lại nghĩ cũng con cũng chưa dậy thì nên thứ tình yêu ấy cũng chỉ thoáng qua mà thôi”, chị Lan nói.
Cuối năm lớp 7 Khánh Chi chính thức bước vào tuổi dậy thì . Mà “tình yêu bọ xít” với anh hơn 2 tuổi vẫn không tan.
“Con gái cũng không có biểu hiện chểnh mảng học hành. Bạn trai con cũng vào được trường cấp 3 có tiếng nên tôi cũng không thể ép chúng bỏ nhau được. Bố mẹ hai bên đành phải thường xuyên… đi tàu ngầm để cập nhật tình hình của chúng”, chị Lan kể.
Nhưng bà mẹ trẻ này trở nên lo lắng khi sau 2 tháng có kinh đều đặn, 'đèn đỏ' của con vụt tắt. Dù biết rằng ở thời kỳ này, kinh nguyệt của con có thể chưa đều nhưng chị vẫn lo đứng lo ngồi.
“Tôi cũng có dò hỏi nhà người yêu, rồi ngồi nghĩ xem có khoảng thời gian nào mình không kiểm soát được để chúng có… cơ hội đi quá giới hạn hay không?. Nghĩ nát óc không ra, tôi quyết định đưa con đi bệnh viện”, chị Lan kể.
Dù mục đích đưa con đi khám thai nhưng bà mẹ này lại bảo đi khám trứng cá, kiểm tra nội tiết. Rất may, con bé đang yêu sợ xấu nên rất hợp tác. Nhưng đến viện Khánh Chi phát hiện mẹ nghi ngờ con có thai. Con bé giãy nảy bỏ về, mặt nặng như chì.
Đến tối nó lẳng lặng để cả cốc, que thử thai 1 vạch ra ngoài rồi đóng sầm cửa bất chấp người mẹ trẻ đứng ngoài tha thiết gọi con ra ăn tối.
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì như Khánh Chi không còn là chuyện xa lạ nhưng rơi vào cảnh oái oăm như cô bé thì cũng khá hãn hữu.
BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Medlatec cho biết, rối loạn kinh nguyệt được coi là những biểu hiện bất thường của các kỳ kinh nguyệt. Được thể hiện ở các yếu tố như: Kỳ kinh nguyệt không đều, số ngày hành kinh dài hơn hoặc ngắn hơn thông thường, lượng máu của kỳ hành kinh bất thường, cơ thể có những biểu hiện lạ mỗi lần đến kỳ,...
Một kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài khoảng từ 4 ngày đến 1 tuần. Đối với một người hoàn toàn khỏe mạnh và không mắc phải bất cứ bệnh tật nào, kỳ kinh nguyệt sẽ có chu kỳ lặp lại sau 28 đến 30 ngày.
Rối loạn kinh nguyệt xảy ra do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động khác nhau. Ở tuổi dậy thì, các bạn gái hay gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Với việc chưa có kinh nghiệm, hầu hết các bạn đều tỏ ra lúng túng và lo sợ trước tình trạng này.
Thông thường, kinh nguyệt sẽ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thời gian từ 10 đến 15 tuổi. Tùy vào sự phát triển khác nhau, thời gian này sẽ có sự xê dịch chút ít. Tuy nhiên, đến thời điểm sau 17 tuổi kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện, đây có thể là dấu hiệu bệnh lý nào đó hoặc rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì.
BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, ở tuổi dậy thì, buồng trứng của các bạn gái chưa phát triển đầy đủ. Tình trạng kinh nguyệt không đều đặn xuất phát từ việc cơ thể có nhiều sự biến đổi liên tục. Ngoài ra còn một số yếu tố tác động đến như: Sự thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống không hợp lý, thức khuya, căng thẳng vì công việc học tập,...
Do đó, để những kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, các bạn gái ở tuổi dậy thì cần đề ra một số biện pháp hữu ích ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Đầu tiên, theo BS Ngọc Vân là teen nữ cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ góp phần tạo nên sự ổn định cho sức khỏe. Từ đó giúp chế độ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, thuận lợi hơn.
Trong khẩu phần ăn cần tăng cường bổ sung các loại khoáng chất, rau củ quả, vitamin,... Hạn chế ăn các loại đồ ăn chiên rán, quá cay nóng. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn ở tuổi dậy thì.
Ngoài ra, thức khuya là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn nội tiết tố. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chu kỳ trứng rụng trứng, khiến cho kinh nguyệt không đều, cơ thể thiếu sức sống.
Ở độ tuổi dậy thì, các bạn gái tốt nhất nên ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày. Ngủ sớm và ngủ sâu giấc để đảm bảo trạng thái cân bằng tốt nhất cho cơ thể.
BS Ngọc Vân cũng khuyến cáo bạn gái dậy thì cũng cần phải tăng cường rèn thể dục thể thao. Đây là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người.
Đặc biệt đối với trẻ ở tuổi dậy thì, việc vận động sẽ tăng cường lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, giúp cân bằng nội tiết tố cho cơ thể.
Hãy dành thời gian rèn luyện thể dục thể thao vận động mỗi ngày để chống lại tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Đặc biệt ở tuổi dậy thì nhiều em còn rất bỡ ngỡ trong việc chăm sóc sức khoẻ cá nhân, cũng như vệ sinh vùng kín. Do đó, những bà mẹ cần hướng dẫn con vệ sinh vùng kín, thay băng đúng cách, thường xuyên đổi quần chip để đảm bảo vùng kín không bị viêm nhiễm.
BS Ngọc Vân cũng nhấn mạnh rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì sẽ không còn là mối lo ngại quá lớn nếu áp dụng đúng biện pháp trên.
Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, hiện tượng kéo dài, gây ra những ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe, tốt nhất bạn nên tìm đến các bệnh viện đa khoa để được khám tư vấn kịp thời.
N. Huyền