Mê tín online: Mất tiền, rước phiền muộn vào thân
Nhiều người đang tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng xã hội, vừa tiền mất vừa rước vào thân lo lắng, bất an.
Mê tín dị đoan là từ để chỉ việc đặt niềm tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phụ hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho gia đình và cộng đồng, cũng như hao tốn thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, thiệt hại tài sản. Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, hiện tượng mê tín dị đoan đã có tín hiệu bùng lên ngay trên không gian mạng. Nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh, tiền mất và rước vào thân lo lắng, bất an.
Cần phân biệt rõ giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan . Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua lễ nghi, gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mong sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng, như hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng, tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước và cộng đồng. Các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Còn mê tín dị đoán thể hiện những niềm tin phù phiếm để đạt được những điều mà mình mong muốn.
Nhiều người chia sẻ có xem bói trên mạng xã hội. Không ít người đã nghe và bị thuyết phục bởi những hiện tượng mê tín trên mạng. Nắm được tâm lý đó, một số nhà tâm linh tự xưng đã tìm mọi cách khuếch trương bản thân nhằm thu hút cộng đồng mạng. Gần đây, xuất hiện một số nhân vật tự xưng là thầy, cô, cậu trên mạng xã hội. Nơi nào có những vụ việc gây xôn xao dư luận thì họ sẽ đến, điển hình như trong vụ một cô gái mất tích. Khi gia đình cô gái còn đang lo lắng, hoang mang, họ tới tận nơi livestream trên nỗi đau của gia đình, gây bức xúc trong dư luận, làm méo mó cái nhìn về thế giới tâm linh. Nhiều trường hợp tự nhận mình là Ngọc hoàng, kể chuyện thiên đình bắt ma, bắt vong… nhằm thu hút càng nhiều người xem kênh của mình.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra trong cuộc sống, con người thường phải đối mặt với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn gây ra. Khi gặp nghịch cảnh, có người sẽ mạnh mẽ vượt qua bằng nội lực của bản thân. Có người tìm thấy sự hỗ trợ từ gia đình, bè bạn nhưng cũng có người cảm thấy khó khăn, bế tắc vì không biết giải quyết như thế nào. Những lúc đó, họ gửi niềm tin vào một phép màu, với hy vọng điều đó sẽ giúp mình vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, khi niềm tin được trao gửi nhầm chỗ hoặc trở thành mù quáng, họ dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng.
Những hành vi mê tín dị đoan không chỉ khiến tiền mất tật mang mà còn dẫn đến tâm lý ỷ lại, không nỗ lực phấn đấu để xoay chuyển tình thế bằng nội lực của bản thân, chỉ dựa dẫm trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. "Khi nhiều người bán mình cho sự may rủi sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho người ta lợi dụng hình thức tâm linh online để lừa đảo, vô hình chung tạo ra xã hội hỗn loạn, người người trở thành đối tượng lừa đảo. Từ những hình thức ban đầu, chúng sẽ dần được tinh vi hóa ra nhiều hình thức lừa đảo khác, khiến xã hội và các giá trị đảo lộn. Giá trị của tâm linh cũng bị biến tướng theo. Cần có sự ngăn chặn kịp thời đối với những người sa đà vào tâm linh online hoặc những hình thức biến tướng của tâm linh online, để từ đó củng cố giá trị văn hóa được nhiều đời cha ông gìn giữ, truyền lại tới ngày nay. Đó cũng là trách nhiệm của công dân thế hệ số", nhà báo Hà Tùng Long chia sẻ.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tâm linh, tiếp tục xử lý mạnh tay trong thời gian tới với những vụ việc tương tự. Đồng thời, chính người người dân cũng cần tỉnh táo hơn để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Nguyễn Thị Vĩnh vẫn luôn cho rằng những phương pháp quái dị như ợ hơi, bóp cổ, nhổ nước bọt vào người bệnh có thể chữa trị mọi bệnh tật.