Mê Linh: Cú bứt phá từ huyện nhỏ nơi cửa ngõ thủ đô đến thành phố tương lai phía Bắc Thủ đô
Là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, với ưu thế kề cận ngay cạnh sân bay quốc tế Nội Bài, Mê Linh mang trong mình nhiều tiềm năng phát triển đồng bộ về kinh tế và xã hội. Đây cũng là lý do ngày 1/8/2008 huyện Mê Linh chính thức được bàn giao sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Sau 14 năm trải qua những thăng trầm phát triển, Mê Linh tưởng như dần bị lãng quên phía bên kia sông Hồng bỗng vươn mình trở dậy trở thành cực tăng trưởng mới của vùng phía Bắc Thủ đô. Đặc biệt, loạt dự án hạ tầng tỷ đô liên tục được hoàn thiện cùng đề án quy hoạch Đông Anh - Sóc Sơn - Mê Linh lên thành phố đã tạo động lực cho toàn bộ vùng đất này bứt phá.
Chiều 29/5/2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đã được chính thức sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Ngay sau khi được sáp nhập vào Hà Nội, Mê Linh đã được chú trọng đầu tư đặc biệt, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu vực, điển hình như: trụ sở làm việc, tuyến đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh, tuyến đường 35, quốc lộ 23B, tuyến đường hành lang đê tả sông Hồng… Đặc biệt, năm 2008 số lượng các dự án, khu đô thị lớn được phê duyệt, khởi công xây dựng ở Mê Linh tăng mạnh chưa từng có.
Thống kê cho thấy, thời điểm 2008 Mê Linh có tới 47 dự án bất động sản nhà ở, đô thị được phê duyệt, trong đó 18 dự án được cấp phép trong vòng một tháng trước ngày quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực. Chỉ tính riêng bốn xã Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Thanh Lâm và thị trấn Quang Minh đã có hơn 20 dự án khu đô thị quy mô từ vài chục đến vài trăm ha.
Cùng với sự ra đời nhanh chóng của hàng loạt dự án lớn đã hút đông đảo nhà đầu tư đổ về đây. Những dự án giao dịch sôi động nhất thời điểm đó có thể kể đến như khu đô thị Mê Linh – Thanh Lâm – Đại Thịnh, khu đô thị Minh Giang Đầm Và – Minh Đức tại xã Tiền Phong, khu đô thị Rose Valley, khu đô thị AIC Mê Linh, khu đô thị Cienco Mê Linh, khu đô thị Diamond Park New, khu đô thị Tùng Phương, khu đô thị New Sunrise Hanoi, khu đô thị Hà Phong…
Muốn sở hữu lô đất biệt thự, liền kề Mê Linh của thời đó, ngoài tiền hợp đồng, nhà đầu tư phải bỏ thêm khoản tiền chênh trăm triệu, phải xếp hàng chờ đến lượt cọc. Thời điểm đó, nhà đầu tư ồ ạt đổ về Mê Linh, giao dịch sôi động diễn ra nhanh như một cơn bão khiến người mua dù trao tiền nhưng còn không rõ lô đất của mình ở đâu.
Sốt đất quay cuồng ở Mê Linh diễn ra suốt 2 năm từ 2008, đỉnh điểm là năm 2010. Cơn sốt đất đã biến vùng nông thôn nghèo trở thành miền đất hứa của những đô thị mới được quảng cáo sẽ là trung tâm cực Bắc thủ đô. Đến năm 2011, thị trường trầm lắng. Mê Linh trở thành vùng đất của những dự án đắp chiếu. Giá đất đang từ hơn 10 triệu đồng/m2 tụt dốc với mức chỉ 6-7 triệu đồng/m2, thậm chí lao xuống mức 2 triệu đồng/m2.
Sẽ là sự đáng tiếc khi Mê Linh vẫn chìm trong giấc ngủ đông kéo dài bởi nơi đây sở hữu lợi thế sẵn có về vị trí, về phát triển hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp. Đến năm 2017, sức nóng của thị trường bất động sản lan toả mạnh ra các vùng ven đánh thức Mê Linh tỉnh giấc. Cùng thời điểm, chính quyền Mê Linh cũng mạnh tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng hồi sinh các dự án.
Theo thống kê ở thời điểm đó, Mê Linh có 60 dự án chậm triển khai, với 2.000ha. Trong đó, có 47 dự án xây dựng nhà ở đô thị; 14 dự án chậm do phải điều chỉnh quy hoạch; 15 dự án chậm triển khai; có 3 dự án đã có quyết định thu hồi và hàng chục dự án cần điều chỉnh lại ranh giới, đất chồng lấn...Sau khi kiểm tra rà soát, lãnh đạo huyện Mê Linh đã tăng tốc trong đẩy mạnh quy hoạch chung, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.
Cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, nhiều công trình giao thông kết nối quan trọng giữa Mê Linh với trung tâm Hà Nội cũng được đưa vào sử dụng. Cầu Nhật Tân với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng, chiều dài 8.930m đã chính thức được đưa vào sử dụng vào năm 2015 trở thành một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Cây cầu này không chỉ trở thành biểu tượng mới của Đông Anh mà còn góp phần không nhỏ tới phát triển khu vực Mê Linh do kết nối 2 khu vực rất gần nhau.
Tiếp đó, vào tháng 10/2020, dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng nằm trên tuyến Vành đai 3 với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, mỗi bên 6 làn đã chính thức thông xe, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm mới Mỹ Đình đến Mê Linh chỉ chưa đầy 10 phút đồng hồ.
Đi cùng với các công trình giao thông quan trọng, diện mạo đô thị của Mê Linh đã đổi khác với sự tham gia của hàng loạt ông lớn bất động sản như Vinhomes với dự án Làng Hoa Tiên Phong, HUD với khu đô thị Hud Mê Linh Central - Thanh Lâm - Đại Thịnh, Tập đoàn CEO đẩy mạnh đầu tư Khu CEOHOMES Hana Garden. Ngoài ra, MIK cũng có kế hoạch xây dựng khu đô thị 280ha tại đây.
Hạ tầng đột phá cùng sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn đã làm sống dậy vùng đất Mê Linh đang ngủ vùi sau nhiều năm. Kéo theo đó, thị trường bất động sản tại Mê Linh dần dần phục hồi và bật dậy nhanh chóng. Bên cạnh đó, sức hút của các cuộc đấu giá cũng cho thấy Mê Linh đang dần lấy lại được vị thế. Nhà đầu tư bắt đầu đổ về Mê Linh săn lùng biệt thự, liền kề chờ chu kỳ tăng giá mới.
Nhìn vào hạ tầng, vị trí của Mê Linh có thể thấy vùng đất này đang bứt phá từng ngày để trở thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô Hà Nội. Nếu bên này sông, khu đô thị Ciputra được xem là biểu tượng giàu sang của Hà Nội thì chỉ cách 1 cây cầu phía bên kia Sông Hồng, Mê Linh với gần 60 khu đô thị trải dài trên tổng diện tích 2.000 ha trong tương lai sẽ hình thành làng biệt thự với hàng trăm nghìn căn nhà chạy dọc những tuyến đường ô bàn cờ đã được mở rộng sẵn hàng chục năm qua.
Nhìn thấy tiềm năng phát triển của Mê Linh, từ tháng 10/2021, Hà Nội đã đề xuất chủ trương quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố. Mới đây nhất, ngày 6/10/2022 trong quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030, UBND TP Hà Nội tiếp tục khẳng định từ nay đến 2030, Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn sẽ là thành phố trực thuộc thủ đô.
Cùng với quy hoạch thành phố phía Bắc, tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với quy mô gần 11.000ha hiện thực hóa quy hoạch "thành phố hai bên bờ sông Hồng". Đây là lực đẩy quan trọng để phát triển đô thị Mê Linh trở thành điểm nhấn phát triển phía cực Bắc thủ đô.
Cùng quy hoạch đô thị, một loạt dự án giao thông mới tiếp tục tạo sức bật cho sự phát triển của mê Linh. Theo đó, huyện Mê Linh sẽ kết nối với toàn bộ khu vực phía Tây Thủ đô thông qua quy hoạch xây dựng dự án cầu Hồng Hà vượt sông Hồng kết nối trực tiếp huyện Mê Linh với khu vực Đan Phượng, Mỹ Đình. Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị tuyến số 7 Mê Linh - Ngọc Hồi đi xuyên qua huyện Mê Linh sẽ góp phần làm thay đổi, đa dạng hoá hệ thống giao thông của Mê Linh.
Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 4 chạy qua huyện Mê Linh với chiều dài khoảng 11,2km, chia huyện Mê Linh thành 2 phần, 1 phần là xây dựng công nghiệp và đô thị, phần còn lại là phát triển nông nghiệp. Đây được cho là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện, kết nối trực tiếp Mê Linh với các các nền kinh tế phát triển khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh….
Có thể nói, quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội cùng hạ tầng liên tục thăng hạng đã tác động trực tiếp tới Mê Linh, biến nơi đây trở thành vùng đất tiềm năng cho tương lai. Sự đột phá trong quy hoạch không chỉ kéo theo làn sóng dịch chuyển dân cư, sự tăng giá của bất động sản mà còn hình thành nên đô thị vệ tinh mới. Chính vì thế, cực tăng trưởng của Hà Nội dường như đang dồn về khu vực phía Bắc, thúc đẩy nơi đây trở thành khu vực phát triển sôi động bậc nhất thủ đô hiện nay.
Bài: Mai Linh - Thanh Ngà
Thiết kế: Hương Xuân