Mẹ của Quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia' tiết lộ cách dạy con độc đáo: Bí quyết 'bàn tròn'

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 00:04:31

Giây phút Vũ nhận vòng nguyệt quế, người mẹ này vẫn cảm thấy mọi thứ cứ như một giấc mơ.

Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia năm 2022" khiến khán giả thích thú vì quá gay cấn, kịch tính. Từ màn rượt đuổi hồi hộp trải đều qua các vòng thi, cho đến tận những giây phút cuối, khi hai thí sinh Nguyên Sơn (Hà Nội) và Đặng Lê Nguyên Vũ (Thái Bình) so kè nhau từng điểm một. Phút giây Nguyên Vũ trả lời câu hỏi về đích cuối cùng rồi được MC xướng tên, không khí khắp mọi nơi, từ trường quay cho đến đầu cầu truyền hình Thái Bình, cả những khán giả ngồi trước màn hình dõi theo đều như "bùng nổ".

Với chị Nguyễn Thu Phương, mẹ của Quán quân Đặng Lê Nguyên Vũ, khoảnh khắc này được chị miêu tả trong hai "thái cực" cảm xúc trái ngược: Từ "thót tim" đến "vỡ òa".

"Lúc đó chỉ còn đúng 1 câu hỏi thôi. Quả thật, dù tin tưởng con nhưng bản thân mình không dám nghĩ Vũ sẽ có nhiều cơ hội "lội ngược dòng". Rất may là câu hỏi cuối lại trúng vào môn Vật lý, đây là thế mạnh của Vũ. Từ tưởng chừng để tuột ngôi vô địch khi bị dẫn điểm ở câu hỏi áp chót, nhờ may mắn và bình tĩnh, con đã chiến thắng. Cả nhà mình lúc đó thực sự vỡ òa"

Theo sát con từ các trận thi tuần, tháng, quý, tuy nhiên, chị Phương cho biết, không chuẩn bị tinh thần cho việc chiến thắng bởi các bạn thi cùng Vũ đều quá tài năng. Giây phút Vũ nhận vòng nguyệt quế, vây quanh với người thân, bạn bè, dành một chiếc ôm ấm áp chúc mừng con, người mẹ này vẫn cảm thấy mọi thứ cứ như một giấc mơ vậy.


Lớn lên cùng sách, không bị gia đình tạo áp lực

Theo chia sẻ từ chị Phương, năm 6 tuổi, Nguyên Vũ lần đầu xem Olympia cùng gia đình ở trận Chung kết năm thứ 11 để rồi luôn mong muốn được đứng ở vị trí của thí sinh và đội vòng nguyệt quế. Đến năm lớp 11, Vũ đăng ký dự thi. Ngoài ban cố vấn của nhà trường, Vũ cũng giành nhiều thời gian sau giờ học để ôn luyện.

"Sau giờ học, con đóng cửa phòng ôn luyện cùng các bạn trong nhóm Olympia, ngoài ra đọc thêm rất nhiều sách báo, xem tin tức. Thông thường, Vũ học tới 23h nhưng cũng có những hôm con tập trung nên quên cả giờ giấc, đến 1, 2h sáng, bố mẹ nhắc mới chịu ngủ"

Vũ mê sách từ nhỏ. Hồi vài tuổi mới biết đọc thì ham truyện tranh, lớn một chút thì đọc sách truyền cảm hứng, sách danh nhân, các thể loại báo chí. Trong nhà Vũ, ngoài giá sách chất đầy các loại sách thì ngay cả gầm cầu thang cũng chứa vô số cuốn sách. Có thể nói, Vũ lớn lên cùng sách bởi biết con mê đọc nên bố mẹ đi đâu cũng cố mang thêm sách về.

Có năng khiếu Toán và tiếng Anh từ những năm tiểu học và đạt thành tích cao cấp tỉnh năm lớp 5, thế nhưng Vũ chưa bao giờ bị gia đình áp đặt việc chọn môn học hay thành tích.

"Gia đình mình chưa bao giờ ép con phải đạt giải này giải kia, chỉ luôn tạo điều kiện về mặt thời gian cũng như định hướng để con chọn hướng đi mình mong muốn. Ngay cả lúc lên cấp 2, con phải lựa chọn giữa môn Toán và tiếng Anh cũng vậy, gia đình đều tôn trọng ý kiến của con. Điều mình mong muốn là con học trong vui vẻ, hạnh phúc"

Bí quyết "bàn tròn" trong gia đình nhiều thế hệ

Ở trường, Vũ là học sinh ngoan và là một lớp trưởng gương mẫu. Em là học sinh giỏi nhiều năm liền. Ngoài môn Toán, lý, Vũ cũng cực kỳ yêu thích ngoại ngữ. Em giỏi tiếng Anh và thành thạo tiếng Tây Ban Nha. Em từng thi học sinh giỏi Toán, giành huy chương vàng Olympic tiếng Anh năm 2016. Điểm trung bình các môn Toán, Tiếng Anh của em đều trên 9,0 (Toán 9,7; Hóa 9,6; Tiếng Anh 9,5).

Thành tích học tập "chói sáng", thế nhưng, chàng trai Thái Bình này cũng không ít lần trải qua thất bại. Cuối những năm cấp hai, Nguyên Vũ không giành giải học sinh giỏi, không đỗ trường chuyên mình mơ ước. Dù vậy, điều may mắn của Vũ là trong những hành trình đầy khó khăn đó, phía sau Vũ luôn có sự động viên không mệt mỏi của cả gia đình.

Vũ là con đầu trong gia đình, được lớn lên trong môi trường nhiều thế hệ. Ngoài bố mẹ, Vũ còn có ông bà nội chăm sóc, yêu thương. Bố là bộ đội, bà nội là cựu giáo viên dạy môn Toán cấp 3 - là người truyền cảm hứng và động lực cho Vũ trong việc chinh phục môn học khó nhằn này.

Chị Phương nhận xét tính cách con trai ngoan ngoãn nhưng cũng có lúc khá "ngang", sẵn sàng nói lên chính kiến của mình. Bà mẹ này cho rằng, với nhiều gia đình, có thể con bày tỏ quan điểm với cha mẹ là không nên, là "cãi lại" tuy nhiên trong gia đình chị luôn có một nguyên tắc: Xem con như bạn, lắng nghe ý kiến trái chiều của con.

"Trong gia đình, Vũ có thể thoải mái phản biện, miễn không vượt quá giới hạn. Sau giờ cơm tối, thường gia đình sẽ ngồi lại với nhau cùng trò chuyện, nói ra những điều chưa hài lòng. Gia đình luôn tạo điều kiện hết sức để con có một môi trường thoải mái, được nói hết ý kiến của mình với cha mẹ và bạn bè, thầy cô"

Sống trong gia đình có cả ông bà lớn tuổi, thế nhưng chị Phương cho rằng, một trong những điều may mắn của vợ chồng chị và các con, đó chính là rất hiếm xảy ra "mâu thuẫn thế hệ". Ông bà nội của Vũ rất thấu hiểu tâm lý của con cái, ủng hộ vợ chồng chị trong chuyện ứng xử với con cái.

Thỉnh thoảng có những khi bất đồng quan điểm, cả nhà sẽ đợi Vũ đi học hay đi ra ngoài rồi mới mở hội "bàn tròn", nói lên hết những ý kiến, khúc mắt để từ đó thay đổi dần. Chính cách nuôi dạy con tâm lý này đã hình thành nên một Nguyên Vũ không chỉ giỏi giang về học vấn mà còn năng động, tự tin về tính cách. Em luôn coi gia đình là chỗ dựa vững chắc, dù lúc vinh quang hay những khi gặp chuyện không như ý.

Chia sẻ Facebook