Máy tính ở khoa cấp cứu tan nát hết sau dịch COVID-19

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 20:02:32

COVID-19 không chỉ tàn phá người bệnh mà còn tàn phá trang thiết bị, máy móc của bệnh viện. Bây giờ, bệnh viện quay trở về khám chữa bệnh bình thường mà cơ sở vật chất rỗng ruột.

Thông tin trên được TS-BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) - chia sẻ tại buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng Nhân dân TP HCM về thực hiện đề án Y tế thông minh tại Bệnh viện Trưng Vương, sáng 9-11.

TS-BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) - chia sẻ tại buổi làm việc


Theo bác sĩ Tuấn, bệnh viện là đơn vị duy nhất của TP thực hiện điều trị COVID-19 tầng 3 ngay tại bệnh viện. Chia sẻ về ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, bác sĩ Tuấn cho rằng y tế thông minh như đỉnh tháp và để có được đỉnh tháp này phải có nền là CNTT chống đỡ. Tuy nhiên, đợt COVID-19 vừa qua, nó không chỉ tàn phá người bệnh mà tàn phá tất cả trang thiết bị, cơ sở vật chất.

"Tất cả thiết bị phải có chu trình sửa chữa, bảo trì định kỳ. Tuy nhiên, trong đợt dịch phải tiến hành phun xịt, khử khuẩn tất cả các khoa, trang thiết bị liên tục. Chính vì vậy, các thiết bị như máy tính, máy lạnh, máy thở,… đều hư hao rất nhanh. Thậm chí, ngay cả kỹ sư sửa chữa bảo trì cũng rất sợ, chỉ dám đưa dụng cụ qua hàng rào và hướng dẫn cho nhân viên chỉnh sửa và hiện tại tất cả máy móc hư hết" – bác sĩ Tuấn nghẹn ngào và nói thêm, bây giờ, bệnh viện trở về khám chữa bệnh bình thường mà cơ sở vật chất rỗng ruột. Bên cạnh đó, người bệnh còn lo lắng ở đó chữa COVID-19 nên họ bỏ đi nơi khác khám bệnh dẫn đến lượng bệnh nhân giảm.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TP HCM phải kê thêm quạt công nghiệp để làm mát


"Máy tính ở khoa cấp cứu giờ tan nát hết, chắp vá liên tục, có những máy bị hư mất dữ liệu, chậm dữ liệu, không có phim Xquang cho người bệnh. Nhân viên ở khoa gọi tôi giờ không có phim Xquang trị bệnh viêm phổi giống như phòng mạch bình thường. Máy hư, dữ liệu hư, chuyển đổi không kịp, từ những điều nhỏ này, nhân viên gánh, người bệnh gánh nhưng thiệt thòi nhất là vẫn trút hết lên người bệnh" – bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cho rằng thời kỳ dịch COVID-19 có những điều không ngờ trước, không có tiền lệ. Vì thế, cần những chính sách, chế độ không có tiền lệ để phục hồi lại ngành y tế. Ngay cả điều kiện tối thiểu nhất mà bệnh viện cũng không đáp ứng được, "giống như mặc một cái áo quá đẹp nhưng mà bên trong rỗng ruột" - bác sĩ Tuấn ví von.

Chia sẻ Facebook