Máy bay chở vũ khí rơi ở Hy Lạp, không ai sống sót
Tối ngày 16/7, một máy bay chở hàng được vận hành bởi một công ty Ukraine đã bị rơi ở miền bắc Hy Lạp, tất cả 8 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Nebojsa Stefanovic, cho biết chiếc máy bay này do một công ty Ukraine vận hành, chở 11,5 tấn hàng hóa quốc phòng và đã được Bộ Quốc phòng Bangladesh mua lại, theo Agence France-Presse (AFP) đưa tin. Ông cho biết tất cả 8 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Ông Nebojsa Stefanovic nói rằng máy bay chở hàng cất cánh từ thành phố Nis, miền nam Serbia vào 8:40 tối theo giờ địa phương ngày 16/7, và được phép bay đến Amman (thủ đô của Jordan), Riyadh (thủ đô của Ả Rập Xê-út) và thành phố Ahmedabad ở Ấn Độ, sau đó đáp xuống Dhaka (thủ đô của Bangladesh).
“Máy bay này đang chở 11,5 tấn hàng hóa do ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sản xuất. Bên mua là Bộ Quốc phòng Bangladesh”. Ông Stefanovic cho biết hàng hóa trên máy bay là vũ khí thuộc sở hữu của công ty tư nhân Valir của Serbia, chuyên kinh doanh về thiết bị quân sự và các hàng hóa quốc phòng khác.
Cư dân tại khu vực nơi máy bay rơi cho biết, 2 giờ sau khi máy bay Antonov lao xuống vùng đất nông nghiệp gần thành phố Kavala, Hy lạp, họ đã nhìn thấy một quả cầu lửa và nghe thấy tiếng nổ lớn.
#BREAKING : UR-CIC, an Antonov An-12TB cargo aircraft of Meridian Ltd from #Ukraine with flight No. #MEM3032 crashed near #Kavala in #Greece on its way from Nis to Amman! Locals filmed the moment of crash. It was burning when it hit the ground! Engine fire had spread to the wing👇 pic.twitter.com/LQNOEbz1Yd
— Babak Taghvaee – The Crisis Watch (@BabakTaghvaee1) July 16, 2022
Vào thời điểm đó, máy bay Antonov An-12 của Ukraine đang trên đường từ Serbia đến Jordan (quốc gia ở Trung Đông), Đài Phát thanh – Truyền hình Hy Lạp (ERT) đưa tin.
Có 8 người trên máy bay và 11,5 tấn “vật liệu nguy hiểm”, hầu hết là thuốc nổ. Các chuyên gia quân sự và chất nổ vội vã đến hiện trường. Cảnh sát Hy Lạp đã yêu cầu các nhân viên và giới truyền thông gần nơi xảy ra vụ tai nạn đeo mặt nạ bảo vệ.
Từ tối thứ Bảy (16/7), một khu vực rộng lớn hơn của Hy Lạp, nơi máy bay rơi đã bị phong tỏa. Chính quyền Hy Lạp đã triển khai lính cứu hỏa và đơn vị phản ứng tình huống khẩn cấp tiếp cận hiện trường ngay khi nhận tin báo.
Quan chức đội cứu hỏa Marios Apostolidis nói với các phóng viên: “Nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa với thiết bị đặc biệt và dụng cụ đo lường đã tiếp cận điểm va chạm của máy bay, quan sát kỹ thân máy bay và các bộ phận khác nằm rải rác trên cánh đồng.”
Ông nói thêm, khi khu vực được coi là an toàn, các đội tìm kiếm sẽ triển khai tác nghiệp.
Do có mùi nồng nặc tỏa ra từ nơi xảy ra vụ rơi máy bay, một ủy ban điều phối bao gồm các quan chức thành phố, cảnh sát và cứu hỏa đã yêu cầu cư dân sống ở khu vực lân cận đề phòng. Họ được yêu cầu đóng cửa sổ suốt đêm, khuyến cáo không nên rời khỏi nhà và cần đeo khẩu trang.
Các nhà chức trách hàng không dân dụng Hy Lạp cho biết, phi công đã cảnh báo rằng một trong số các động cơ của máy bay đang trục trặc. Cơ quan hàng không dân dụng cho biết thêm, phi công có thể chọn hạ cánh xuống các sân bay ở thành phố Thessaloniki hoặc thành phố Kavala của Hy Lạp. Anh ấy nói rằng mình phải hạ cánh khẩn cấp và chọn nơi gần hơn là Kavala.
Tuy nhiên, việc liên lạc với máy bay gần như đã ngừng ngay sau đó. Máy bay không thể hạ cánh thành công, và bị rơi cách sân bay khoảng 40 km về phía tây.
Hơn 1 giờ sau khi máy bay hạ cánh, ông Filippos Anastassiadis, Thị trưởng thành phố Paggaio, cho biết: “Vài phút trước chúng tôi mới nghe thấy tiếng nổ.” “Địa điểm rơi cách đó khoảng 300 m.”
Ngày 17/7, ông Vadim Sabluk thuộc Lãnh sự Ukraine tại thành phố Thessaloniki, miền bắc Hy Lạp, đã đến địa điểm máy bay rơi. Ông Sabluk đã cung cấp cho nhà chức trách thông tin danh tính của phi hành đoàn trên máy bay. Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo tất cả 8 thành viên phi hành đoàn đều là công dân nước này.
Bộ trưởng Quốc Phòng Serbia nhấn mạnh thương vụ được ký với bộ Quốc Phòng Bangladesh và tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông tuyên bố những thông tin rằng chuyến hàng vũ khí này được chuyển sang Ukraina là hoàn toàn sai và từ năm 2016 Serbia không còn cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Nga và Ukraina.
Cũng theo bộ trưởng Quốc Phòng Serbia, ngoài việc hãng hàng không khai thác chuyến bay là của Ukraina, thì không có mối liên hệ nào khác về 11 tấn vũ khí nói trên với Ukraina.
Bình Minh (t/h)
Chiến tranh Nga - Ukraine đang trở thành cuộc cạnh tranh máy bay không người lái
Cuộc chiến cũng đang trở thành một cuộc đua xem ai có thể nhận được những chiếc máy bay không người lái tiên tiến hơn và nhanh hơn