Máu trắng đục như sữa, người đàn ông phải thay huyết tương gấp trong đêm
Vào viện vì đau dữ dội vùng thượng vị, bụng chướng, máu lấy ra từ bệnh nhân có màu trắng đục như sữa, lập tức bác sĩ chỉ định thay huyết tương cấp cứu ngay trong đêm.
Nam bệnh nhân 40 tuổi vào một bệnh viện ở Phú Thọ trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị, bụng chướng, kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy bệnh nhân viêm tụy cấp bathazal D, xét nghiệm triglyceride máu tăng cao (55 mmol/L trong khi người bình thường là 0-2,3 mmol/L).
Sau thay huyết tương, bệnh nhân có chuyển biến tích cực, không còn đau bụng. Triglyceride trong máu giảm.
BS. Lương Minh Tuấn cho biết, liệu pháp thay thế huyết tương là lấy ra một lượng lớn huyết tương (thường thay là 1-1,5 lần thể tích huyết tương của bệnh nhân), sau đó thay vào một lượng dịch thích hợp cùng thể tích.
Các tế bào máu được tách ra khỏi huyết tương sẽ được đưa trở lại cùng với dịch thay thế vào cơ thể để duy trì thể tích nội mạch. Dịch thay thế cho huyết tương của bệnh nhân có thể là albumin 4%- 5% hoặc huyết tương tươi đông lạnh (FFP).
Các trường hợp viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu thường đáp ứng rất tốt với phương pháp điều trị này.
Theo TS.BS Dương Minh Thắng, Khoa Cấp cứu tiêu hóa – Bệnh viện 108, viêm tụy cấp là bệnh lý viêm cấp tính của tuyến tuỵ, đặc trưng bởi sự phát triển thường xuyên các biến chứng tại chỗ và toàn thân. Đây là bệnh thường gặp ở khoa cấp cứu của các bệnh viện.
1. Nguyên nhân viêm tụy cấp
TS. Thắng cho hay có tới 40-50% nguyên nhân là do bệnh đường mật do sỏi hoặc giun.
Nguyên nhân do rượu cũng rất phổ biến (chiếm 20 – 30%). Điển hình bệnh nhân trên đây có tiền sử uống nhiều rượu, xơ gan, viêm gan gan virus C.
Ngoài ra, các nguyên nhân ít gặp hơn có thể do chấn thương vùng bụng hoặc do phẫu thuật, do thủ chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP); Các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh tiểu đường, bệnh Lupus ban đỏ; Các bệnh có tăng lipide máu như hội chứng thận hư hoặc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa lipide máu.
Các rối loạn chuyển hóa tăng calci huyết như cường tuyến cận giáp; nhiễm virus (quai bị, CMV, EBV); do thuốc; do dị ứng.... cũng là những nguyên nhân gây viêm tụy cấp dù ít gặp. Tuy nhiên, có khoảng 20-25% trường hợp không thể xác định nguyên nhân.
2. Triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp
Theo TS. Thắng, một triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp, trong đó đầu tiên phải kể đến là đau bụng. Nguyên nhân do bệnh nhân căng tuyến tuỵ, do thoát dịch sau phúc mạc hay do viêm phúc mạc. Các cơn đau thường khởi phát đột ngột, sau 1 bữa ăn no, nhiều mỡ, sau 1 bữa tiệc. Đau thường có tính chất cấp tính, dữ dội. Bệnh nhân thường đau vùng trên rốn, bên trái, lan ra lưng trái.
Bệnh nhân có thể bị buồn nôn và nôn với các tính chất: Nôn nhiều và liên tục; Sau nôn không đỡ đau.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác:
Sốt, nếu xuất hiện sớm trong 2 – 3 ngày đầu. Vàng da nếu vàng da nhẹ, kín đáo thường do phù nề ống dẫn chung. Nếu vàng da rõ thường do bệnh đường mật đi kèm do sỏi hoặc do giun. Rối loạn nhu động ruột thường có tình trạng liệt ruột và chướng hơi trong ổ bụng. Tràn dịch ổ bụng thường gặp ở những ca nặng, có khi dịch cổ trướng có máu. Tràn dịch màng phổi trái ít gặp hơn và cũng có tiên lượng nặng.
Các bác sĩ cho biết triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp diễn ra rầm rộ, diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
3. Biến chứng viêm tụy cấp
- Sốc nếu xảy ra sớm trong những ngày đầu của bệnh, thường do biến chứng xuất huyết hoặc do nhiễm độc các chất kinin. Nếu do nhiễm trùng, sốc thường xảy ra muộn hơn ở tuần thứ 2 của bệnh.
- Xuất huyết tại tuyến tuỵ, trong xoang bụng, trong ống tiêu hóa hoặc ở các cơ quan xa do men tụy làm tổn thương các mạch máu, tiên lượng nặng.
- Nhiễm trùng tại tuyến tụy thường xảy ra vào cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ 2 của bệnh dẫn đến thành lập ổ áp xe tụy và mô hoại tử, tiên lượng nặng.
- Suy hô hấp cấp (ARDS): Tiên lượng nặng.
- Nang giả tụy thường xuất hiện vào tuần thứ 4 của bệnh do hiện tượng đóng kén để khu trú tổn thương. Nang giả tụy có thể được hấp thu hoặc tự dẫn lưu vào đường tụy rồi hết trong 4-6 tuần. Nang cũng có thể tồn tại lâu dài hơn và có thể dẫn đến các biến chứng bội nhiễm khuẩn, áp xe.
- Viêm tụy mạn do viêm tụy cấp tái phát nhiều lần, đa số là viêm tụy cấp ở người nghiện rượu. Vì vậy, ở người nghiện rượu phải lưu ý có thể là đợt cấp tính của viêm tụy mạn.
Theo Thu Nguyên