Màu sắc thuận theo tự nhiên trong trang phục của cổ nhân
Màu sắc là một nhân tố quan trọng cấu thành nên nghệ thuật phục sức của người xưa. Mặc trang phục có màu sắc như thế nào không chỉ thể hiện vẻ đẹp, địa vị mà còn phải phù hợp với thiên thời, ngũ hành và ngũ phương.
Theo sách “Hậu Hán thư. Dữ phục chí” ghi chép, màu sắc của trang phục cổ điển Trung Hoa có nguồn gốc từ thời viễn cổ, n gay từ lúc những người sống trong hang động biết sử dụng đá màu hồng để nhuộm đồ trang sức. Theo thời gian, con người bắt đầu bắt chước theo màu sắc của các loại hoa lá, chim muông, các sự vật trong tự nhiên… để tiến hành nhuộm màu. Từng bước từng bước, nhuộm màu sắc cho trang phục tự thành hệ thống, và vận dụng tuần hoàn theo quy luật của ngũ hành ngũ phương ngũ sắc, biểu đạt sự chuyển hóa của bốn mùa trong năm.
Sách “Chu lễ. Đông quan hội họa” viết: “Họa hội chi sự, tạp ngũ sắc. Đông phương vị chi thanh ( lam ), nam phương vị chi xích, tây phương vị chi bạch, bắc phương vị chi hắc, thiên vị chi huyền, đích vị chi hoàng” , ý nói tranh vẽ được pha trộn từ năm màu, phương đông là thanh (xanh lam), phương nam là xích (đỏ), phương tây là bạch (trắng), phương bắc là hắc (đen), Trời gọi là huyền (đen huyền), đất gọi là hoàng (vàng). Trung tâm cũng là hoàng (vàng). Theo ngũ hành, thổ là vàng, kim là trắng, mộc là xanh, hỏa là đỏ, thủy là đen. Theo bốn mùa, mùa xuân màu xanh, mùa hạ màu đỏ, mùa thu màu trắng, mùa đông màu đen huyền. Loại lý luận màu sắc này tượng trưng cho trời đất, thiên thời vận chuyển, và sự tuần hoàn của vũ trụ.
Màu đỏ, vàng, xanh, đen và trắng được gọi là chính sắc, tượng trưng cho sự cao quý và được sử dụng trong lễ phục. Sự phối hợp của năm loại màu này với nhau sẽ tạo thành các màu phối hợp như các cam, hồng, trắng xanh, tím… Những màu sắc phối này tượng trưng cho sự thấp hèn, chỉ có thể được dùng làm màu sắc cho trang phục mặc ngày thường, quần áo lót, lớp lót hoặc quần áo cho dân thường.
Lễ phục cao cấp nhất của Thiên tử thời cổ đại là miện phục sử dụng năm chính sắc. Các Hoàng đế và tướng lĩnh phải lựa chọn trang phục phù hợp với địa vị của mình theo lễ chế quy định. Tuy nhiên, thuận theo các triều đại, quan niệm tôn ti cao thấp của màu sắc có sự thay đổi. Thời kỳ Xuân Thu, Tề Hoàn Công thích mặc trang phục màu tím khiến cho dân chúng học theo nên thời này, màu tím có địa vị đặc biệt, trở thành màu sắc tượng trưng cho quyền uy và sự tôn quý. Thời Đường Cao Tông, màu vàng lại trở thành màu của Đế vương, dân thường không được sử dụng.
Vợ của Thiên tử (Vương hậu) thì có lục phục. Theo “Chu lễ. Thiên quan. Nội ti phục” viết: “Lục phục của Chưởng vương hậu là Huy y, Du địch, Khuyết địch, Cúc y, Đản y và Duyên y” . Huy y là màu đen (về sau này sửa thành màu xanh lam), Du địch màu xanh, Khuyết địch màu đỏ, Cúc y màu vàng (giống màu lá dâu lúc đâm chồi), Đản y màu trắng, Duyên y màu đen huyền.
Cúc y của Vương hậu là trang phục đặc biệt quan trọng. Nó được Vương hậu mặc vào mùa xuân lúc cây dâu đâm chồi nảy lộc. Thời xưa, v ào mùa xuân, Vương hậu phải mặc quần áo có màu giống như màu của lá dâu non để cúng Thần tằm, tự tay hái lá dâu và chăm con tằm. Nữ nhân trong thiên hạ cũng mặc trang phục có màu sắc như vậy. Theo cổ nhân, nam là thiên, nữ là địa, màu của lá dâu non (vàng xanh) tượng trưng cho đại địa, nữ tính. Cho nên, loại màu sắc này tượng trưng cho công trạng và thành tích trồng dâu nuôi tằm, một công việc quan trọng bậc nhất thời cổ đại.
Tới thời nhà Hán, Hoàng đế và Vương hậu có năm loại trang phục dựa theo màu sắc của bốn mùa. Về sau, trên nền tảng của năm màu sắc theo các mùa, trang phục của nữ nhân được phối màu phong phú hơn. Người ta không ngừng dựa theo màu sắc của tự nhiên như các loại hoa, không trung, nhật nguyệt, băng tuyết, mây ngũ sắc, cầu vồng… để nhuộm màu trang phục. Tùy theo sự chuyển biến của các mùa mà màu sắc được phối cho phù hợp. Đây được coi là linh hồn của sự phối màu sắc cổ điển.
Vào mùa xuân, trang phục của nữ nhân có màu sắc sáng đẹp giống như màu lá dâu lúc đâm chồi, màu hoa đào, hoa hải đường, hoa mẫu đơn. Vào mùa xuân hoa đào hồng nở rộ, xinh đẹp, quyến rũ nên nữ nhân thường dùng cỏ xuyến và hoa hồng để nhuộm trang phục thành màu này.
Mùa hè có hoa sen và hoa lựu khai nở nên trang phục của nữ nhân thường có màu sắc giống như màu hoa sen, hoa lựu. Vào mùa thu, trang phục mang cảnh sắc mùa thu và thường là màu xanh lam, xanh lục, xanh thiên thanh. Vào mùa đông, tuyết trắng rơi phủ mặt đất, lại có hoa hồng mai nở rộ, nên trang phục của nữ nhân thường có màu tươi đẹp như trắng, hồng, ngoài ra còn có màu vàng và xanh biếc.
Trang phục của nữ nhân ngày càng có nhiều màu sắc phong phú hơn, đó là dựa vào kỹ xảo nhuộm vải. Trong “Cư gia tất dụng sự loại toàn tập” thời Nguyên và “Thiên công khai vật” thời Minh có liệt kê nhiều phương pháp nhuộm màu vải. Người ta có thể dùng cỏ màu xanh, hoa hồng, cỏ xuyến để nhuộm màu, được gọi là phương pháp Thảo mộc nhiễm. Hay người ta có thể dùng khoáng thạch chu sa (màu đỏ) nhuộm màu, tên là phương pháp Thạch nhiễm. Muốn nhuộm được màu sắc như ý, phải chọn được chu sa tốt nhất, nghiền nhỏ mịn sau đó mới tiến hành nhuộm.
Các phương pháp nhuộm màu trang phục rất đa dạng, nhưng tiêu biểu là một số màu như hồng đào, màu đỏ, màu mai hồng, màu đỏ lựu, màu hoa hải đường, màu xanh, màu vàng, màu vàng nhạt, màu đen. Những trang phục có màu sắc ấy cho dù xuất hiện trên thân Hoàng hậu, nữ nhân lao động, hay các diễn viên múa đi nữa thì đều thuận theo sự thay đổi của bốn mùa mà thay đổi theo, đồng thời ca ngợi mỹ đức của con người, thể hiện lễ nghi trang trọng và tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của người xưa.
Theo Soundofhope
An Hòa biên tập
Vài nét về lễ nghi trong trang phục của cổ nhân