Màu sắc mới của "Thay lời tri ân" năm 2022

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 11:24:40

Thay lời tri ân năm nay sẽ là một bức tranh với những gam màu tươi sáng, trong đó mỗi màu là một câu chuyện về các thầy cô giáo ở các vùng miền.


Được đầu tư công phu, mang đến những câu chuyện ấn tượng và đầy cảm xúc, chương trình thường niên Thay lời tri ân của Ban Khoa giáo, Đài THVN đã trở thành điểm nhấn trên sóng VTV. Năm nay, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ê-kíp thực hiện Thay lời tri ân lấy ý tưởng từ bài thơ của cô giáo Lê Kiều Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên: "Nghề ươm trồng Cây Phúc. Bắt rễ giữa Vườn Trần. Hạt giống Đời nảy Lộc. Sáng muôn đời chữ Tâm".

Với chủ đề "Cây đời trăm năm", thông qua những hình ảnh, câu chuyện thay đổi phương pháp dạy học truyền cảm hứng, xúc động, đáng khâm phục về những thầy cô hết lòng về học trò thân yêu, chương trình như một lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo.

Ê-kíp sản xuấy chương trình muốn phác họa những câu chuyện về các thầy cô ở nhiều góc độ khác nhau nhưng đều có những đóng góp cho sự nghiệp trồng người của Việt Nam.

Một tuần di chuyển qua rất nhiều địa điểm tại Điện Biên để thực hiện bộ phim về cô giáo Nguyễn Thị Hà, nhà báo Lan Hương, Ban Khoa giáo bật mí sẽ mang đến câu chuyện về cô Hà với hình ảnh một người giáo viên rất khác - cô Hà sống ở thành phố nhưng lại không ngại đến vùng sâu vùng xa, mang tình yêu thương và sự sẻ chia của mình tới các em học sinh khó khăn. "Dù đó là những món quà nhỏ nhưng nó có ý nghĩa rất lớn, nối dài tương lai của các em" - nhà báo Lan Hương chia sẻ với VTV News.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà - một trong những nhân vật sẽ xuất hiện trong Thay lời tri ân năm 2022.

Nhà báo Lan Hương và ê-kíp tác nghiệp tại Điện Biên.

"Năm nay, chúng tôi hướng đến gam màu tươi sáng, những đóng góp của thầy cô ở tất cả các cái vùng miền và đặc biệt nữa là ở nhiều cấp học khác nhau. Ví dụ như ở bậc đại học, có những thầy cô từ bỏ những các lời mời của rất nhiều đại học danh tiếng để quay trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó có những câu chuyện về các cô giáo có giải pháp học tập, giải pháp tâm lý để giải tỏa những mâu thuẫn, hành động không đúng của các em học sinh một cách mềm mại và hiệu quả" - Nhà báo Trịnh Quốc Đông, Phó trưởng Ban Khoa giáo chia sẻ trong VTV Kết nối.


BTV Nguyễn Phương, Ban Khoa giáo chia sẻ: "Trong những năm trước, những nhân vật mà Thay lời tri ân lựa chọn thường là những nhân vật có câu chuyện khó khăn trong giáo dục mà họ phải vượt qua như thế nào để mang đến cái chữ cho học sinh. Năm nay, ê-kíp chúng tôi đã có sự trăn trở nhất định và chúng tôi quyết định lựa chọn những cái gam màu tươi sáng hơn như là sự động viên, cổ vũ các thầy cô giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc vững tin hơn trong sự nghiệp giáo dục".


Ê-kíp sản xuất Thay lời tri ân năm 2022 đã đi tới Yên Bái, Điện Biên, Vĩnh Long... lựa chọn những tấm gương nổi bật đại diện cho các thầy cô trong cả nước. Trong đó, tấm lòng và đôi chân thiện nguyện không biết mệt mỏi của cô Hà, chuyện về thầy giáo cao một mét mốt và cách dạy học sinh cá biệt hay hành trình cảm hóa học trò bằng tình thương của cô trò Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xuân, tỉnh Vĩnh Long... hứa hẹn truyền năng lượng tích cực với người xem.

"Chúng tôi cố gắng chọn nhiều vùng miền để tạo sự đa dạng. Ở miền núi phía Bắc, chúng tôi có câu chuyện của các giáo viên cắm bản có thay đổi phương pháp dạy và học trong điều kiện cực kỳ khó khăn để tạo cái niềm hứng khởi, làm thay đổi các bài giảng của mình cho học sinh có thể tốt hơn. Bên cạnh đó, câu chuyện ở Điện Biên có cô giáo có tới hơn 20 người con nuôi. Cô không những chỉ là dạy tri thức, mà còn bao bọc nhận các em, giúp đỡ các em rất nhiều. Đó là một điều rất đáng quý và đặc biệt đối với các giáo viên ở Việt Nam" - Nhà báo Trịnh Quốc Đông, Phó trưởng Ban Khoa giáo chia sẻ.

Nhân vật đầu tiên kể đến trong chương trình là cô giáo Nguyễn Thị Hà, trường THPT Phan Đình Giót- thành phố Điện Biên Phủ- tỉnh Điện Biên. Ngôi trường của cô có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, các em đến từ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà. Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, mồ côi…, thiếu ăn, thiếu mặc… Dù ở thành phố nhưng cô Hà không quản ngại đi tới những nơi xa xôi nhất của Điện Biên, không chỉ nâng bước các em đến trường, cô còn giúp các em có thể chạm tới ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Hiện cô đã hỗ trợ, giúp đỡ hơn 20 em ở khắp mọi nơi của tỉnh Điện Biên.


Thay lời tri ân 2022 sẽ mang đến câu về cô Nguyễn Lệ Lan - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An); cô cũng là Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân huyện đã 2 nhiệm kỳ. Trong công tác chuyên môn hay vai trò xã hội, điều cuối cùng cô hướng đến là đem lại những giá trị tốt đẹp cho học sinh, giáo dục các em cả về kiến thức lẫn bồi dưỡng tâm hồn.

Cô giáo Bùi Lê Xuân Trang - trường THPT Vĩnh Xuân, tỉnh Vĩnh Long được các học trò của mình coi như một người mẹ hiền, bởi sự tâm lý, luôn lắng nghe và chăm lo cho học sinh. Cô đã trở thành nhịp cầu gắn kết các bạn thành một khối thống nhất, cùng nhau học tập và tham gia các phong trào. Cô dùng tình yêu thương để cảm hóa một học sinh rất… đặc biệt; góp phần thay đổi định kiến, góc nhìn của các học sinh trong lớp về bạn mình. Hay chuyện về thầy giáo cao một mét mốt với tình yêu dành cho bục giảng và các em học sinh. Thầy giáo - phó giáo sư trẻ đã từ bỏ cơ hội tốt ở nước ngoài để về quê hương cống hiến cho sự nghiệp trồng người...


Những thầy cô giáo đến từ các ngôi trường khác nhau trên cả nước sẽ cùng hội ngộ tại chương trình Thay lời tri ân năm 2022 để chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của mình tới khán giả cả nước. Đan xen là các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi tình thầy trò, sự cao quý của nghề giáo viên.

Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h30 ngày 18/11/2022 trên kênh VTV2.

Chia sẻ Facebook