Mắt xích Đức trong cuộc khủng hoảng khí đốt ở EU
Một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng thiếu khí đốt ở Đức sẽ kéo theo cả liên minh châu Âu cùng rơi vào tình trạng này.
Đây là cảnh báo của các chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách châu Âu trong bối cảnh kinh tế Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như lạm phát cao kỷ lục, tình trạng thiếu lao động, sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu quan trọng và nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông tới.
Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận trong tuần này để đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt. Để đạt được hiệu quả, các quốc gia thành viên cần thiết lập các hiệp ước song phương để chia sẻ khí đốt, nhưng hiện tại, mới có 6 thỏa thuận như vậy.
Theo Reuters, hầu hết 27 quốc gia EU không có điều khoản chắc chắn về cách thức và thời điểm họ sẽ chia sẻ khí đốt khi nguồn cung bị hạn chế, hoặc khoản bồi thường tài chính mà họ sẽ cung cấp hoặc nhận được khi chia sẻ khí đốt.
Tại thời điểm hiện tại, Đức đang là mắt xích quan trọng trong việc kêu gọi, chia sẻ nguồn cung khí đốt với các nước láng giềng. Là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất Châu Âu, các đường ống dẫn khí của Đức cũng là đầu mối chạy tới nhiều nước Trung và Đông Âu.
Bà Kadri Simson, Ủy viên EU phụ trách năng lượng, cho biết: "Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta sẽ bắt đầu tiết kiệm xăng và khí đốt ngay bây giờ và chúng ta phải có kế hoạch chi tiết để cùng hành động một cách phối hợp nếu tình hình xấu đi. Việc giảm nhu cầu sử dụng khí đốt một cách chủ động cho phép chúng ta tránh được các quyết định vội vàng hoặc đơn phương khi quá muộn. Nó sẽ giúp giảm thiểu tác động đến người dân và doanh nghiệp đáng kể nếu chúng ta bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ".
Việc san sẻ khí đốt cũng là bài toán thử thách tinh thần đoàn kết của EU. Trước hết là cùng cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới. Các nhà ngoại giao EU cho biết, một số quốc gia Châu Âu vốn bị Đức chỉ trích gay gắt về chính sách kinh tế trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, tỏ ra miễn cưỡng trước lời kêu gọi đoàn kết này.
Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera cho rằng, Ủy ban châu Âu không thể yêu cầu các quốc gia thành viên phải cắt giảm sử dụng khí đốt mà không tham khảo trước ý kiến của họ. Theo Reuters, có đến 12/27 quốc gia thành viên của EU đã bày tỏ sự không đồng tình.
Các nhà ngoại cho nhận định, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau,bởi nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tình trạng thiếu khí đốt xảy ra ở một nước - đặc biệt là ở Đức - sẽ kéo theo cả liên minh, giống như một quân domino bị đổ thì những quân khác cũng khó đứng vững.