Mất việc trong cay đắng, cựu nhân viên Twitter, Facebook lên TikTok “kể tội” công ty cũ
Các nhân viên mất việc từ Meta Platforms Inc. và Twitter Inc. đang tìm đến mạng xã hội TikTok để có thể thoải mái nói về khoảnh khắc bị sa thải hàng loạt và những chuyện phía sau hậu trường.
Và đó cũng là chủ đề hấp dẫn. Video của một phụ nữ tự xưng là cựu nhân viên của Twitter nói về hành trình bị thôi việc đã thu hút tới nửa triệu lượt xem và 80.000 lượt thả tim. Những video tương tự, được thể hiện dưới nhiều hình thức, từ hài hước đến chân thành, đều đang thu hút khá nhiều người theo dõi.
Thông thường, bị cho thôi việc thường kèm theo sự xấu hổ và không ai muốn nhắc đến điều đó. Tuy nhiên, TikTok đang tạo ra một kênh để mọi người sẵn sàng cởi mở hơn khi nói về việc bị đuổi. Thậm chí, làn sóng sa thải ồ ạt trong lĩnh vực công nghệ, với nhiều kiểu đuổi việc khác nhau, đang thực sự khiến họ nhận được nhiều sự cảm thông.
Daizha Brown làm việc trong bộ phận tiếp thị quảng cáo của Facebook dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Chỉ vài giờ sau khi nhận được tờ “phiếu hồng” định mệnh, Brown đã lên TikTok để kể câu chuyện của mình.
“Tôi vô cùng sửng sốt và không thể tin nó lại xuất hiện trong hộp thư của mình”, Brown nói về tờ giấy màu hồng, trong đó là thông báo cô ấy đã mất việc. Hiện tại, cô gái tiếp tục sử dụng mạng xã hội TikTok để nói về bất cứ điều gì xảy ra mỗi ngày với tiêu đề: Những ngày sau khi bị sa thải.
Hầu hết các bình luận mà người dùng dành cho Brown đều là sự cảm thông với những lời nói tử tế. Chính điều đó khiến Brown cảm thấy rất hào hứng khi thấy rằng mình không đơn độc. Tìm kiếm nhanh cụm từ sa thải trên TikTok, hàng loạt video được hiển thị, cho thấy cách những người mất việc đang vượt qua thời gian khó khăn.
“Nếu bạn khóc mỗi ngày, điều đó có thể rất khó khăn. Nhưng nếu bạn thấy nhiều người khác cũng đang rơi lệ giống mình, bạn sẽ cảm thấy một sự đồng cảm khi vấn đề gặp phải là giống nhau”, Brown chia sẻ.
Megan Arroyo cũng vừa bị Meta, công ty mẹ của Facebook, sa thải khỏi vị trí tuyển dụng. “Khi điều đó xảy ra, có tới 11.000 người chịu cảnh giống tôi. Tôi không phải người duy nhất thất vọng và buồn bã”, Arroyo, người đang sống ở Chicago, cho biết sau khi xem các video trên TikTok về chủ đề tương tự. Thậm chí, cô còn kết bạn với một số người sau khi xem các video từ họ.
Bên cạnh các bình luận động viên, chia sẻ, nhiều người còn chia sẻ cơ hội việc làm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số người cảnh báo rằng các nhà tuyển dụng mới sẽ không thích những người lên mạng kể về chuyện họ đã trải qua trong công việc.
“Tôi không quan tâm tới điều đó”, Arroyo nói và cho biết cảm giác “khóc” trên mạng thật là tuyệt vời và cô thích làm điều đó.
Chính những sự đồng cảm và sẻ chia đã khiến nhiều người không ngại ngùng khi nói về việc bị sa thải. Thậm chí, họ còn xây dựng những nội dung thú vị xung quanh hành trình đó. Họ coi đó là các chữa lành cho tâm hồn, cảm xúc của chính mình sau một cú sốc tinh thần và có thể giúp những người khác vượt qua cảm giác tương tự.
Trong khi đó, việc quay các video cũng giúp mọi người có hứng thú hơn với cuộc sống mất việc. “Về cơ bản, tôi phải tự tìm cách để kéo mình ra khỏi giường mỗi ngày. Khi nghĩ rằng mình có một video cần phải hoàn thành, mình sẽ có động lực để bắt đầu và hoàn thành công việc”, Jordan Gibbs, người đã bị sa thải khỏi vị trí tuyển dụng của Lyft Inc., chia sẻ.
Bắt đầu với khoảng 1.000 người theo dõi đầu tháng 11, chủ yếu trong số đó là bạn bè, đồng nghiệp và người quen, trang TikTok của Gibbs hiện đã tăng mạnh số người theo dõi kể từ khi cô đăng các bài chia sẻ về hành trình của mình. Số lượng người theo dõi vẫn đang tiếp tục tăng lên, mang lại động lực không nhỏ cho cô trong việc sáng tạo nội dung.
“Thành thật mà nói, tôi không muốn trở thành người nổi tiếng. Được quá nhiều người chú ý không phải sở thích của tôi. Tuy nhiên, video đầu tiên của tôi được rất nhiều người thích thú bởi vì có nhiều người phải chia sẻ cảm xúc giống nhau. Chính điều đó khiến tôi tiếp tục làm những video tiếp theo”, Gibbs nói.
Từ khi bắt đầu đăng tải các video dạng này, Gibbs cũng thấy một số bạn bè của mình trong ngành công nghệ, những người cũng bị sa thải, chia sẻ nội dung dưới dạng tương tự. Tuy nhiên, họ thường cập nhật theo tuần chứ không phải theo ngày.
“Twitter giống một nơi mà bạn vào để xả giận. Instagram thì giống một cuốn nhật ký nói về phiên bản hoàn hảo của cuộc đời của bạn. Còn với TikTok, nó đang xây dựng được một cộng đồng mà từ đó, mọi người hướng đến sự dễ bị tổn thương, sự trung thực dù đôi lúc cũng chưa hẳn là tinh tế”, Gibbs nói.
Trong khi tất cả các gã khổng lồ công nghệ đều đang hướng tới việc sa thải nhân viên, mạng xã hội có nguồn gốc Trung Quốc vừa công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 3.000 nhân sự nhằm mở rộng đế chế của mình. Việc bổ sung nhân sự này diễn ra trong giai đoạn 3 năm, ở khắp thế giới bao gồm cả Mỹ. Hiện tại, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang sử dụng khoảng 130.000 nhân sự trên toàn cầu. Riêng nhân sự của TikTok là 20.000 người, với ¼ trong số đó là lao động tại Mỹ.
Tham khảo: Bloomberg