Mặt trời hoạt động 'dữ dội' khiến hàng loạt vệ tinh lao khỏi quỹ đạo
Hoạt động của Mặt trời trong năm 2022 dữ dội hơn nhiều so với dự đoán của các nhà dự báo thời tiết thiên văn. Dưới những cơn bão Mặt trời, vệ tinh đột ngột giảm xuống độ cao thấp hơn và rơi trở lại mặt đất.
Sự thay đổi thời tiết trong không gian diễn ra trùng với sự bắt đầu của chu kỳ Mặt trời mới. Các chuyên gia cho rằng đó có thể là sự khởi đầu của một số năm khó khăn cho các hoạt động trong vũ trụ.
Vào cuối năm 2021, những người điều hành chòm vệ tinh Swarm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhận thấy một điều đáng lo ngại: các vệ tinh đo từ trường xung quanh Trái đất bắt đầu chìm về phía bầu khí quyển với tốc độ nhanh bất thường - gấp 10 lần so với trước đây.
Tháng 5-2022, các nhà khai thác phải bắt đầu nâng độ cao của vệ tinh bằng cách sử dụng động cơ đẩy trên tàu để cứu chúng.
Bà Anja Stromme, giám đốc sứ mệnh Swarm của ESA, nói với trang tin Space.com : "Trong 5, 6 năm qua, các vệ tinh chìm khoảng 2,5 km/năm. Nhưng kể từ tháng 12-2021, chúng hầu như lặn mất tăm. Tốc độ chìm trong khoảng thời gian từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022 là 20 km/năm".
Vệ tinh Swarm của ESA không phải là vệ tinh duy nhất vật lộn với thời tiết không gian ngày càng tồi tệ. Vào tháng 2-2022, SpaceX đã mất 40 vệ tinh Starlink hoàn toàn mới. Chúng đã bị một cơn bão Mặt trời tấn công ngay sau khi phóng.
Các vệ tinh quay xung quanh Trái đất luôn phải đối mặt với lực cản của bầu khí quyển khiến chúng dần chậm lại và cuối cùng rơi trở lại mặt đất. Chúng thường không sống sót sau quá trình gọi là tái nhập và bốc cháy trong khí quyển.
Lực cản của khí quyển này buộc các bộ điều khiển của Trạm Vũ trụ quốc tế cũng phải thực hiện các thao tác "khởi động lại" thường xuyên để duy trì quỹ đạo của trạm là 400 km trên Trái đất. Đồng thời, lực cản này cũng giúp làm sạch môi trường gần Trái đất khỏi rác không gian.
Cường độ của lực cản phụ thuộc vào hoạt động của Mặt trời - lượng gió do mặt trời phun ra - thay đổi tùy thuộc vào chu kỳ mặt trời 11 năm.
Chu kỳ Mặt trời vừa qua chính thức kết thúc vào tháng 12-2019, nó như buồn ngủ, ít hoạt động.
Tuy nhiên, kể từ khi bước sang chu kỳ mới, Mặt trời đã "thức dậy", phun ra ngày càng nhiều gió và tạo ra các vết đen, và hiện tượng phóng xung điện với tốc độ ngày càng tăng. Và tầng khí quyển trên của Trái đất đã cảm nhận được những ảnh hưởng này.
Dưới những cơn bão Mặt trời, vệ tinh sẽ đột ngột giảm xuống độ cao thấp hơn. Quỹ đạo của vệ tinh càng thấp thì nguy cơ không thể phục hồi càng cao, khiến các nhà khai thác bất lực nhìn chúng rơi xuống bầu khí quyển.
Bà Stromme cho biết tất cả các tàu vũ trụ xung quanh độ cao 400km đều có vấn đề, bao gồm cả Trạm vũ trụ quốc tế, và các kỹ sư sẽ phải thực hiện thao tác "khởi động lại" thường xuyên hơn để giữ cho nó nổi.
Ông Hugh Lewis, giáo sư kỹ thuật và khoa học vật lý tại Đại học Southampton (Anh), người nghiên cứu hoạt động của các vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất thấp, nói với Space.com: "Hoạt động Mặt trời cao hơn rất nhiều so với dự báo chính thức. Trên thực tế, hoạt động hiện tại đã khá gần với mức đỉnh được dự báo cho chu kỳ Mặt trời mới này, và chúng ta vẫn còn cách cực đại của Mặt trời từ hai đến ba năm nữa".
Một vết đen khổng lồ trên Mặt trời đã tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 24 giờ và hiện đang hướng về Trái đất. Điều này có nghĩa là Mặt trời có thể bắn một đợt bức xạ dữ dội về phía hành tinh chúng ta.