Mặt trăng có 'kho báu' trăm tỷ USD, các cường quốc khát khao chinh phục
Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ... đang chạy đua chinh phục Mặt Trăng để khai thác 'kho báu' hàng trăm tỷ USD. Đó chính là nước đóng băng trên Mặt Trăng và nhiều kim loại đất hiếm.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang tham gia cuộc chạy đua không gian, chinh phục và thám hiểm Mặt Trăng. Trong số này, NASA lên kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng lần nữa vào năm 2025 trong chương trình Artemis. Trung Quốc lên kế hoạch đưa người tới Mặt Trăng năm 2030.
Sau 47 năm, Nga quay trở lại cuộc đua không gian khi thực hiện sứ mệnh Luna-25 với mục tiêu hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng. Tuy nhiên, vào ngày 20/8, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo tàu Luna-25 đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng. Điều này có nghĩa sứ mệnh Luna-25 của Nga thất bại.
Đến ngày 23/8 vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã hạ cánh thành công xuống cực nam của Mặt Trăng. Theo đó, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc từng đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng. Trong ảnh là Mặt trăng được chụp từ tàu vũ trụ Chandrayaan-3.
Đặc biệt, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên có mặt tại cực nam của Mặt trăng - khu vực được cho là có thể phát triển một trạm vũ trụ trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu, lý do khiến nhiều nước tham gia cuộc đua chinh phục Mặt Trăng là vì nơi đây có 'kho báu' khổng lồ. Cụ thể, vào năm 2018, các nhà khoa học phát hiện băng nước lưu trữ khu vực bóng tối vĩnh cửu của những miệng hố vùng cực.
Do đó, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đều triển khai chương trình không gian nhắm tới chinh phục cực nam của Mặt Trăng - nơi có nguồn tài nguyên đóng băng quý hiếm.
Nếu tìm thấy một lượng băng dồi dào ở cực nam thì đây có thể là nguồn nước quan trọng cho các cuộc thám hiểm Mặt Trăng và giúp làm lạnh thiết bị.
Thêm nữa, nước trên Mặt Trăng cũng có thể được sử dụng để tạo ra hydro cho nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh tới Sao Hỏa hoặc khai mỏ trên Mặt Trăng.
Không chỉ nước, các chuyên gia NASA còn cho rằng, helium-3 - chất có thể được sử dụng trong phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể tồn tại trên Mặt Trăng. Không những vậy, bề mặt Mặt Trăng còn có thể chứa nhiều kim loại đất hiếm như: lanthanides, scandium, yttrium... Chúng hiện được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử.
Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán Mặt Trăng có một số khoáng chất như bazan, sắt, thạch anh, silicon, bạch kim, palladium, rhodium, titan... Vậy nên, giá trị 'kho báu' trên Mặt Trăng ước tính lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD.
Mời độc giả xem video: Hình ảnh tàu Luna-25 vừa được Nga phóng lên thăm dò Mặt Trăng.