Mất tiền trong tài khoản tín dụng vì tin 'tổng đài viên dỏm'

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:27:51

Hà NộiBỗng nhiên được tặng 50.000 đồng trong tài khoản điện thoại, Thảo tin lời "tổng đài viên dỏm" làm theo hướng dẫn nâng cấp SIM miễn phí để rồi bị chiếm hết tiền trong thẻ tín dụng.

Hơn 10 ngày trước, Thảo, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ số 0936.xxx.xxx tự giới thiệu là nhân viên tổng đài MobiFone. Người phụ nữ giọng miền Nam, cho hay Thảo là một trong những "khách hàng may mắn nhất trong ngày" được tổng đài khuyến mại 50.000 đồng. Cùng lúc cuộc gọi đang diễn ra, Thảo thấy có tin nhắn nhận được tiền.

"Tin nhắn được gửi đến từ đầu số +9221. Tôi kiểm tra luôn cũng thấy tài khoản đã nhận được tiền. Hơn nữa, gần đây nhân viên các công ty, nhà mạng đều dùng số điện thoại di động cá nhân để gọi điện cho khách hàng nên tôi tin đây là tổng đài viên xịn", Thảo kể.

Trong lúc trao đổi, phía bên kia giới thiệu gói "nâng cấp sim miễn phí" từ 4G lên 5G. Đang ngồi máy tính làm việc, Thảo tra Google và đúng nhà mang đang có chương trình này. Thấy rất tiện lợi vì có nhân viên hướng dẫn, lại thao tác mọi thứ trên điện thoại, không phải ra quầy giao dịch nên Thảo đồng ý.

Cô kể theo hướng dẫn của "tổng đài viên" đã gửi ba tin nhắn, trong đó có một cú pháp là "DS 840121xxxxhx" đến đầu số 901. Một giây sau khi tin nhắn báo gửi đi thành công, điện thoại Thảo lập tức mất tín hiệu. Tuy nhiên, trước khi tắt máy, kẻ gian nói mất tín hiệu là do SIM đang được nên cấp, chờ vài phút mọi thứ sẽ bình thường. Sau này Thảo nhận ra chúng nói vậy để nạn nhân không nghi ngờ, có thời gian cho đồng bọn chiếm đoạt tiền.

Ngay sau đó, tài khoản thẻ tín dụng của Thảo liên tục bị trừ tiền nhưng "không hề có tin nhắn báo về điện thoại". Trên ứng dụng hiển thị tài khoản đang thanh toán mua hàng dù Thảo không giao dịch. Phát hiện quyền sử dụng SIM đã bị chiếm đoạt, Thảo nhanh tay chuyển hết tiền trong tài khoản lương sang cho bạn bè để bảo toàn.

"Lúc này tôi gọi điện lên tổng đài mới biết mình bị lừa nên nhờ khoá SIM ngay lập tức. Tuy nhiên hơn 5 triệu đồng trong tài khoản tín dụng đã bị chiếm đoạt mất", Thảo kể lại và cho hay, vài ngày sau phải mang giấy tờ cá nhân ra phòng giao dịch để làm thủ tục cấp lại SIM.

Cú pháp nhắn tin khiến Thảo bị kẻ gian chiếm đoạt SIM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng giống như Thảo, Thu Hoài, ở một tỉnh phía Bắc, khi đang làm việc thì nhận được điện thoại của nữ tổng đài viên mời nâng cấp SIM miễn phí lên 5G. Từng chuyển từ gói cước trả trước sang trả sau của nhà mạng Viettel bằng cách này, Hoài đồng ý nâng cấp vì không phải ra cửa hàng.

Theo hướng dẫn của kẻ gian, Hoài vừa nhắn tin theo cú pháp DS 84xxxx gửi đến 901 thì bất ngờ điện thoại bị mất sóng. Thử tiếp các thao tác như tra cứu tài khoản, nhắn tin, gọi điện đều không được. Nghi bị lừa nhưng Hoài vẫn "có niềm tin" SIM đang được nâng cấp nên trục trặc.

Hơn 10 phút sau vẫn không sử dụng được SIM, Hoài vào kiểm tra thì phát hiện tài khoản ngân hàng, ví điện tử Momo đã bị rút sạch tiền. "Lúc này mới biết bị lừa nên tôi gọi điện lên tổng đài nhờ khoá SIM. Tuy nhiên hơn 20 triệu đồng trong tài khoản đã bị rút hết", Hoài kể.

Hoài thắc mắc, tại sao kẻ gian lại nắm rõ mọi thông tin cá nhân của mình để đánh trúng tâm lý, lừa đảo. Chị mong các nhà mạng đưa ra một đầu số điện thoại tư vấn duy nhất để người dân không bị lẫn lộn với các cuộc gọi lừa đảo.


Trước vấn nạn người dân liên tục "sập bẫy", Mobifone từng cảnh báo kẻ gian thường có nhiều nhiều kịch bản để yêu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Mobifone khuyến cáo, khách hàng khi nhận được cuộc gọi yêu cầu nâng cấp SIM cần kiểm tra thông tin cẩn thận hoặc liên hệ đến tổng đài 9090, 18001090 để được giải đáp. Hơn nữa, người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP hoặc soạn tin nhắn, cú pháp theo hướng dẫn của bất cứ ai tự xưng là nhân viên nhà mạng qua điện thoại.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, cho biết số điện thoại hiện nay "rất quan trọng" với mỗi người khi nó liên kết với các giao dịch hàng ngày, với tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội. Nếu để đánh mất quyền kiểm soát số điện thoại sẽ rất nguy hiểm, dễ bị chiếm đoạt hết tiền trong các tài khoản.

Ông Hiếu khuyên người dân không nên chuyển đổi, nâng cấp SIM qua điện thoại mà hãy đến quầy giao dịch của các nhà mạng để thực hiện trực tiếp. Khi đó, mọi quyền lợi và sự an toàn của chủ SIM đều được đảm bảo. "Tuyệt đối, không thực hiện các thao tác trên điện thoại theo hướng dẫn của một người mà mình không xác định được chính xác là nhân viên tổng đài hay không".

Chuyên gia cho rằng, kẻ gian thường dùng các đầu số lạ hoặc dùng chính những số điện thoại thông thường để gọi lừa đảo, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Bởi thế, mọi người chỉ nên nghe các cuộc gọi từ số tổng đài chính thống của các nhà mạng. Trong trường hợp lỡ nhắn tin theo cú pháp của kẻ lừa đảo khiến bị chiếm quyền sử dụng SIM, nạn nhân nên lập tức dùng số khác gọi điện lên tổng đài nhờ khoá SIM hoặc khoá giao dịch của các tài khoản ngân hàng, ví điện tử.

Theo ông Hiếu, hiện nay nhóm lừa đảo rất tinh vi, chỉ bằng một công cụ trên mạng xã hội, khi chúng nhập số điện thoại là ra thông tin cá nhân của người dùng như mã số căn cước công dân, địa chỉ thường trú, ngày tháng năm sinh, địa chỉ tài khoản xã hội. Khi có thông tin cá nhân, chúng sẽ đánh trúng tâm lý của nạn nhân để lừa đảo.


Về cách thức lừa đảo, cơ quan công an cho hay kẻ gian thường thu thập thông tin cá nhân của người dùng trên không gian mạng. Sau đó chúng lợi dụng chính sách của các nhà mạng di động cho phép thuê bao được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác để vờ là nhân viên tổng đài gọi tư vấn nâng cấp SIM. Lấy được lòng tin, chúng yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp để đánh lừa nạn nhân chuyển hướng cuộc gọi đến số của chúng.

Khi bị hại gửi thành công tin nhắn thành công theo cú pháp chúng đưa ra sẽ mất quyền kiểm soát SIM. Lúc này, SIM của kẻ gian trở thành SIM chính chủ.

Tiếp đến, chúng đăng nhập các tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân và thực hiện thao tác "quên mật khẩu". Khi đó kẻ gian sẽ nhận được mã xác thực OTP mà nhà cung cấp dịch vụ gửi đến để dễ dàng dùng tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người khác.


Phạm Dự

Chia sẻ Facebook