Mất tài năng chơi bóng, Gordon Ramsay trở thành "ông vua" khó tính có khối tài sản kếch xù

Chia sẻ Facebook
24/09/2022 15:06:48

Từ ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá đến việc thay đổi con đường nấu ăn, Gordon Ramsay đã làm việc chăm chỉ trong suốt sự nghiệp của mình. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi ông trở thành một trong những đầu bếp giỏi nhất thế giới. Đạt được nhiều giải thưởng và mức lương cao, Gordon Ramsay đã đi đến vị thế này như thế nào?

Mài giũa và hoàn thiện kỹ năng ẩm thực

Sinh ra ở Renfrewshire (Scotland) vào năm 1966, Gordon Ramsay là con thứ hai trong gia đình có 4 người con. Từ khi còn nhỏ, Gordon Ramsay phải di chuyển nhiều nơi do điều kiện tài chính của gia đình không tốt, cha ông còn là người nghiện rượu và bạo lực.

Sau khi thuê một căn hộ khi mới 16 tuổi và rời xa cha mẹ, Gordon tập trung vào việc cải thiện kỹ năng đá bóng. Theo Britannica, Gordon đã chơi cho đội bóng Oxford United và lọt vào tầm ngắm của giải Scottish Premier League Glasgow Rangers. Đáng tiếc, do chấn thương đầu gối, ông phải dừng mục tiêu theo đuổi nghiệp bóng đá.

Đầu bếp Gordon Ramsay (Ảnh: Variety)

Trước khi theo đuổi sự nghiệp đầu bếp, công việc đầu tiên của Gordon là rửa nồi tại nhà hàng Ấn Độ, đây cũng là nơi chị gái ông làm phục vụ bàn. Có những khởi đầu khiêm tốn như vậy giúp Gordon thêm trân trọng mọi thứ ông đạt được trong cuộc sống sau này.

Niềm yêu thích nấu nướng đến với Gordon nhờ mẹ ông. Sau khi lấy bằng tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật North Oxon về quản lý khách sạn, Gordon được chuyển đến London để học cách nấu ăn chuyên nghiệp. Ông làm việc dưới sự chỉ đạo của đầu bếp Marco Pierre White - cố vấn của nhiều đầu bếp nổi tiếng ngày nay. Gordon cũng làm việc dưới quyền của Albert Roux tại Le Gavroche và chuyển đến Pháp vào thập niên 1990 để nâng cao kỹ năng nấu nướng.

Gordon Ramsay có mối quan hệ thân thiết với cựu chân sút David Beckham (Ảnh: Grub Street)

Mới mở nhà hàng được nhận ngay danh hiệu Michelin

Gordon lưu trú tại Pháp không lâu rồi trở về London khi được đề nghị đảm nhận vị trí bếp trưởng tại Aubergine. Trong vòng 3 năm đảm nhận vị trí này, ông đã giành được 2 ngôi sao Michelin Guide danh giá.

Đến năm 1998, ông mở cửa hàng mang tên mình, Nhà hàng Gordon Ramsay với sự giúp đỡ của bố vợ, Chris Hutcheson, cùng các đồng nghiệp của ông tại Aubergine. Không lâu sau, nhà hàng được nhận ngôi sao Michelin thứ 3, biến Gordon thành người Scotland đầu tiên đạt được thành tích này. Đặc biệt, nhà hàng này còn được Harden's bình chọn là nhà hàng hàng đầu của London trong 8 năm.

Một năm sau khi mở nhà hàng cùng tên, ông đã khai trương nhà hàng khác là Pétrus cũng được trao sao Michelin. Gordon tiếp tục mở loạt nhà hàng trên toàn thế giới, và nhà hàng quốc tế đầu tiên của ông được thành lập tại Dubai vào năm 2001. Các địa điểm khác của Gordon Ramsay bao gồm Australia, Pháp, Nam Phi và Nhật Bản.

Tính đến nay, Gordon được trao tổng cộng 16 ngôi sao Michelin. Nhờ những đóng góp tích cực cho ngành ẩm thực, Gordon đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước OBE (tước Tiểu Hiệp Sĩ) vào năm 2006. Ông còn được tôn vinh là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp lưu trú và ẩm thực của Vương quốc Anh năm 2009.

Gordon đã lập hai kỷ lục Guinness Thế giới, gồm "Thời gian phi lê cá nặng 10 lb nhanh nhất" (10 lb tương đương 4,5 kg) trong vòng 1 phút 5 giây và "Tấm pasta dài nhất được cuộn trong 60 giây", đo được 1,45 m.

Gordon Ramsay từng nhiều lần trình diễn khả năng làm bếp điêu luyện trên sóng truyền hình (Ảnh: Guinness World Records)

"Ác mộng" của những đầu bếp


Gordon còn xuất hiện trên truyền hình vào năm 1998 với bộ phim Boiling Point , giúp ông trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất ở Anh. Các chương trình Ramsay's Kitchen Nightmares (Cơn ác mộng trong bếp của Ramsay) và Hell's Kitchen (Địa ngục nhà bếp) khiến ông trở nên nổi tiếng ở Mỹ. Năm 2010, ông đảm nhận vai trò nhà sản xuất và giám khảo cho chương trình MasterChef (Vua đầu bếp) của Mỹ.


Thông qua những chương trình truyền hình, Gordon Ramsay cho thấy ông là người rất nóng tính, quyết liệt, thẳng thắn và thường xuyên dùng từ ngữ thô tục. Sự gắt gỏng của ông thậm chí khiến không ít thí sinh của MasterChef bật khóc. Dẫu vậy, Gordon vẫn thu hút lớn lượng người hâm mộ vì kỹ năng điêu luyện cùng hành trình nỗ lực không ngừng.


Song khi xuất hiện trên MasterChef Junior (Vua đầu bếp nhí), Gordon gây ấn tượng khi xuất hiện với tính cách trái ngược thường thấy tại các chương trình khác. Với đối tượng người tham gia là trẻ em, Gordon thể hiện sự kiên nhẫn và ân cần hơn.


Ngoài ra, Gordon Ramsay còn ghi dấu ấn với vai trò tác giả sách có nhiều cuốn bán chạy. Cuốn tự truyện Roasting In Hell's Kitchen là ấn phẩm ăn khách nhất.

Gordon Ramsay nổi tiếng là đầu bếp siêu nóng tính (Ảnh: Deadline)

Có khối tài sản kếch xù, bộ sưu tập xe sang


Vị đầu bếp nổi tiếng đã kiếm được số tiền đáng kể từ nhiều dự án kinh doanh. Theo Celebrity Net Worth, đối với MasterChef , ông thu về 225.000 USD mỗi tập và chương trình đã có 12 mùa được phát sóng.

Ông kiếm được khoảng 45 triệu USD mỗi năm thông qua các dự án truyền thông và nhà hàng, kiếm được thêm 20 triệu USD trong 2 năm 2018 và 2019. Gordon còn nổi tiếng trên mạng khi sở hữu kênh chia sẻ các công thức nấu ăn và mẹo làm bếp.

Cũng theo Celebrity Net Worth và Wealthy Gorilla, ước tính khối tài sản của Gordon trị giá 220 triệu USD. Một phần tài sản của Gordon bao gồm bộ sưu tập xe hơi lớn ở Anh, trong đó có 8 chiếc Ferrari, 2 chiếc McLaren, Aston Martin, Porsche và BAC Mono.

Hai trong số những siêu xe của Gordon Ramsay (Ảnh: The Sun)


Tổng hợp

Chia sẻ Facebook