Mất sổ bảo hiểm xã hội, làm thế nào để nhận được bảo hiểm thất nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013, trung tâm dịch vụ việc làm chỉ nhận hồ sơ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy, để kịp thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần nhanh chóng thực hiện ngay việc sau.
Làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp có cần nộp sổ bảo hiểm không?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các loại giấy tờ sau:
1 - Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2 - Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động hết hạn; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; thông báo chấm dứt hợp đồng lao động….
3 - Sổ bảo hiểm xã hội.
Theo quy định này, khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động sẽ buộc phải nộp lại bản chính sổ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp thiếu một trong các giấy tờ nêu trên thì theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 28/2015, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ trả lại hồ sơ và yêu cầu người lao động bổ sung hồ sơ. Khi nào hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được nộp đầy đủ, hợp lệ thì mới giải quyết chế độ cho người lao động.
Lưu ý, sổ bảo hiểm nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm phải là sổ đã được phía công ty và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc
Như vậy, dù có đủ điều kiện hưởng nhưng nếu không có sổ bảo hiểm xã hội, người lao động cũng không thể lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Mất sổ bảo hiểm xã hội, làm thế nào để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp?
Như đã phân tích, nếu không có sổ bảo hiểm xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Do vậy, để kịp thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần nhanh chóng làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.
Hiện nay có rất nhiều cách để người lao đông có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
Cách 1. Làm thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội
- Hồ sơ cần chuẩn bị: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT ( Mẫu TK1-TS ).
- Đến trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cơ quan BHXH trên toàn quốc (theo khoản 34 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020).
- Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ (theo Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017).
Cách 2. Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online
Người lao động có thể tự thao tác trên ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Thời gian giải quyết: Tối đa 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ. Tuy nhiên, do đăng ký nhận sổ bảo hiểm xã hội qua bưu điện nên người lao động sẽ thường phải chờ lâu hơn 10 ngày do tính cả thời gian vận chuyển.
- Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online qua ứng dụng VssID:
Người lao động thực hiện các thao tác sau:
Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID bằng mã số BHXH và mật khẩu do cơ quan BHXH cấp.
Bước 2: Tại trang Quản lý cá nhân, chọn Dịch vụ công.
Bước 3: Chọn Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin.
Bước 4: Tích chọn nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính và nhập địa chỉ cụ thể.
Bước 5: Ấn gửi.
- Xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam:
Người lao động làm thủ tục cấp lại sổ BHXH theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/
Bước 2: Đăng nhập và chọn Thông tin tài khoản.
Bước 3: Chọn Kê khai hồ sơ. Chọn kê khai phần Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng
Bước 4: Nhập địa chỉ chi tiết và mã kiểm tra. Ấn Xác nhận.