Mất mẹ, bé gái 3 tuổi theo bố đi ăn xin, 50 năm sau xảy ra điều không ngờ
Bé gái mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, phải theo bố đi ăn xin dọc bắc nam, chịu khổ sở trăm bề nhưng 50 năm sau đã xảy ra điều không ngờ.
Kể từ ngày mẹ qua đời, cuộc sống của 3 anh em chú Lực, chú Lượng và cô Lương đã bước sang trang với không ít ký ức đau buồn.
Mẹ mất, cả gia đình ly tán
Ông Nguyễn Văn Thường (ở thôn Đồng Mô, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và vợ có 2 người con chung tên Nguyễn Văn Lượng (SN 1962) và Nguyễn Thị Lương (SN 1970), ngoài ra, vợ ông còn có một người con riêng tên là Lực.
Biến cố xảy đến với gia đình ông Thường vào khoảng năm 1971 – 1972, đây là khoảng thời gian vợ ông qua đời.
Khi mẹ qua đời, bé Lực được đưa về sống với bố ruột. Còn ông Thường dẫn 2 con đi lang thang xin ăn, thỉnh thoảng mới trở về quê một lần.
Nguyễn Văn Lượng khi ấy khoảng 9 – 10 tuổi cũng đi cùng bố và em gái mấy tháng. Em gái còn bé nên được bố bế, còn Lượng phải tự đi bộ. Đoạn đường bố đi thì chẳng gần, lúc đi Hà Nội, lúc đi Thái Nguyên… nên Lượng cảm thấy không theo được.
Có bà cô họ ở quê thấy vậy khuyên Lượng nên đi ở cho người ta cho đỡ vất vả, Lượng đồng ý. Kể từ ngày đó, ông Thường và Lượng biệt tăm.
Mới 11 tuổi, Lượng đã phải lao động, cuộc sống cũng nhiều vất vả. Sau đó, Lượng được bà Lại Thị Xì (hiện đã 83 tuổi ở huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng) nhận làm con nuôi. Về ở với bà Xì, công việc mỗi ngày của Lượng là trông em.
Đến năm 15 – 16 tuổi, Lượng trở về quê ở với bà cô họ nhưng sau đó lại một thân một mình ra xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, khai hoang. Ở đây, Lượng đổi họ của mình từ họ Nguyễn sang họ Bùi theo họ của một người anh mới gặp. Năm tháng trôi qua, cậu bé Lượng ngày nào đã trở thành một người thanh niên khỏe mạnh, hiền lành, chăm chỉ và được nhiều người mến yêu.
‘Mỗi lần nhớ đến bố và em gái lại buồn chẳng nuốt nổi cơm’
Năm 1980, chú Lượng lấy vợ, bố mẹ vợ thương quý nên lo cho hết. Từ sau năm 1986, gia đình chú Lượng dần dần mua thêm đất, nuôi gia súc, bán thêm sản phẩm ra thị trường. Từ bàn tay trắng, chú Lượng làm nên nhà cửa, ruộng vườn, xây dựng tổ ấm. Cô chú sống với nhau đến nay đã hơn 40 năm, gia đình lúc nào cũng hạnh phúc, 4 người con 2 trai, 2 gái nay đều đã trưởng thành.
Dù cuộc sống sung túc, đủ đầy nhưng mỗi lần nhà có gì ăn ngon ngon, chú Lượng đều nhớ đến bố và em gái. Chú luôn tự hỏi, không biết bây giờ bố và em đang ở đâu, có no đủ không hay phải sống khổ sở, đói rét? Nghĩ vậy rồi chú lại buồn, chẳng ăn được.
“Buồn lắm, người ta có anh có em vui vẻ, còn mình cứ buồn rầu, nghĩ đến bố với em là không thiết tha gì nữa. Tôi mong được gặp em gái, xem em sống thế nào. Nếu em sống sung túc thì mừng cho em, còn không thì tôi sẽ nâng đỡ em, giúp em được bằng người ta. Em mà khổ sở thì mình cũng không có lương tâm nào mà ăn ngon, ngủ yên” , chú nói.
Chú Lượng sau này cũng về tìm lại mẹ nuôi, về quê cũ ngóng tin tức của bố và em gái nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Con gái theo cha lang bạt từ bắc vào nam
Quay trở lại câu chuyện của ông Thường và cô Lương. Ngày 2 cha con bỏ quê mà đi, họ lang bạt khắp nơi, ông Thường cõng con gái đi bộ từ Bắc vào Nam, 2 bố con khi thì ngủ ở bìa rừng, mỏm đá, ai cho gì ăn nấy, đi đến tỉnh nào thì ở đó ăn xin mấy ngày rồi lại đi tiếp, thỉnh thoảng có xe tải thì xin quá giang.
Năm 1982, hai bố con vào đến TP.HCM. Ở đây, ông Thường và cô Lương tiếp tục lang thang, ngủ đường, ngủ phố, thậm chí ngủ ở nghĩa địa. Ông Thường đã từng cho cô Lương đi ở được 3 ngày nhưng sau đó đến xin lại vì thương nhớ con.
Lên 7 – 8 tuổi, cô Lương vừa đi xin, vừa nhặt túi bóng về bán. Năm 1985, hai cha con cô Lương chuyển đến sống ở ga Bình Triệu, lúc này cô Lương đã 14 tuổi, cô nhận thức được sự khác biệt giữa mình và các bạn cùng trang lứa: “Vì sao bạn có nhà ở còn mình phải ngủ ngoài hè?”, rồi cô bị bạn bè ăn hiếp…
Cô Lương khi đó nói với ba: “Ba tìm cho con cái nhà chứ con không ngủ ngoài hè nữa”. Ông Thường nghe vậy càng thương con, để giúp con có được căn nhà, ông quyết định đăng ký đi kinh tế mới.
Ông Thường và cô Lương lên huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, khai hoang. Lên đó, 2 cha con làm công nhân, được cho một căn nhà lợp bằng tranh và một khoảng đất rộng mấy sào. Nghiệt ngã thay, ước mơ có căn nhà vừa thành hiện thực được ít hôm thì 2 cha con ông Thường bị sốt, cô Lương qua khỏi, còn ông Thường mất sau khi đặt chân lên đất Bù Đăng đúng 1 tháng 10 ngày.
Cuộc đời cô Lương vất vả trăm bề, sau này cô đi làm con nuôi nhưng cực khổ, phải lao động nhiều. Sau đó, cô lập gia đình và có 2 người con trai. Vợ chồng cô không hạnh phúc nên ly dị từ lâu. Con trai lớn của cô không may đã qua đời. Con trai thứ đã có gia đình nhỏ.
Cô Lương hiện đang sống ở TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, hàng ngày mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, cuộc sống khó khăn vì cô thường xuyên đau ốm. Hơn 30 năm nay, cô vẫn luôn sống trong những căn nhà thuê ọp ẹp, chật chội, tạm bợ.
Được bạn bè giúp đỡ, hướng dẫn, cô Lương đã gửi thư về chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’ để đăng ký tìm anh trai.
Cuối cùng, sau 50 năm xa cách, năm 2021, cô Lương đã được gặp lại người anh trai của mình. Do thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chú Lượng, cô Lương đã có một cuộc đoàn tụ online. Được gặp lại ruột thịt, cô chú vui mừng khôn xiết. Nghe em gái kể về cuộc đời truân chuyên, chú Lượng đã vô cùng xúc động, chỉ muốn lập tức ôm em vào lòng.
Chú Lượng rưng rưng nhắn nhủ với em gái: “Anh muốn tìm em lắm mà không biết em ở đâu mà tìm”. Còn cô Lương không ngờ cuối đời lại gặp được người thân ruột thịt, bao năm qua, cô cứ nghĩ mình sẽ chết trên đất khách quê người. Chú Lượng hứa đến khi đỡ dịch, sẽ vào Đồng Xoài gặp cô em gái tội nghiệp, đáng thương của mình…
Theo Tổ Quốc