Mất điện kéo dài lan rộng nhiều tỉnh, người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Tình trạng cắt điện kéo dài đã lan rộng khắp các tỉnh miền Bắc. Rất dễ có thể bắt gặp các bài viết của người dân “than thở”, bức xúc trước thực trạng này.
Tình trạng cắt điện kéo dài đã lan rộng khắp các tỉnh, nhất là khu vực miền Bắc. Rất dễ có thể bắt gặp các bài viết của người dân “than thở”, bức xúc trước thực trạng này trên mạng xã hội. Báo chí trong nước liên tục cập nhật lịch cắt điện nhiều hơn tin dự báo thời tiết. Người dân từ bất ngờ đã chủ động hơn trong việc tránh nóng, sinh hoạt nhưng ai cũng mong mỏi sớm chấm dứt tình trạng mất điện tồi tệ này.
Sau đây chúng tôi xin cập nhật tình hình cắt điện cũng như ảnh hưởng của việc này đến một số tỉnh thành tại miền Bắc, đồng thời, nêu ra một số nguyên nhân của tình trạng này.
EVN Hà Nội tiếp tục thông báo cắt điện ngày 3/6 trong bối cảnh nắng nóng
Quảng Ninh
Theo báo Tiền Phong, Những ngày gần đây, nhiều khu vực ở TP. Hạ Long, Quảng Ninh cắt điện luân phiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ du lịch địa phương. Nhiều du khách “than trời” khi khách sạn, villa, homestay mất điện bất ngờ trong khi thời tiết nắng nóng đỉnh điểm.
Vợ chồng chị Đoàn Liên (TP. Hà Nội) cùng một gia đình khác tới Hạ Long du lịch hè 3 ngày 2 đêm, từ ngày 1 đến ngày 3/6. Chị Liên thuê một căn hộ chung cư ở tòa nhà New Life Tower (đường Hoàng Quốc Việt, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với giá 2 triệu đồng/2 đêm.
“Mình tới nhận phòng lúc 12h ngày 1/6 thì căn hộ đã mất điện, tới 13h30 mới có trở lại.” , chị Liên cho biết.
Chị Liên tìm đặt cháo cho con nhưng do mất điện, hàng quán không bán hàng. Không có điện nên anh chị cũng không đun được nước pha sữa công thức cho bé. Chồng chị Liên phải xuống quán bún gần khu nhà xin nước nóng để nấu tạm cháo ăn liền cho con nhỏ.
Chị cho biết hôm sau tình trạng mất điện lại tiếp tục xảy ra nên gia đình chị đành thu xếp đồ đạc về sớm so với kế hoạch.
Trả lời VTC News về tình trạng cắt điện triền miên trên diện rộng, ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã gửi kiến nghị tới ngành điện lực nhằm khắc phục sớm nhất.
Trong khi đó, thông tin trên báo Nông nghiệp cho biết, theo đại diện Công ty điện lực Quảng Ninh, việc cắt điện liên tục trong những ngày qua đều do sự điều động của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện khi nắng nóng gay gắt kéo dài.
Do việc cắt giảm diễn ra trong tình trạng khẩn cấp nên tại một số thời điểm ở một số khu vực, Công ty Điện lực Quảng Ninh không kịp thời gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng sử dụng điện.
Bắc Giang
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ ngày 6/6, ban ngày sẽ cúp điện sinh hoạt của người dân để dành cho các nhà máy sản xuất, còn ban đêm sẽ hạn chế sản xuất để lấy điện dùng sinh hoạt.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đã làm việc với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc về lịch cung cấp điện trong 20 ngày tới, báo Bắc Giang đưa tin.
Vì là địa phương có nhiều cụm khu công nghiệp nên Bắc Giang được ưu tiên cung ứng điện, tuy vậy vẫn thiếu điện chứ không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cùng lúc.
Ban ngày, thời gian bắt đầu sản xuất từ 7h45 – 17h. Trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp được cấp điện liên tục tất cả trong ngày.
Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban Quản lý Các khu công nghiệp, chỉ sản xuất từ 0h – 5h sáng.
Doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh, điện lực sẽ khảo sát cụ thể, giải quyết tùy trường hợp.
Trước đó, nhiều công nhân ở Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) cho biết đã nhận được thông báo nghỉ làm do Công ty Điện lực Bắc Giang cắt điện một số đường dây, ảnh hưởng tới một số công ty, Tuổi Trẻ đưa tin.
Cụ thể, nhiều công ty thông báo bị mất điện đột xuất từ 7h30 ngày 3/6 đến 7h30 ngày 4/6 (1 ngày).
Nhiều người dân Bắc Giang liên tục đăng bài vào các nhóm Facebook cộng đồng địa phương về việc mất điện ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và nhiều người.
Tài khoản P.B.H. viết: “Điện sinh hoạt không bàn. Nhưng điện sản xuất có những dây chuyền máy móc khởi động mất cả vài ngày tới hàng tuần mà mỗi ngày cho vài tiếng thì đóng cửa sớm thôi. Sau họ đầu tư sang nước khác thì còn lại dân ta đèn dầu giếng khơi.”
Người dùng Facebook có tên N.P. viết: “Mất điện thì không thông báo lịch cho dân, dân chúng tôi làm nghề, mất điện lâu thua lỗ hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, ai là người chịu trách nhiệm? Các ông thua lỗ hở tí tăng tiền của dân.”
Một người dùng Facebook khác nêu ý kiến: “Các bác điện lực chơi ác thật, 2h18 sáng chưa cho điện, ngày mai các cháu 2008 bắt đầu ngày đầu tiên cho kỳ thi THPT mà mất điện như này các cháu mất ngủ, sao đảm bảo sức khỏe để thi cử chứ.”
“Lịch cắt thì từ 20h-22h59 , nhưng phải đến tận 4h22p sáng mới cho điện. Đúng là sợ thật, sợi cao su cũng không kéo dài đến thế.”
Mất điện khiến người dân phải chủ động mua đèn, quạt tích điện hoặc năng lượng mặt trời, ắc-quy, máy nổ… Thế nhưng, do nhu cầu tăng cao, giá các sản phẩm này cũng vì thế mà leo thang. Bạn N.M. viết: “Mấy hôm nay điện lực hiệp hoà cắt điện nhiều gia đình vì kinh tế còn khó khăn nên chưa có điều kiện mua sắm đồ điện. Vì mất điện liên tục nóng quá không chịu được họ phải đi mua quạt tích điện, họ không ngờ đồ điện lên giá chóng mặt, quạt tích điện có cái từ 400 nghìn lên giá 900 nghìn một chiếc, máy nổ, ắc-quy lên giá ầm ầm. Đúng là đã nghèo lại càng nghèo.”
Bắc Giang: Ban ngày sẽ cúp điện sinh hoạt của người dân để dành cho nhà máy
Bắc Ninh
Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô 2.000 công nhân tại Bắc Ninh cho biết đã nhận được thông báo cắt điện từ tuần trước (cắt 1-10h, tùy ngày).
“Máy phát điện được kích hoạt nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được sản xuất”, đại diện đơn vị này chia sẻ. Những hôm mất điện lâu, doanh nghiệp ông buộc thông báo cho công nhân nghỉ việc, làm bù ca vào ngày khác.
Không riêng công ty sản xuất tiêu dùng trên, nhiều đơn vị khác tại Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), hay Thăng Long (Hà Nội) những ngày qua đều buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất khi nhận kế hoạch cắt giảm điện 24h trong các ngày 5-6/6, do thiếu nguồn của phía điện lực.
Một lãnh đạo trong Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho hay nhiều doanh nghiệp bức xúc khi phải cho lao động nghỉ làm hoặc đi luân phiên vì bị cắt điện khiến sản xuất ngưng trệ.
Chị N.L., công nhân tại một công ty ở Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Công ty em hôm nay được nghỉ một ngày do mất điện đột xuất, trong khu công nghiệp cũng nhiều công ty như thế. Nếu làm đủ ngày công thì em được nhận 5 triệu/tháng lương, có ngày tăng ca được 1 tiếng thì cũng có thêm thu nhập. Nhưng như vậy cũng chỉ đủ cho em trang trải chi phí sinh hoạt, không dư giả. Giờ 1 tuần phải nghỉ 1-2 ngày do mất điện, lương của em giảm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.”
Hà Nội
Tình trạng mất điện kéo dài không loại trừ thủ đô Hà Nội. Thành phố này thông báo cúp điện luân phiên trải dài từ các quận nội thành cho tới các huyện, thị ngoại thành trong ngày 7/6. Đáng chú ý, có một số địa điểm bị cúp điện từ sáng cho tới chiều mới được cấp trở lại.
Cụ thể, theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho hay trong ngày 7/6, một số khu vực tại các quận Long Biên, Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức và Quốc Oai sẽ tạm ngừng cấp điện.
Đặc biệt, có những nơi mất điện cả ngày từ 8h-15h,16h như thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), một phần khu vực Thường Tín, Phú Xuyên…
Tình trạng cúp điện luân phiên đã được thực hiện liên tục trong thời gian qua tại thủ đô và chưa có dấu hiệu cho thấy việc này sẽ kết thúc sớm.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, việc cắt điện đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong những ngày Hà Nội nắng nóng; nhiều doanh nghiệp, cụm công nghiệp cũng phải đóng cửa vì thiếu điện.
Hòa Bình
Tỉnh Hòa Bình là nơi có thủy điện Hòa Bình, người dân nơi đây vẫn hay gọi nơi mình sống là đất sản xuất điện nhưng lại có “đặc sản” là mất điện bởi tình trạng mất điện luân phiên vẫn thường xảy ra ở đây từ nhiều năm nay.
Hiện nay, người dân tỉnh này lại càng phải hứng chịu cảnh thiếu điện tồi tệ hơn. Nhiều người thắc mắc tiền điện thì dân đóng đủ nhưng EVN muốn cắt là cắt.
Tài khoản N.V.M. viết trên Facebook cá nhân: “Dân đóng tiền điện đầy đủ đúng ngày đúng tháng, song lại sợ bị cắt điện. Còn bên điện lực nhiều lý do như thua lỗ, tăng giá ,sửa chữa, mùa mưa bão , cắt luân phiên… Thích thì thông báo, không thì không sao. Quê hương điện lực mãi đỉnh.”
Thủy điện thiếu nước, nhiệt điện thiếu than, điện gió chậm hòa lưới điện do đàm phán
Nhiều hồ thủy điện dưới mực nước chết
Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân mới đây đã ký báo cáo gửi Bộ Công thương về tình trạng nguy cấp cung ứng điện sẽ xảy ra trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng năm nay.
Đáng lưu ý, EVN lo ngại các hồ thủy điện miền Bắc tiếp tục có nước về kém. Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về chỉ đạt khoảng 70 – 90% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém như Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…
Đối với điện than, theo EVN, hiện nay khả năng cung cấp của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) là 46 triệu tấn, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 là hơn 6 triệu tấn.
Trong đó, các nhà máy của EVN đang thiếu 1,3 triệu tấn; việc mua than bổ sung cho lượng than do TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp được gặp nhiều khó khăn, do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhập than nên đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.
Nguồn cung cấp nhiên liệu khí cho sản xuất điện cũng gặp khó khăn. Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVN/PVGas), khả năng cấp khí năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ m3. Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, càng làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn.
Điện gió chậm hòa lưới điện do EVN trả giá thấp
Hiện cả nước có 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng không đủ điều kiện hưởng giá FIT với tổng công suất là 4736 MW.
Để có thể huy động công suất của các dự án này tránh lãng phí, bức xúc, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương ban hành quy định phương pháp xác định và khung giá áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Ông cho biết đến ngày 31/5, đã có 59/85 nhà máy có công suất 3.389 MW, chiếm 71,6 % số dự án đã nộp hồ sơ tới EVN, trong đó có 50 dự án đang được đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục. Hiện còn 26 nhà máy với công suất là 1346 MW vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN.
Lý do các chủ đầu tư chậm hồ sơ do không muốn đàm phán với EVN trong khung giá mà Bộ Công Thương ban hành vì cho là thấp. Bên cạnh đó có thể chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý hoặc nhà máy ở vị trí khó khăn về truyền tải điện.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, có cư dân mạng còn cho rằng phải chăng EVN muốn tăng giá điện nên mới đưa người dân vào cảnh mất điện liên miên.
Hiện tại, người dân, tổ chức vẫn đang chờ đợi Chính phủ cũng như EVN có những quyết sách phù hợp để giải quyết vấn đề điện sinh hoạt, điện sản xuất cho doanh nghiệp.
Biện pháp tạm thời trong hoàn cảnh mất điện kéo dài
Để hạn chế ảnh hưởng của việc mất điện, người dân cần theo dõi lịch cắt điện để gia đình sắp xếp việc sinh hoạt.
Có thể đến các khu vực không bị cắt điện lân cận như quán cafe, trung tâm thương mại, nhà sách, v.v… dể học tập, làm việc và tránh nóng.
Không vào ô tô sử dụng điều hòa và nằm ngủ. Vừa qua, tại Hải Phòng đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, người bố cùng 2 con vào ô tô, bật điều hòa ngủ để tránh nóng do mất điện. Không may, cả 3 bố con bị ngạt khí CO2 khiến con gái lớn tử vong. Người bố và con gái thứ hai bị suy hô hấp phải vào viện cấp cứu, may mắn qua khỏi.
Khánh Vy (t/h)
Hải Phòng: 3 bố con ngủ trong ô tô, con gái tử vong Do mất điện, thời tiết nóng bức, 3 bố con anh P.V.T. ở TP. Hải Phòng đã vào xe ô tô bật điều hòa ngủ. Hậu quả, con gái anh T. tử vong.