Mắt chớ nhìn ác sắc, tai chớ nghe ác thanh

Chia sẻ Facebook
14/10/2022 12:00:26

Thanh và sắc là những thứ dễ dàng làm nhiễu loạn tâm trí con người. Người ham mê thanh sắc chính là đang chiêu mời họa diệt quốc hại thân. Bởi vậy, các bậc thánh hiền, người sáng suốt thời xưa luôn cự tuyệt những điều này. Hết thảy những điều không hợp lễ thì không xem, không nghe. Giữ thân như giữ ngọc, rời xa điều ác là đạo của bậc thánh hiền xưa.


Sách “Đạo Đức Kinh” viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng”, ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi. Nói cách khác, quá độ say mê một điều gì đó không chỉ riêng âm nhạc, thanh sắc hay ẩm thực đều sẽ khiến người ta mất đi hòa khí, thanh tỉnh và không thể cảm nhận được vị chân thực trong đó nữa.

(Họa sĩ: Hua Yan, Wikipedia, 1732, Public Domain)

Lão Tử nhận thức về đạo lý vật cực tất phản, ông nhấn mạnh rằng phàm mọi việc đều nên có độ, có chừng có mực. Đồng thời câu nói của Lão Tử cũng cảnh tỉnh con người phải phòng ngừa khi tai họa chưa xảy ra, không nên để tâm bị mê cuồng vào một thứ nào đó. Đối với âm, đối với nhạc, hay thanh sắc đều phải thận trọng và khắc chế nhiều hơn.


Trong sách “Luận Ngữ” viết rằng, khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về vấn đề thống trị đất nước. Khổng Tử nói rằng phải bỏ đi âm nhạc của nước Trịnh. Âm nhạc của nước Trịnh chứa đầy tà âm, đồi trụy. Loại âm nhạc này khiến cho nam nhân bị trầm mê trong sự hấp dẫn của mỹ sắc, từ đó làm bại hoại tính cách và đạo đức.


Trong “Lễ Ký. Nhạc ký” ghi rằng Ngụy Văn Hầu không thích nghe nhạc cổ, dù ngồi ngay ngắn nghe cũng không hiểu nhưng lại thích nghe nhạc của nước Trịnh và nước Vệ. Khi ông nằm trên giường nghe loại nhạc ấy thì trong lòng thấy hứng thú dạt dào. Đường Huyền Tông không thích nghe tiếng cổ cầm mà lại thích nghe tiếng trống Hạt của dân tộc khác truyền đến. Ông thấy rằng tiếng trống Hạt khuấy động có thể trừ bỏ đi những phiền muộn trong lòng mình. Hai vị quân chủ này không thích nghe nhã nhạc thánh triết cổ đại mà thích nghe loại âm nhạc thô tục phóng túng nên trở thành trò cười cho hậu nhân.


Trong sách “Thiên bảo di sự” viết rằng: Thời nhà Đường, sau khi Đường Minh Hoàng sáng tác ca khúc “Nghê thường vũ y khúc” thì huấn luyện các cung nữ vừa múa vừa hát để giải trí. Nhưng dần dần ông lại vì thế mà bỏ bê việc triều chính, dẫn đến xảy ra Loạn An Sử. Trong sử sách ghi lại, thời nhà Trần, Trần Hậu Chủ cùng với quần thần thường xuyên ở hậu đình uống rượu nghe nhạc mua vui. Các phi tần trong hậu cung và khách nhân cùng nhau ca hát khúc nhạc “Ngọc thụ hậu đình hoa”. Cứ như thế, cả vua và quần thần đều sa đà vào ca múa hưởng thụ, việc triều chính bị buông lơi nên cuối cùng bị mất nước. Hai vị quân chủ này đã say sưa trong niềm vui ca hát và nhảy múa mà không biết rằng trong đó đang ẩn náu tai họa nước mất nhà tan.


Một trường hợp khác là Thạch Sùng, vị quan nổi tiếng xa hoa thời Tây Tấn đã lợi dụng chức quyền, tích góp tài vật, tiêu tiền như nước và sa vào thanh sắc khuyển mã. Ông ta sống trong vinh hoa phú quý, bỏ tiền ra mua các cô gái đẹp về ca hát nhảy múa. Kết quả vì say mê thanh sắc mà không chỉ bản thân bị xử trảm còn làm hại đến cha mẹ, vợ con. Người đời sau gọi đây là “yêu khúc vị tẫn, tử kỳ dĩ đáo” (khúc mê hoặc chưa hết mà cái chết đã đến rồi).


Bá Di được người đời ca ngợi là người thanh cao trong bậc thánh nhân. Khi nói về Bá Di, sách “Mạnh Tử” viết ằng: “Bá Di mắt không nhìn ác sắc, tai không nghe ác thanh” . Bá Di là con trai trưởng của vua nước Cô Trúc, quốc gia chư hầu của nhà Thương, sau khi nhường ngai vị cho em đã đến núi Thủ Dương Sơn ở ẩn. Sau khi ở ẩn trên núi thì không ăn lương thực của nhà Chu, cuối cùng đói mà chết.

Đương thời khi Bá Di còn sống ông tuân thủ nguyên tắc, nếu không phải là bậc quân chủ lý tưởng thì ông sẽ không phò tá, nếu không phải dân chúng lý tưởng thì không dùng. Khi thiên hạ thái bình thì ra làm quan, lúc thiên hạ đại loạn thì quy về ở ẩn. Đất nước thi hành chính sách bạo ngược, nơi có bạo dân sinh sống thì Bá Di đều không muốn ở. Ông cho rằng sống chung với dân chúng không có giáo dưỡng thì cũng giống như mặc lễ phục ngồi trên bùn đất. Lúc Trụ Vương bạo ngược thống trị đất nước, ông ở ẩn bên bờ sông Bột. Bá Di chuyên tâm tu dưỡng bản thân, đây là con đường mà ông lựa chọn.

Bởi vậy, dẫu ông không phải là người ảnh hưởng tới thời cuộc, tới sự thay triều đổi đại, cũng không phải người vì sự an nguy của dân chúng, nhưng người đương thời cho rằng ai từng nghe thấy phong phạm của Bá Di thì lòng tham tự sẽ trở nên liêm khiết, ý chí yếu đuối cũng sẽ trở nên kiên định.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Âm thanh có đức mới được coi là âm nhạc chân chính


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook