Mặt bằng trong ngõ giá thuê 100 triệu đồng/tháng, khách nghe xong bỏ chạy
Những cơn sốt giá liên tục trên thị trường bất động sản không chỉ khiến việc tiếp cận nhà ở khó khăn hơn mà còn đẩy chi phí mặt bằng lên cao hơn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Bỏ chạy vì giá thuê mặt bằng quá cao
Đi tìm mặt bằng để kinh doanh đầu năm nay, chị Miên thấy vô cùng khó khăn khi giá cả leo lên một mức mới. Ưng một căn liền kề trong khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) - con đường nhỏ đi vào khu chung cư Mulberry Lane, chị gọi điện hỏi thì nghe chủ nhà báo giá 100 triệu đồng/tháng cho diện tích sàn khoảng 140 m2, 3 tầng.
Với mức giá thuê như trên, sau khi cân đối các chi phí cùng biên lợi nhuận, chị chắc chắn không thể duy trì được lâu và khả năng lỗ rất cao. Theo tính toán ban đầu của chị Miên, việc tiếp cận các mặt bằng trong ngõ nhỏ một chút nhưng đổi lại giá cả sẽ "nhẹ nhàng". Tuy nhiên thực tế thì không như vậy, qua tham khảo nhiều nơi, chị Miên thấy giá mặt bằng hiện nay nhiều chỗ cao "vô lý". Việc giá thuê quá cao khiến cho nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận cũng như duy trì hoạt động sau thuê. Trong khi đó, nhiều chủ nhà không cho thuê được giá cao, chấp nhận bỏ không.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều shophouse mặt đường khu Tố Hữu, Hà Đông hiện còn bỏ trống khá nhiều. Giá cho thuê mỗi căn shophouse ở đây dao động từ 80-100 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Diện tích phổ biến ở mức 80 m2, từ 3 đến 5 sàn.
Nói với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết thời gian qua giá bất động sản tăng cao nhanh chóng một cách bất thường chính là sự tích tụ "bong bóng". Một vấn đề quan trọng, theo ông Võ, khi giá cứ cao như vậy, việc tiếp cận sử dụng đất đai, mặt bằng sau đó của người muốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê quá cao. "Mua đắt thì tất nhiên khi cho thuê cũng phải đắt", ông Võ nói.
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cũng đầy lo ngại khi nhắc tới việc giá bất động sản tăng quá mạnh hiện nay. Theo ông Lâm, khi giá bán bất động sản bị đẩy lên quá cao thì kéo theo sau đó là hệ lụy đối với việc sản xuất kinh doanh vì chi phí thuê mặt bằng quá lớn.
Chi phí mặt bằng chiếm rất lớn, đã vậy còn tăng cao sau đại dịch
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành chuỗi Nón Sơn - cho biết, chi phí mặt bằng hiện nay chiếm khá lớn đối với một hệ thống bán lẻ, khoảng 38-40% tổng chi phí.
Cũng gặp phải khó khăn với bài toán mặt bằng, giám đốc một công ty bán lẻ thời trang cho biết, dù đã có gần chục cửa hàng nhưng chưa dám nghĩ đến việc đưa thương hiệu của mình vào những nơi có vị trí đắc địa để mở chi nhánh vì khó gánh được khoản kinh phí mặt bằng khổng lồ.
Còn chị N.T.N - chủ một cửa hàng có mặt bằng là đế chung cư khu đô thị Dương Nội kể, việc kinh doanh vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn vị quản lý đã không giảm giá, lại còn tăng tới hơn 60%, bắt đầu từ 1/4 tới đây.
"Mức tăng choáng váng, trong khi giá trước đó đã cao rồi. Tôi đang băn khoăn không biết làm thế nào, thuê tiếp thì lo chi phí mặt bằng sẽ "ngốn" hết lời lãi, còn không thuê nữa lại lo mất khách, không biết tìm mặt bằng ở đâu", chị N.T.N tâm sự.
Mới đây, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực start up, đồng thời là nhà sáng lập một chuỗi không gian làm việc nổi tiếng ở Hà Nội đã chia sẻ sự trăn trở của anh về tốc độ tăng giá bán bất động sản "chóng mặt" thời gian qua. Theo đó, năm 2018, một căn nhà cạnh nhà anh được rao bán với giá 32 tỷ đồng nhưng vừa qua, ngôi nhà được bán 43 tỷ đồng.
"Có một điều mình luôn thắc mắc là trong 3 năm vừa rồi phố nhà mình vẫn y nguyên, không có một cái gì thay đổi, thành phố cũng ko làm gì mới trong khu vực này, không đường mới, không hạ tầng mới, vậy tại sao miếng đất đó lại tăng đến hơn chục tỷ đồng", anh tỏ ra băn khoăn.
Theo vị này, khi bất động sản tăng giá phi mã mà không do một ai xây dựng thêm một giá trị gì vào nó thì "thực sự nguy hiểm". Nhiều người "ngợp" và lao theo cơn sốt bất động sản thì "giá đất" ngày càng phi mã mặc dù giá trị thì vẫn nguyên xi.
"Thế có nghĩa là gì? Có nghĩa là các bạn đang lấy đi cơ hội của chính mình và con cháu mình trong tương lai. Con cháu bạn có thể sẽ trở thành Steve Jobs, làm ra được những thứ như Apple trong tương lai nếu mảnh đất dùng làm nhà máy sản xuất chỉ có 100 tỷ đồng. Nhưng bạn đã góp phần vào việc đẩy giá nó lên đến 1.000 tỷ đồng mất rồi. Và thế là sẽ không còn làm nhà máy được nữa vì giá thành sản xuất sẽ rất cao, sản phẩm tạo ra không cạnh tranh được", vị doanh nhân bùi ngùi.
Vị doanh nhân cho rằng hạ tầng là cái cần phải làm để xã hội phát triển, khi hạ tầng được nâng cấp thì giá trị sử dụng đất sẽ lên, mọi người có thể tạo ra nhiều giá trị trên mảnh đất đó hơn. Còn việc kinh doanh bất động sản rồi nâng giá đất kiếm lời thì sẽ tước đi cơ hội của tương lai.
Thực tế ngay cả khi chưa trải qua đợt sốt giá cao ngất ngưởng năm 2020-2021 thì giá mặt bằng Việt Nam đã được đánh giá ở mức đắt đỏ trên thế giới. Tại ấn phẩm Main Streets Across the World (Những đường phố đắt đỏ nhất thế giới) của Cushman & Wakefield từng công bố vào cuối năm 2019 cho thấy giá mặt bằng ở TPHCM (Việt Nam) còn cao hơn Bangkok (Thái Lan) và Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE).
(Theo Dân trí)