Mất 2 năm để học nói, 60 năm để học cách im lặng: Tài năng bậc nhất của một người nằm ở sự trầm lắng
Trầm tĩnh và ít nói cũng có những chiến thuật riêng để thành công trong thế giới yêu cầu mỗi người phải liên tục kết nối, giao tiếp, chứng tỏ mình và thu hút sự chú ý.
Trong xã hội, có những người hướng ngoại nạp năng lượng thông qua sự tương tác với người khác, cũng có những người hướng nội tìm thấy năng lượng từ bên trong. Có người thích nói cười và kết nối, có người lại trầm tĩnh và dè dặt.
Nhưng không phải lúc nào trầm lắng cũng là thiệt thòi. Khi học được những điều tinh túy từ sự im lặng, họ vẫn có những chiến thuật riêng để thành công trong một thế giới đòi hỏi người ta liên tục kết nối, giao tiếp, chứng tỏ mình và thu hút sự chú ý.
Dưới đây là 5 phương thức giúp gia tăng sức mạnh của sự trầm lắng, do tác giả Jennifer Kahnweiler chia sẻ.
1. Thêm “khoảng lắng” vào thời gian biểu
“Đôi khi bạn cần thời gian yên tĩnh một mình để khi ở với mọi người, bạn thật sự có mặt và sống trọn vẹn”, tiến sĩ, diễn giả Jennifer Kahnweiler đưa ra lời khuyên.
Các “khoảng lắng” có vai trò thiết yếu như nguồn sạc pin, và họ cần chủ động thêm vào lịch trình của mình, chẳng hạn như những khoảng thời gian không tương tác với người khác.
Jennifer Kahnweiler dẫn ra nhiều ví dụ chân thật trong cuốn sách. Như nhà văn Wally Bock, người dành ba tiếng đồng hồ mỗi sáng để viết và trong thời gian đó, ông không rời khỏi bàn làm việc, cũng không tiếp xúc với ai.
Nếu bạn là một nhà quản lý, một nhân viên bán hàng, với công việc đòi hỏi sự giao tiếp thường xuyên, lời khuyên của Jennifer Kahnweiler là hãy tạo ra những khoảng thời gian tĩnh lặng nho nhỏ trong ngày, bằng cách dậy sớm hơn, hoặc ăn trưa, ăn tối một mình.
David, quản lý của một công ty phần mềm, nói rằng anh luôn ăn tối một mình vào những ngày đã dành nhiều thời gian gặp gỡ. Bằng cách đặt một quyển sách trước mặt, David ngăn được những vị khách tiếp theo có thể ghé qua.
2. Cẩn trọng với ánh sáng và tiếng ồn
Khi cần thời gian tĩnh lắng, hãy chọn ánh sáng dịu, bật những âm thanh tự nhiên (như tiếng mưa, gió thổi, tiếng thác đổ…) để tạo bầu không khí thanh bình.
Bên cạnh đó, hãy đặc biệt chú ý đến các thiết bị điện tử. Sự gián đoạn gây ra từ mạng xã hội, thông báo điện thoại, màn hình máy tính… có thể khiến chúng ta dễ cảm thấy phân tâm và mệt mỏi khủng khiếp. Nhiều người thậm chí còn có thói quen tắt nguồn điện thoại khi họ cần nghỉ ngơi.
3. Biến bạn bè thành “đồng minh”
Nhiều người có bản tính khiêm nhường, ít nói, ít quảng giao, không giỏi thu hút sự chú ý nên khó giành ưu thế trong những vụ thương thuyết hay đàm phán. Tuy vậy họ vẫn sẽ đạt được thành công nếu nhờ đến “đồng minh” - “một người phù hợp và xuất hiện đúng thời điểm - để tác động đến ai đó”, theo Jennifer.
Nhiều dẫn chứng độc đáo được đưa ra trong “Sức mạnh của sự trầm lắng”. Chẳng hạn, để sở hữu được bản quyền của bộ ba tác phẩm rất ăn khách “Đấu trường sinh tử” (“Hunger Games”), nhà sản xuất Nina Jacobson đã phải giành được lòng tin của nhà văn Suzanne Collins.
Ngoài việc dành rất nhiều thời gian tự mình liên lạc và trao đổi trực tiếp với Collins qua điện thoại, Jacobson đã thành công sau khi nhờ một người bạn chung của hai người là đạo diễn Peter Hedges đứng ra bảo đảm cho mình.
Đôi khi, chúng ta cần một người bạn bên cạnh - một người đã hiểu rõ năng lực và giá trị của mình, để giúp mình cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong những tình huống nhiều áp lực.
Doug Conant, cựu chủ tịch một công ty thực phẩm, thường ghé thăm trước các địa điểm diễn ra cuộc họp và dẫn theo một người bạn. Conant gọi người bạn đó là “người bạn cảm ứng”, người giúp ông cảm thấy thoải mái đồng thời tập trung vào mục đích trước mắt.
4. Hiểu “vũ khí” của mình khi giao tiếp
Ben, quản lý của một cửa hàng bách hóa, nhận thấy mọi người thường bộc bạch cho anh nhiều thông tin quý giá mỗi khi họ thấy anh… chẳng nói gì.
“Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng công cụ tác động đến người khác mạnh mẽ nhất chính là sự im lặng”, Jennifer Kahnweiler viết, “Chẳng hạn như một người đang có những quyết định sai, nếu được trò chuyện với một người mà người kia chỉ cần im lặng lắng nghe thôi thì bản thân người chia sẻ về quyết định đó sau cùng cũng sẽ tự nhận ra vấn đề của mình”.
Bên cạnh đó, người yên lặng thường có thêm những “vũ khí” đắc lực khác khi giao tiếp: khả năng lắng nghe và quan sát; trò chuyện có chiều sâu. Theo Jennifer, chỉ thông qua việc lắng nghe không phán xét, không chăm chăm cướp lời đối phương… họ khiến người đối diện cảm thấy được quan tâm, tôn trọng.
Những cuộc trò chuyện của họ không hề hời hợt, mà rất có trọng tâm, sâu sắc và có chủ đích. Và đôi khi, chỉ một cuộc nói chuyện như vậy đã tạo nên những ảnh hưởng lớn lao với mọi người xung quanh.
5. Không né tránh
Theo Jennifer, những người hướng nội thành công đều hiểu rõ rằng giao tiếp, tương tác và giải quyết xung đột là những phạm trù không thể né tránh trong công việc và cuộc sống. Dù thích ở một mình, họ cũng biết rằng việc dành quá nhiều thời gian sống với thế giới nội tâm có thể sẽ phản tác dụng.
Dù có tính cách như thế nào, bạn chỉ có thể thành công khi biết rằng mình cần vượt ra khỏi vùng an toàn, bước ra ngoài, kết nối, nắm lấy cơ hội, đối diện với xung đột hay giải quyết vấn đề.