Mark Zuckerberg vừa cho mình lý do để bị ‘sờ gáy’
Meta khả năng cao sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật chống độc quyền sắp tới của Liên minh Châu Âu.
Sau tất cả những khó khăn mà Meta phải đối mặt, từ doanh thu quảng cáo thâm hụt đến các khoản đầu tư rủi ro vào metaverse, tập đoàn này đang khá may mắn khi không bị cơ quan quản lý quyền riêng tư “sờ gáy”, theo Bloomberg.
Được biết Meta đã tránh được khoản tiền phạt bất lợi nhất theo chính sách quyền riêng tư của Châu Âu, được gọi là Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), ngay cả khi đã “bỏ túi” hàng tỷ USD từ việc trở thành bộ xử lý dữ liệu cá nhân lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, may mắn này có vẻ sẽ sớm mất đi do Meta khả năng cao sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật chống độc quyền sắp tới của Liên minh Châu Âu: luật cấm kết hợp và tái sử dụng dữ liệu.
Được biết từ năm 2018, Facebook trở thành “phép thử” đầu tiên cho Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU khi giới chức Ireland tuyên bố mở cuộc điều tra vụ xâm phạm ảnh hưởng đến 50 triệu người dùng Facebook. Cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 12/2018 và xem xét nhiều báo cáo rò rỉ của Facebook, trong đó có lỗ hổng phần mềm cho phép nhà phát triển bên ngoài xem ảnh hàng triệu người dùng.
Trong vụ kiện gần đây liên quan đến bê bối Cambridge Analytica của Facebook, công ty mẹ Meta đã không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin 149 hệ thống dữ liệu nội bộ. Phía toà án khi đó muốn biết chi tiết chức năng của các hệ thống và cách chúng được các đơn vị kinh doanh trong Meta tận dụng.
“Bằng chứng cho thấy Mark Zuckerberg có liên quan mật thiết đến việc Facebook không bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng trong vụ Cambridge Analytica. Những vi phạm về bảo mật chưa từng có tiền lệ này đã khiến hàng chục triệu thông tin người dùng bị rò rỉ. Ngoài ra, các chính sách của Mark Zuckerberg cũng tạo điều kiện để trang mạng xã hội này đánh lừa người dùng trước những hành vi sai trái’’, Bộ trưởng Tư pháp Karl Racine nêu quan điểm về bê bối Cambridge Analytica. “Với tư cách là Giám đốc điều hành, Zuckerberg có quyền kiểm soát các hành vi thương mại lừa đảo và phải minh bạch với người dùng về những việc làm sai trái của mình’’.
Đáp lại, Meta cho biết mình không thể tiết lộ thông tin, hay nói cách khác, kỹ sư của tập đoàn này không nắm rõ toàn bộ dữ liệu người dùng. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra trong 2 năm tới, Meta có thể gặp rắc rối nghiêm trọng với các cơ quan quản lý châu Âu.
Với Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA), EU cấm các nền tảng internet lớn như Facebook kết hợp sử dụng lại dữ liệu hoặc dùng dữ liệu của bộ phận này để hỗ trợ bộ phận kia. Mục tiêu để ngăn các doanh nghiệp quảng cáo độc quyền và giảm tính cạnh tranh đối với các công ty nhỏ mới ra nhập thị trường. DMA, có hiệu lực từ ngày 1/11 và chính thức được áp dụng từ ngày 2/5/2023, về cơ bản còn có thể thúc đẩy nỗ lực bảo mật của EU trong việc chống lại các Big Tech.
Trước nhiều nghi ngại, đại diện phát ngôn của Meta, Andy Stone, cho biết công ty này đang thực hiện “các khoản đầu tư đáng kể để đáp ứng cam kết và nghĩa vụ về quyền riêng tư, bao gồm cả việc kiểm soát dữ liệu rộng rãi”. Ông nói thêm rằng Meta sẽ hợp tác với các cơ quan quản lý châu Âu để tuân thủ các quy tắc mới.
Trong khi đó, Johnny Ryan, thành viên cao cấp của Hội đồng Tự do Dân sự Ailen, đã nghiên cứu các tài liệu của tòa án. Theo ông, những tài liệu này cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách Facebook xử lý dữ liệu, từ đó tạo cơ sở để ông gửi lá thư cảnh báo tới Giám đốc chống độc quyền EU Margrethe Vestager.
“Dữ liệu miễn phí cho tất cả của Meta khiến gã khổng lồ công nghệ này không thể tuân thủ DMA”, Johnny Ryan nói.
Tất nhiên, Meta vẫn còn thời gian để sắp xếp lại mọi thứ. Được biết, các công ty không tuân thủ 22 quy tắc ứng xử 3 của DMA sẽ phải đối mặt với các hình phạt tài chính lớn, cụ thể là 10% doanh thu toàn cầu trong lần vi phạm đầu tiên và 20% nếu tái phạm.
Có lẽ là dễ hiểu khi một công ty có quy mô lớn như Meta không thể nắm rõ thông tin người dùng. Tài liệu đệ trình trong phiên tòa liệt kê hàng loạt hệ thống dữ liệu khác nhau của Meta, chẳng hạn như Hive, TAO (The Associated Objects), FB Learner và F3 (Facebook Feature Framework).
Theo Ryan, chúng đóng một vai trò phức tạp chứ không đơn thuần chỉ là cơ sở dữ liệu. Phức tạp đến nỗi một kỹ sư trích dẫn tài liệu của tòa án cho biết đó là thứ con người khó có thể hiểu được. Cũng theo đại diện Meta, “không một kỹ sư nào trong công ty có thể trả lời mọi câu hỏi về thông tin người dùng”.
Theo Anne Witt, một học giả chống độc quyền thuộc Trường Kinh doanh EDHEC, cách tiếp cận vấn đề của Ryan cũng giống cách tiếp cận của các cơ quan quản lý chống độc quyền Đức - những người hồi năm 2019 đã sử dụng luật cạnh tranh để ngăn Facebook áp đặt các điều khoản thu thập dữ liệu quá mức đối với người dùng.
Dĩ nhiên, các nền tảng trực tuyến lớn như Facebook và Google được cho là sẽ phản đối việc EU tự coi mình là “người gác cổng”. Các kháng cáo có thể tiếp tục trì hoãn việc triển khai DMA.
Nếu Facebook mất một phần đáng kể thị phần quảng cáo và tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm doanh số do chính sách cập nhật quyền riêng tư của Apple, tập đoàn này sẽ có cớ lập luận rằng, bản thân nó không chiếm ưu thế như EU nghĩ. Đây được cho là lợi thế nhỏ giúp Meta đối phó với những quy định chặt chẽ sau này.
Theo: Bloomberg, CNN
Vũ Anh