Mập mờ “tận thu” khoáng sản

Chia sẻ Facebook
16/08/2022 12:56:18

Tận thu khoáng sản là việc làm cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một khi thiếu minh bạch, thiếu giám sát đây lại là "cơ hội" để các doanh nghiệp lợi dụng.


Người dân trên lưu vực sông La Ngà đã quá quen thuộc với hình ảnh tàu chạy hút cát sát mép đất - những hình ảnh luôn khiến họ phải sống trong cảnh bất an và chua xót.

Đất nông nghiệp bị sụt lún, cây cao su mà những người như Hội (xã Gia An, Tánh Linh, Bình Thuận ) tốn công vun trồng cứ trôi dần theo con nước.

Những gì diễn ra ở xã Gia An cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương có sông La Ngà chảy qua.

Doanh nghiệp Thuận Phong có đến 3 bãi tập kết ở xã La Ngâu. Được cấp phép nghĩa là thông tin hoạt động cần phải minh bạch, được giám sát theo luật khoáng sản và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, không dễ để đặt chân vào bãi tập kết cát.

Luôn bị chặn ngay tuyến đường ra vào, phóng viên chỉ còn cách cải trang thành người đi câu để tiếp cận mỏ cát. Và thực tế đã lý giải vì sao người trong các bãi tập kết này tìm đủ mọi cách để xua đuổi phóng viên.

Không có trạm cân, cũng chẳng lưu trữ dữ liệu hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát, thế nên việc thống kê khối lượng cát mà doanh nghiệp này khai thác mỗi ngày chẳng khác gì một bài toán khó.

Phát hiện phóng viên đang tác nghiệp trên đường dân sinh gần kề, người của mỏ cát lập tức tổ chức bao vây, chặn xe, hăm dọa và liên tục yêu cầu phải gặp lãnh đạo xã. Nhưng dưới đây là câu trả lời của người đứng đầu chính quyền La Ngâu.

"Mình quản lý hành chính chung thôi, còn cán bộ địa chính xây dựng thì tham mưu, khoáng sản tất cả hồ sơ thì anh đó lưu, nhưng hiện anh đang đi vắng", ông Đặng Công Khanh - Chủ tịch UBND xã La Ngâu, Tánh Linh, Bình Thuận nói.

Trong khi ở đầu nguồn La Ngà, hoạt động khai thác cát tùy tiện, sai quy định pháp luật vẫn đang diễn ra thì ở cuối nguồn, chính quyền xã Gia An đang tìm mọi cách để giúp người dân giảm bớt thiệt hại do hoạt động khai thác cát có phép để lại.

Theo Nghị định 23 về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông của Chính phủ, việc khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả cát, sỏi ở lòng hồ, cửa sông phải lắp đặt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; đồng thời phải lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi.

Phóng viên VTV đã cố gắng liên hệ các cơ quan chức năng của huyện Tánh Linh để nắm thêm thông tin về việc thực hiện Luật khoáng sản trên địa bàn nhưng đều bị từ chối.

Chia sẻ Facebook