Mạo hiểm 'gap year': 'Đó là những bạn trẻ tự quyết kém và vô trách nhiệm!'
Trong những năm gần đây Gap Year (một năm trì hoãn) để nhìn thấy đam mê đích thực đang là một trong những xu hướng quen thuộc với các bạn trẻ mà nhiều bạn trẻ sẵn sàng đánh đổi 1 năm để xác định tiếo mục tiêu cho tương lai.
Liên quan đến trào lưu 'gap year' của giới trẻ, PV Infonet đã có cuộc trao đổi cùng PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội):
Hiện nay một số bạn trẻ vào đại học nhưng vẫn hoang mang không rõ mình hợp với ngành nghề nào. Các bạn này quyết định bỏ 1 năm theo trào lưu "gap year" để xác định lại mục tiêu. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
Rõ ràng trì hoãn một năm là bạn trẻ quyết định chưa thông minh. Tôi cho rằng, bố mẹ và thầy cô phải là người giúp học sinh đưa ra những lựa chọn dựa trên sở trường của chính các em.
Để xác định nghề nghiệp phù hợp với năng lực thì khi chọn ngành, bạn trẻ phải xem kỹ ngành đó trong bản mô tả của các trường đại học công bố trên websiite của trường. Các bạn trẻ phải xem sau khi tốt nghiệp chương trình đó thì mình có thể làm ở những vị trí việc làm nào...
Ngoài ra, bạn trẻ cũng nên xem học xong chương trình đó khi tốt nghiệp thì có được năng lực và chuẩn đầu ra nào, nếu chưa xác định được đam mê thì phải chọn chương trình nào đó mà ở đó tất cả các năng lực chung về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tư duy phản biện cũng như khởi nghiệp, 4.0... phải có để ít nhất các bạn học năm đầu tiên chưa đi vào chuyên ngành nhưng đã có kỹ năng chung chứ không thể nói học xong 1 năm mà không thu được gì.
Tôi nghĩ rằng, không chọn được nghề là thế mạnh của mình thì cũng đừng chọn những ngành mà chắc chắn khi làm việc bạn sẽ gặp khó khăn, ví như không biết vẽ mà lại chọn ngành kiến trúc hay liên quan đến mỹ thuật là khó rồi.
Theo ông, bạn trẻ nên chọn nghề theo sở thích hay trào lưu?
Chúng ta không thể chọn nghề theo trào lưu được vì trào lưu chúng ta đang thấy chỉ là trào lưu ở hiện tại nhưng 4-5 năm sau khi các bạn tốt nghiệp thì nó không còn là trào lưu màu mỡ, cũng như ngành đó không còn nhu cầu nhân lực dồi dào nữa.
Chọn nghề theo trào lưu thì sự cạnh tranh của bạn sẽ rất lớn vì bạn không giỏi, không xuất sắc thì không thể có 1 vị trí công việc tốt, chưa kể thế giới của chúng ta rất bất định và mơ hồ nên có những thứ mình nghĩ là trào lưu thì nó lại không phải.
Vì thế, chọn nghề phải xác định mình được trang bị năng lực nào và năng lực đó giúp bạn thích ứng thế nào với sự biến đổi rất nhanh chóng của thị trường lao động trong thời gian tới.
Vậy làm sao để bạn trẻ xác định được sở thích nghề nghiệp của mình sau THPT?
Bố mẹ và thầy cô phải đồng hành với các em trong việc chọn nghề, và chọn nghề trong cả quá trình vì nhiều khi các bạn trẻ chỉ thích nhất thời, chưa biến thành thế mạnh để lựa chọn nghề nghiệp.
Ví như có những bạn nghĩ rằng mình thích đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều người mở mang tầm mắt nên chọn ngành du lịch nhưng khi học thì phát hiện đó không phải sở thích của mình.
Vì thế tôi nói là chọn ngành phải có sự quan sát trong thời gian dài, dựa trên bằng chứng, dựa trên tiềm năng lâu dài được quan sát theo thời gian, dựa vào bộ công cụ đánh giá khách quan để qua đó phản ánh được năng lực cũng như phẩm chất và thiên hướng nghề nghiệp của từng đứa trẻ.
Chọn nghề cũng cần những chuyên gia có kiến thức dự báo thị trường lao động cũng như dự báo thiên hướng tương lai nghề nghiệp thì mới phân tích được.
Còn phụ huynh nhiều người cũng không hiểu hết về các ngành đào tạo trong đại học nên chỉ đọc tên chương trình đã nghĩ là nó hot. Ví như nhiều phụ huynh chỉ đọc tên chương trình có từ “quản lý”, “kinh tế”, “tiền”, “tài chính” là bắt con đăng ký bằng được và không cần biết ngành đó trong trường đại học sẽ dạy con mình cái gì.
Hay có những phụ huynh cứ nghe tên ngành có từ “thông tin” là bắt con đăng ký học vì nghĩ là “công nghệ thông tin” nhưng học 2 năm mới ngã ngửa con học ngành “thông tin thư viện”. Đó là ấu trĩ và thiếu hiểu biết mà bố mẹ cần lưu ý khi định hướng nghề nghiệp cho con.
Giới trẻ có nên trải nghiệm "gap year" khi cảm thấy không phù hợp với ngành đang học?
Tôi nghĩ là tùy vào hoàn cảnh gia đình, nếu gia đình bạn là gia đình quý tộc, không cần quan tâm gì đến tiền và quỹ thời gian là vô hạn thì các bạn có thể phung phí thoải mái, thử tất cả các cơ hội xem cái gì phù hợp với mình.
Thế nhưng, một thực tế là không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy, bạn phí 1 năm thì bố mẹ của các bạn vất vả thêm 1 năm.
Thật ra những bạn không chọn được nghề ở khía cạnh nào đó cũng thể hiện đó là những bạn không có năng lực định hướng và khả năng tự quyết kém, không có cách thức ra quyết định và vô trách nhiệm với bản thân, với gia đình.
Tôi khuyến khích các bạn trong thời gian nhanh nhất phải quyết định định hướng nghề nghiệp trong tương lai và phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.
Vì vậy, hãy dành một khoảng lặng thời gian để hiểu mình, hiểu thế giới nghề nghiệp, hiểu các xu hướng nghề nghiệp và ra quyết định sớm nhất.
Thời gian này mà các bạn lớp 12 năm nay mới nghĩ đến hướng nghiệp thì cũng hơi muộn nhưng các bạn hãy hình dung xem sau này mình muốn trở thành người thế nào, mình muốn làm việc trong môi trường nào để thu hẹp lại hướng ngành nghề các bạn mong muốn học tập.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh