Mạo danh VTV, quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Những hình ảnh gắn logo VTV nhưng rất nhiều video trên mạng là mạo danh, quảng cáo trá hình để lừa người tiêu dùng như clip quảng cáo thực phẩm chức năng Cát Vượng Hoàn.
Thời gian gần đây, VTV liên tục phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ, lương y; thậm chí có cả những câu lạc bộ diễn viên quần chúng chuyên đóng giả bệnh nhân; để lừa bán thực phẩm chức năng.
Dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên đến mức giả mạo cả chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam để đánh lừa người bệnh.
Một phóng sự quảng cáo loại thực phẩm chức năng có tên Cát Vượng Hoàn được đưa lên nhiều trang mạng xã hội. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ những phóng sự này được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam vì có gắn logo ở góc màn hình nhưng thực tế clip này hoàn toàn không phải do VTV sản xuất. Nhân vật thần y trong phóng sự giả mạo này là ông Bùi Xuân Hải, ở Vị Xuyên (Hà Giang) được thổi phồng với khả năng chữa khỏi tất cả các loại bệnh viêm mũi, viêm xoang.
Giống như các thần y lừa đảo khác từng bị vạch trần, trước ông kính máy quay VTV, ông Hải thừa nhận chẳng khám chữa, cũng không có bài thuốc gì. Tất cả đều do một công ty ở Hà Nội dựng lên để đánh lừa người dân, nhằm bán loại thực phẩm chức năng Cát Vượng Hoàn.
Tất nhiên, người xem thì không thể nào biết lương y Hải và tất cả những nhân vật xuất hiện trong phóng sự giả mạo này đều chỉ là diễn viên. Chính vì thế, nên dù không có bệnh, những người này vẫn cố diễn như thật nhằm tiếp tay cho những đối tượng gian thương.
Thực tế cũng có không ít người tìm đến ông Hải nhưng không phải khám chữa gì mà là để… bắt đền vì tiền mất, tật mang.
Thực phẩm chức năng nhưng lại thổi phồng lên như thần dược để bán với giá gần 800.000 đồng/hộp. Dù liên tục bị vạch trần nhưng những đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn dựng lên hết thần y này đến lương y khác vẫn được dựng lên nhằm bòn rút những đồng tiền cuối cùng của người bệnh.
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã khẳng định ông Hải không phải lương y, không có bài thuốc gia truyền, không có cơ sở khám chữa bệnh. Dù mức xử phạt cho hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến hơn 50 triệu đồng và chỉ trong vòng vài tháng qua, đã có hàng chục đơn vị sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt. Tuy nhiên, số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận khổng lồ mang lại từ việc rao bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.