Mansa Musa: Người đưa Đế chế Mali đến thời kỳ cực thịnh

Chia sẻ Facebook
13/09/2022 07:43:27

Mansa Musa là vị Vua đưa Đế chế Mali đến thời cực thịnh, biến Timbuktu thành trung tâm nghiên cứu, văn hóa và thương mại lớn của thế giới. Thời kỳ này, dân chúng Mali giàu có và sung túc, biên giới mở rộng bao trùm 9 quốc gia Tây phi ngày nay.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Vua Mansa Musa và cuộc hành hương đến Thánh địa Mecca

Năm 1312, Mansa Musa lên ngôi Vua của Đế chế Mali ở Tây phi. Ông lên ngôi sau khi anh trai, cũng là quốc vương đời trước, đi thám hiểm Đại Tây dương và mãi mãi không trở về. Học giả người Ả Rập Ai Cập Al-Umari đã ghi chép lời của Mansa Musa như sau:

Tiên đế không chịu tin chuyện đến nơi tận cùng của Đại dương bao quanh đất liền là điều bất khả thi. Người ấp ủ đến được đó và đã theo đuổi kế hoạch của mình. Do vậy, người chuẩn bị 200 tàu chở đầy người, nhiều chiếc khác chở đầy vàng, nước và thực phẩm dự trữ đủ để dùng trong mấy năm liền. Người lệnh cho các thuyền trưởng của mình không được quay trở lại trước khi đến được tận cùng của đại dương hay trước khi hết nước uống và nguồn lương thực dự trữ cạn kiệt. Và họ đã khởi hành như thế. Họ đã vắng mặt trong một thời gian dài và cuối cùng chỉ một con tàu quay trở lại. Khi được tiên đế hỏi, viên thuyền trưởng trả lời:

“Muôn tâu, chúng tôi đã đi rất lâu cho tới khi nhìn thấy một con sông lớn chảy xiết ở giữa Đại dương. Tàu của tôi là chiếc cuối cùng, tất cả những con tàu đi trước tôi, họ đều đã chết đuối trong một xoáy nước lớn và không bao giờ có thể thoát ra được. Tôi đã lệnh cho thuyền của mình dương buồm thoát khỏi nơi này”.

Tuy nhiên, tiên đế đã không tin ông ta. Người tập hợp hai nghìn tàu bè để trang bị cho người và binh lính của người, thêm một nghìn chiếc khác để chở nước và lương thực. Sau đó, người đã giao quyền điều hành triều chính trong thời gian mà người vắng mặt cho tôi. Và người đã ra đi mà không quay trở lại.


(Theo “Lịch sử Hồi giáo” )


Mansa Musa được biết đến là một vị Vua giàu có, của cải có được từ 3 mỏ vàng và muối ở Tây phi, tờ Times mô tả rằng Muasa “giàu hơn những gì người ta có thể nghĩ đến”.

Theo nhà nghiên cứu thì vua Mansa Musa tin vào đạo Hồi và cho rằng đạo Hồi chính là cửa ngõ để vào thế giới văn hóa của vùng Đông Địa Trung Hải. Vì thế mà Vua ra sức phát trển đạo Hồi.

Năm 1324, vua Mansa Musa thực hiện chuyến hành hương đến Thánh địa Mecca và gây được tiếng vang lớn nhất trong thời gian trị vì của mình.

Quãng đường từ Mali đến Thánh địa Mecca dài khoảng 6.000 km. Cuộc hành hương này diễn ra trong thời gian 1 năm từ 1324 đến 1325, vua Mansa Musa tiêu xài xa hoa phung phí trong cuộc hành hương này. Nhà Vua chọn đến 60.000 ngàn người đi theo mình trong đó có 12.000 nô lệ khuân vác đồ cùng 500 sứ giả. Tất cả đều mặc trang phục lụa Ba Tư sang trọng, gấm thêu kim tuyến và trang sức bằng vàng ròng.

Rất nhiều tài liệu ghi chép về chuyến đi này, từ nhật ký cho đến truyền miệng. Theo nhà sử học Ibn Khaldun, mỗi khi đoàn người dừng chân, nhà Vua đều thết đãi đồ ăn hiếm và lạ, 12.000 nô lệ được mặc áo choàng bằng gấm thêu kim tuyến cùng lụa Yemen, họ tặng quà cho bất cứ ai ngẫu nhiên gặp trên đường.

Khi tới Cairo (thủ đô Ai Cập), vua Mansa Musa dùng một lượng tiền vàng lớn để mua hàng, đồng thời tặng quà cho bất cứ người dân nghèo nào thấy trong thành phố. Những người Mali theo Vua rất đông, đi các nơi mua sắm, các cửa hàng và chợ ở Cairo đều tăng giá rất cao, yêu cầu phải trả bằng vàng. Số vàng những người Mali này bỏ ra rất nhiều nhưng hàng hóa vẫn thiếu, dẫn đến vàng xuống giá. Theo các nguồn sử liệu, đoàn hành hương đã tiêu tốn ở Cairo hết 12,3 tấn vàng. Khi vua Mansa Musa cùng đoàn người Mali đi khỏi, vàng ở Cairo vẫn liên tục mất giá và phải mất đến 12 năm giá vàng Ai Cập mới phục hồi.

Khi trở về vua Mansa Musa biết được thiệt hại này nên đã mua lại vàng của những người cho vay nặng lãi ở Cairo nhằm kiểm soát giá vàng nơi này. Sau này, công ty công nghệ SmartAsset.com (Mỹ) tính toán cuộc hành hương đến Mecca đã khiến giá trị vàng sụt giảm, nền kinh tế khu vực Trung Đông thiệt hại 1,5 tỷ USD.

Khi đến Thánh địa Mecca, nhà Vua đã dâng tặng 20 tấn vàng để trùng tu, nâng cấp những nhà thờ tại Thánh địa. Sau đó tại khu trung tâm của Thánh địa Mecca, tất cả các hoa văn ở cột đá đều được chạm khắc nạm vàng.

Xây dựng Mali thành vương quốc phồn vinh

Kết thúc cuộc hành hương, vua Musa trở về mang theo hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Mohammad và một nhà thơ, kiến trúc sư nổi tiếng Abu Es Haq es Saheli, đây cũng là người thiết kế nhà thờ Hồi giáo Djinguereber nổi tiếng ở Timbuktu.  Chỉ riêng về công lao thiết kế, Masa Musa đã phải trả cho Abu Es Haq es Saheli 200 kg vàng.

Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Djinguereber ở Timbuktu. (Ảnh: Edmond Fortier, Wikipedia, Public Domain)

(Ảnh: Anne and David, Flickr, CC BY-SA 4.0)

Musa cũng xây dựng nhiều nhà thờ, trường học và thư viện, trong đó có trường đại học Sankore Madsarah danh tiếng. Trường đại học này sở hữu một trong những hệ thống thư viện lớn nhất thế giới với hơn một triệu bản thảo, có nơi ăn ở cho 25.000 người.

Vua còn có các chính sách khuyến khích giáo dục và việc học tập là miễn phí. Chính vì thế mà Timbuktu trở thành trung tâm nghiên cứu thu hút nhiều học giả. Rất nhiều nhà thiên văn học, toán học và luật gia thành danh từ trường đại học ở Timbuktu.


Mali thời kỳ này rất giàu có và mức sống của người dân rất cao, “Nó đã đặt nền móng cho một nền văn minh đô thị. Trong thời kỳ đỉnh cao, Mali đã có ít nhất 400 thành phố và khu vực nội địa châu thổ sông Niger tập trung rất đông dân cư.” (Theo “African History Restored ” ).

Nhờ kiểm soát được tuyến đường giao thương quan trọng giữa Địa Trung Hải và Tây phi, Mansa Musa biến thành phố Timbuktu thành trung tâm thương mại và văn hóa. Thương nhân từ Hausaland, Ai Cập, và các vương quốc khác ở Châu Phi đến giao dịch. Sau đó các thương nhân từ Venezia, Granada và Genoa cũng đến đây giao dịch.

Tấm bản đồ Catalan Atlas của Abraham Cresques vẽ năm 1375 với vua Mansa Musa ngồi trên ngai vàng, đội vương miện vàng, tay phải cầm vương trượng bằng vàng, tay trái là quả cầu vàng. (Ảnh: Wikipdedia, Public Domain)

Trong khi châu Âu thời kỳ này phải đương đầu với nạn đói, bệnh dịch hạch và chiến tranh, thì các quốc gia châu Phi phát triển mạnh vào thời cổ trung đại với trung tâm là Timbuktu.


Giàu có, dân chúng đổ về, Mali liên tục mở rộng lãnh thổ, từ bờ biển Đại Tây Dương bao trùm một khu vực qua 9 quốc gia Tây phi ngày nay là Senegal, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Bờ Biển Ngà. Năm 1350, đế chế Mali rộng lớn với diện tích hơn 1,2 triệu km 2 .

Phạm vi Đế chế Mali (khoảng năm 1350). (Ảnh: Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Mặc dù biến Mali thành quốc gia giàu có, vua Mansa Musa lại tiêu xài hết sức phung phí, quốc khố gần như cạn kiệt. Khi Musa mất, Mali là một trung tâm văn hóa và thương mại lớn của thế giới, dân chúng rất giàu có, tuy nhiên Mali sau này không bao giờ còn có thể hùng mạnh như thời Mansa Musa trị vì.


Trần Hưng


Mời xem video:

Chia sẻ Facebook