Manh nha 'cuộc đua' phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam
Hiện mức đầu tư cho điện toán đám mây tại Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với mức đầu tư cho viễn thông
Con số trên được Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định là chưa tương xứng với yêu cầu. Để cải thiện, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế có vai trò quan trọng và hiện tại, "cuộc đua" đầu tư này đã bước đầu diễn ra.
Theo một số doanh nghiệp, trung tâm dữ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn cao là điều kiện bắt buộc để thu hút nhóm tập đoàn lớn nước ngoài tìm đến Việt Nam, góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành "digital hub" - trung tâm dịch vụ số mới của khu vực.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMC, cho biết: "Trung tâm dữ liệu thế hệ mới thể hiện ở chỗ là công suất của từng crack rất cao, mức độ đảm bảo an ninh an toàn lớn theo chuẩn quốc tế. Các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn cầu đòi hỏi những trung tâm dữ liệu như thế này mới đáp ứng được tiêu chuẩn. Điều kiện như thế này mới đủ tiêu chuẩn để các ông lớn hàng đầu như Google, Microsoft đặt dữ liệu của họ tại Việt Nam".
Ông Lê Minh Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á, nói: "Việc có các trung tâm dữ liệu hiện đại giúp chi phí cho doanh nghiệp sẽ thấp đi nhiều, tạo cảm hứng cho chuyển đổi số. Doanh nghiệp chỉ còn việc triển khai ý tưởng công nghệ trên nền tảng là xong, nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường".
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư trung tâm dữ liệu sẽ đóng góp quan trọng cho mục tiêu làm chủ thị trường điện toán đám mây - được dự báo sẽ vượt giá trị của thị trường viễn thông chỉ sau 3 năm nữa. Hiện doanh nghiệp ngoại chiếm 80% thị phần dịch vụ điện toán đám mây trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định: "Sự đầu tư của chúng ta cho điện toán đám mây là chưa tương xứng, chưa bằng 1/10 so với đầu tư cho viễn thông. Dữ liệu của Việt Nam là tài nguyên, tài sản Việt Nam thì phải được xử lý tại Việt Nam hoặc được Việt Nam cho phép. Chủ quyền số quốc gia sẽ liên quan mật thiết đến hạ tầng số Việt Nam, không có hạ tầng số thì sẽ không có chủ quyền số Việt Nam".
Giới doanh nghiệp cho rằng thách thức lớn nhất là vấn đề phát triển nhân lực để vận hành các trung tâm dữ liệu, dịch vụ số. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần thiết có các chính sách phù hợp để phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.