Mạng xã hội tràn ngập ảnh “hư cấu” do AI tạo ra

Chia sẻ Facebook
25/03/2023 09:12:25

Hình ảnh giật gân, chi tiết cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát thành phố New York bắt giữ đã tràn ngập trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những bức ảnh hư cấu này chỉ là sản phẩm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), theo tờ AP News.

Các chuyên gia cảnh báo những hình ảnh này là báo hiệu của một thực tế mới: làn sóng ảnh và video giả tràn ngập mạng xã hội sau các sự kiện tin tức lớn, làm xáo trộn giữa sự thật và hư cấu ở những thời điểm quan trọng đối với xã hội.


Giáo sư Jevin West tại Đại học Washington cho rằng những bức ảnh này cũng làm tăng mức độ hoài nghi. Ông cho biết: “Bạn bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống và thông tin mà bạn đang tiếp nhận” .

Mặc dù khả năng chỉnh sửa ảnh và tạo ảnh giả không phải là mới, nhưng các công cụ AI tạo ảnh của Midjourney, DALL-E đang ngày càng dễ sử dụng hơn. Chúng có thể nhanh chóng tạo ra những hình ảnh thực tế hoàn chỉnh với hình nền chi tiết trên quy mô lớn chỉ với một văn bản gợi ý đơn giản từ người dùng.

Midjourney trong tháng này còn được ra mắt phiên bản mới có thể chuyển văn bản thành ảnh. Nó hiện có thể tạo ra những hình ảnh bắt chước phong cách ảnh của hãng thông tấn.

Ông Eliot Higgins, người sáng lập Bellingcat – tổ chức báo chí điều tra có trụ sở tại Hà Lan, đã sử dụng phiên bản mới nhất của Midjourney để tạo ra hình ảnh hư cấu về vụ bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Trump. Những hình ảnh này được chia sẻ và thu về hàng chục nghìn lượt thích. Trong ảnh là một đám đông cảnh sát túm lấy ông Trump và kéo ông xuống vỉa hè một cách thô bạo.

Ông Higgins cho hay rằng những bức ảnh không hoàn hảo bởi trong một số ảnh, ông Trump đeo thắt lưng cảnh sát. Trong bức ảnh khác, các khuôn mặt và tay bị biến dạng rõ ràng.


Making pictures of Trump getting arrested while waiting for Trump's arrest. pic.twitter.com/4D2QQfUpLZ

— Eliot Higgins (@EliotHiggins) March 20, 2023

Dẫu bà Shirin Anlen tại tổ chức nhân quyền Witness ở New York nhận định rằng mặc dù những người dùng như ông Higgins nêu rõ trong bài đăng rằng hình ảnh do AI tạo ra và chỉ để giải trí nhưng đó là chưa đủ. Những hình ảnh hư cấu này nhanh chóng được người sử dụng mạng xã hội chia sẻ nhưng không kèm theo nội dung quan trọng đó. Một tài khoản Instagram chia sẻ hình ảnh hư cấu về cựu Tổng thống Trump của ông Higgins như thể chúng là ảnh thật và thu về hơn 79.000 lượt thích.

Chia sẻ Facebook