Máng trượt - 'phao cứu mạng' khi máy bay gặp sự cố

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:14:18

Máng trượt thoát hiểm ra đời từ hàng chục năm trước, có thể bung ra trong tình huống khẩn cấp để hành khách trượt xuống an toàn từ cửa máy bay.

Nhân viên luyện tập sơ tán khẩn cấp bằng máng trượt máy bay trong buổi khai trương cơ sở đào tạo của hãng EasyJet tại sân bay London Gatwick năm 2015. Ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg

Trong tình huống khẩn cấp trên mặt đất, các máng trượt bơm hơi có thể bung ra từ cửa máy bay, giúp hành khách nhanh chóng thoát ra an toàn. Công nghệ này xuất hiện từ đầu thời đại máy bay phản lực - những năm 1950 - nhưng có tiền thân là một giải pháp thoát hiểm đơn giản hơn nhiều.

Những chiếc máy bay chở khách đầu tiên đều có bánh đuôi và thường có cửa gần đuôi máy bay, thấp và gần mặt đất. Hành khách chỉ cần leo lên vài bậc thang, sau đó đi tới chỗ ngồi. Cabin hành khách nằm chếch lên, tiếp đến là buồng lái. Nếu cơ trưởng yêu cầu sơ tán, hành khách có thể thoát ra bằng cửa chính.

Khi các máy bay thương mại phát triển to lớn hơn, thiết kế bánh đuôi trở nên khó sử dụng khi máy bay cần chở nhiều hành khách và hàng hóa. Khi đó, máy bay với bánh mũi trình làng, cabin nằm song song với mặt đất nhưng hành khách lại cần bước lên một cầu thang dài để tới cửa trên cao. Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, họ không thể nhảy thẳng từ cabin xuống mặt đất một cách an toàn. Do đó, các chuyên gia đã phát triển một giải pháp thô sơ.

"Phương pháp sơ tán đầu tiên cho máy bay là dùng dây thừng có những nút thắt để giúp mọi người xuống khỏi cửa. Phương pháp này ra đời trước máng trượt rất lâu. Sau đó, họ nghĩ ra cách dùng mảnh vải phẳng căng ra giữa hai cánh tay. Nó cần được giữ để mọi người trượt xuống", Tony Pope, kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống sơ tán tại công ty Collins Aerospace (Mỹ), cho biết.

Những chiếc máng trượt bằng vải đơn giản đó đã phát triển thành loại máng trượt tinh vi ngày nay, được bơm phồng bằng xi-lanh khí nén nhỏ gọn. Tuy nhiên, những sợi dây thừng thắt nút vẫn nằm trong buồng lái, sẵn sàng để phi công sử dụng nếu cần thoát hiểm qua cửa sổ hoặc cửa khẩn cấp.

Collins Aerospace và công ty tiền thân Goodrich đã thiết kế và sản xuất máng trượt bơm hơi suốt nhiều thập kỷ, từ thời máy bay Boeing 747 của thập niên 60, hay còn gọi là "Nữ hoàng bầu trời". Theo Pope, trong khi vật liệu và kỹ thuật sản xuất dần cải tiến sau khi những máng trượt đầu tiên ra đời, kiểu mẫu cơ bản của máng trượt ngày nay không thay đổi nhiều.

Máng trượt - 'phao cứu mạng' khi máy bay gặp sự cố Máng trượt thoát hiểm là thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trên máy bay. Video: Collins Aerospace

Khi thiết kế máng trượt, các chuyên gia cân nhắc cẩn thận quy trình gấp nó vào trong máy bay - một quy trình tương tự như đóng gói dù. Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng phát triển một bộ quy định dành cho máng trượt, điều chỉnh dần qua thời gian dựa trên những lần triển khai máng trượt khẩn cấp.

Các quy định bao gồm mọi khía cạnh thiết kế như độ chắc chắn, tính bắt lửa và khả năng chịu nhiệt của vải, thời gian bơm phồng tối đa (từ 6 đến 10 giây) tùy thuộc vào vị trí của máng trượt. Nó phải bung ra đúng cách trong mọi điều kiện thời tiết, lạnh - 40 C hay nóng 70 độ C, trong trời mưa với lượng mưa lên đến 2,5 cm mỗi giờ và những cơn gió tốc độ 46 km/h đập vào máng trượt từ góc 45 độ xung quanh máy bay. Máy bay chở khách với cửa cao hơn mặt đất 1,8 m phải trang bị máng trượt và máy bay phản lực bay đường dài thường trang bị cả máng trượt lẫn bè cứu sinh tích hợp.

Hình dạng máy bay ảnh hưởng trực tiếp đến thiết kế của các máng trượt. Mỗi máng trượt thường là độc nhất với vị trí của nó. "Đôi khi chúng tôi có thể đặt cùng một kiểu máng trượt cho nhiều cửa, nhưng đó không phải là chuẩn mực thông thường", Pope cho biết.

Máy bay Airbus A380 hai tầng là một thách thức lớn khi có tổng cộng 16 máng trượt, mỗi tầng trang bị 8 chiếc. Các nhà thiết kế phải đảm bảo chúng hoạt động "ăn ý", các máng trượt của tầng trên và tầng dưới không gây trở ngại lẫn nhau. Không gian đặt máng trượt hạn chế cũng là điều họ đặc biệt cân nhắc.

Một máng trượt thoát hiểm của máy bay Airbus A380 (trái) và máng trượt thiết kế cho Boeing 737. Ảnh: Collins Aerospace

Khi làm việc với các nhà sản xuất máy bay, Collins Aerospace cần chứng minh toàn bộ hành khách và phi hành đoàn có thể thoát khỏi máy bay trong 90 giây hoặc ít hơn.

"Chúng tôi có bài kiểm tra về tốc độ sơ tán, trong đó cần chứng minh rằng máng trượt có thể cứu người sơ tán trong các điều kiện khác nhau, như với bậc cửa cao, bậc cửa thấp hoặc trong điều kiện đêm tối", Pope nói.

Giống như nhiều công nghệ hàng không liên quan đến an toàn, hành khách hiếm khi nhìn thấy máng trượt thoát hiểm, nhưng chúng có thể cứu sống họ khi cần. Điều này cũng mang đến động lực cho các chuyên gia tại Collins Aerospace, Pope chia sẻ.

"Tôi yêu những gì đang làm - chế tạo thiết bị an toàn. Chúng tôi không muốn thấy nó được sử dụng và ghét tình huống phải dùng đến nó. Nhưng khi thấy nó hoạt động và cho mọi người trong nhóm cùng xem, họ thấy được những gì mình làm thực sự quan trọng. Điều đó mang lại cho tất cả chúng tôi cảm giác tự hào", ông chia sẻ.


Thu Thảo (Theo CNN )

Chia sẻ Facebook