Mang thai mà mắc đậu mùa khỉ thì có sao không?
Khi các ca nhiễm đậu mùa khỉ xuất hiện làm dấy lên lo ngại về khả năng virus truyền từ mẹ bị nhiễm sang thai nhi. Cùng tìm hiểu về đậu mùa khỉ trong thai kỳ, bao gồm dấu hiệu, thuốc điều trị, tiêm phòng và chăm sóc sau sinh...
1. Bệnh đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?
Đậu mùa khỉ có thể lây truyền cho thai nhi hoặc cho trẻ sơ sinh từ mẹ bị nhiễm bệnh. Mặc dù dữ liệu liên quan đến việc nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ còn hạn chế, nhưng virus có thể truyền sang thai nhi trong khi mang thai hoặc cho trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Các trường hợp sẩy thai tự nhiên và thai chết lưu, và sinh non, cũng đã được báo cáo.
Bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa (virus Variola) nhưng ít nghiêm trọng hơn về biểu hiện và các biến chứng như xuất huyết và tử vong. Nhiễm virus Variola trong thời kỳ mang thai đã được ghi nhận là có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và nhiễm trùng bẩm sinh.
Đậu mùa khỉ ở người lây truyền qua:
Dịch tiết đường hô hấp được truyền qua khi hôn, âu yếm, quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài.
Tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bị bệnh, vảy, phát ban hoặc đồ dùng chạm vào có chất dịch của người bệnh.
Nhau thai của người mang thai bị nhiễm bệnh sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng đậu mùa khỉ trong thai kỳ
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ xuất hiện giống như ở những người không mang thai, bao gồm các triệu chứng báo trước như sốt, nhức đầu, nổi hạch, khó chịu, đau họng, ho, và phát ban. Nguyên nhân gây sốt có thể khó xác định cho đến khi phát ban xuất hiện.
Điều quan trọng là phải phân biệt chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh da liễu của thai kỳ, bao gồm các nốt ban sẩn ngứa của thai kỳ.
Vì không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu khỉ, phụ nữ mang thai nhiễm virus sẽ cần được theo dõi chặt chẽ.
Các tổn thương do bệnh đậu mùa khỉ có thể giống sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm varicella zoster hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), cần được đánh giá, phân biệt với phát ban do đậu mùa khỉ hay không.
Nên xem xét xét nghiệm chẩn đoán, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ dịch tễ học đối với nhiễm virus đậu mùa khỉ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị cần thực hiện các xét nghiệm vì các trường hợp nhiễm trùng đồng thời virus đậu mùa khỉ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã được báo cáo.
Trẻ sơ sinh có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi và các vấn đề về mắt có thể đe dọa tính mạng. Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh. Điều trị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và hỗ trợ hệ thống hô hấp và tim mạch của em bé.
3. Thuốc điều trị
3.1 Tecovirimat
Hiện vẫn chưa có một phương pháp điều trị nào được phê duyệt đặc biệt cho bệnh nhiễm trùng đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thuốc kháng virus được phát triển để sử dụng cho bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Nếu điều trị được chỉ định, tecovirimat - còn được gọi là TPOXX - nên được coi là thuốc kháng virus đầu tay cho những người mang thai, mới mang thai hoặc đang cho con bú. Tecovirimat là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa ở trẻ em và người lớn. Thuốc được cho là có hoạt tính kháng virus chống lại bệnh đậu mùa khỉ và được FDA cấp phép cho chỉ định này.
Thông tin liên quan đến tác động của tecovirimat đối với sự phát triển của bào thai và sinh sản chỉ giới hạn trong các nghiên cứu trên động vật, trong đó động vật đối tượng được dùng liều cao hơn 23 lần so với liều khuyến cáo của con người. Không có tác dụng cụ thể nào đối với thai nhi được ghi nhận, nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh hay không.
Mặc dù tecovirimat có trong sữa mẹ của động vật chủ thể, nhưng vẫn chưa biết liệu hàm lượng có đủ để điều trị đậu mùa khỉ cho trẻ đang bú mẹ hay không. Nếu được chỉ định, trẻ đang bú mẹ bị nhiễm đậu mùa khỉ nên được điều trị độc lập.
3.2 Cidofovir và brincidofovir
Cidofovir và brincidofovir được coi là liệu pháp kháng virus thay thế để điều trị nhiễm đậu mùa khỉ, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy bằng chứng về khả năng có thể gây quái thai vì vậy không nên sử dụng để điều trị trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Sự hiện diện của cidofovir và brincidofovir trong sữa mẹ cũng chưa được nghiên cứu rõ, do đó, cũng nên tránh dùng cho người đang cho con bú, tránh trường hợp phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ đang bú mẹ.
3.3 Vaccinia Immune Globulin tiêm tĩnh mạch (VIVIG)
Hiện có rất ít dữ liệu về việc liệu VIVIG có thể gây hại cho thai nhi trong thời kỳ mang thai hoặc về khả năng sinh sản trong tương lai hay không. Tuy nhiên, các globolin miễn dịch đã được sử dụng trong thời kỳ mang thai trong nhiều năm mà không có bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào rõ ràng về sinh sản.
Các bác sĩ điều trị nên đánh giá rủi ro và lợi ích của VIVIG đối với từng bệnh nhân và thận trọng khi dùng cho người đang cho con bú vì có thể được bài tiết qua sữa mẹ.
3.4 Vaccine
Vaccine sống giảm động lực, không biến chứng được cấp phép để phòng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ.
Các rủi ro liên quan đến vaccine trong thai kỳ vẫn chưa được biết, nhưng các nghiên cứu trên động vật cho thấy không có bằng chứng về tác hại đối với thai nhi đang phát triển.
4. Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm nên được chỉ định cho người mang thai hoặc cho con bú. Nhưng như với bất kỳ phương pháp điều trị nào, việc ra quyết định chung nên được thảo luận về rủi ro và lợi ích với bệnh nhân.
5. Không tiếp xúc da kề da trong thời gian cách ly
Không nên tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân đang được cách ly với trẻ sơ sinh. Tách mẹ bị nhiễm đậu mùa khỉ khỏi trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây truyền. Bác sĩ điều trị nên tư vấn cho bệnh nhân về nguy cơ lây truyền và những hậu quả tiềm ẩn đối với bệnh nặng ở trẻ sơ sinh.
Nếu bệnh nhân chọn tiếp xúc với trẻ sơ sinh trong thời kỳ lây nhiễm của họ, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Không tiếp xúc trực tiếp da với da
- Trẻ sơ sinh nên được mặc quần áo hoặc quấn đầy đủ, và sau khi tiếp xúc, quần áo hoặc chăn phải được thay mới.
- Bệnh nhân phải luôn đeo găng tay và mặc áo choàng mới, che tất cả các vùng da có thể nhìn thấy dưới cổ.
- Tiệt trùng và thay mới ga trải giường.
- Đeo khẩu trang y tế trong quá trình thăm khám.
- Việc lập kế hoạch xuất viện cần xem xét thời gian cách ly của bệnh nhân, khả năng tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị cách ly.
- Việc cho con bú cũng nên được trì hoãn cho đến khi kết thúc thời gian cách ly.
Theo Sức khỏe & Đời sống