Mạn đàm về Thiên mệnh quan thời cổ đại

Chia sẻ Facebook
19/01/2023 07:52:22

Hàng nghìn năm qua, nhân loại đã xem xét và tìm hiểu mối quan hệ giữa đạo Trời và người, cấu thành nên thể hệ quan niệm “Thiên mệnh quan”.


Hàng nghìn năm qua, trong một thời gian lâu dài, nhân loại đã xem xét và tìm hiểu mối quan hệ giữa đạo Trời và người. Điều này cũng cấu thành nên thể hệ quan niệm tư tưởng của văn hóa phương Đông cổ xưa, thường được gọi là “Thiên mệnh quan”, nói theo cách hiện đại là “Thiên mệnh tư tưởng”. Thời đại thượng cổ, ba nhà Hạ, Thương, Chu được xem là thời kỳ sớm nhất có lưu lại tài liệu xác thực về lịch sử phát triển “Thiên mệnh quan”, đây cũng có thể nói là khởi nguồn của “Thiên mệnh quan” thời cổ đại.

(Tranh: Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)


Tư Mã Thiên là nhà sử học nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Cuốn “Sử Ký” của ông được liệt vào hàng đầu trong “Nhị thập tứ sử”. Đây là bộ thông sử đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, ghi chép tổng cộng hơn 3.000 năm lịch sử từ thời đại Hoàng Đế trong những truyền thuyết thượng cổ cho đến năm Thái Sơ thứ tư thời Hán Vũ Đế.


Rất nhiều người đều biết đến quá trình sáng tác “Sử Ký”. Năm đó đang trong lúc chuyên tâm bền chí viết Sử Ký, Tư Mã Thiên đã phạm tội với Hán Vũ Đế nên bị xử cung hình. Dù thống khổ và đầy phẫn nộ, nhưng nghĩ đến bộ “Sử Ký” chưa hoàn thành, Tư Mã Thiên đã bỏ đi ý định tự tử để sống tiếp.


Cái chết đối với một người có khi nặng tựa Thái Sơn, có khi nhẹ tựa lông hồng. Với cách nghĩ như vậy, trong lúc nhẫn chịu đau khổ và tủi nhục, Tư Mã Thiên đã dùng thời gian 18 năm để biên soạn sách. Vào năm 60 tuổi, cuối cùng ông đã hoàn thành bộ “Sử Ký” hoàn chỉnh bao gồm 520.000 chữ.


Rốt cuộc vì sao Tư Mã Thiên đã phải hao tốn hết thảy tâm huyết để hoàn thành bộ “Sử Ký” này? Nếu dùng lời của bản thân ông, mục đích chính là vì “Cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (Xem xét tìm hiểu mối quan hệ giữa trời và con người, thông hiểu biến hóa từ xưa đến nay, hình thành nên học thuyết của một gia) (Hán Thư, Truyện Mã Thiên).


Cái gọi là “cứu thiên nhân chi tế” chính là xem xét tìm hiểu mối quan hệ giữa đạo Trời và người. Kỳ thực, đây không chỉ là mục tiêu lớn nhất của Tư Mã Thiên và những sử gia cổ đại, mà còn là một chủ đề lớn nhất quán xuyến xuyên suốt từ đầu đến cuối trong văn hóa truyền thống.


Ví như Đổng Trọng Thư trong lúc đáp lại đối sách xử lý vấn đề của Hán Vũ Đế, ông nói: “Thần không dám khinh suất, trong Xuân Thu, xem sự việc đời trước mà biết được mối tương hỗ giữa Trời và người, ấy cũng là biết kính sợ vậy.”


“Mối tương hỗ giữa Trời và người” cũng chính là mối quan hệ giữa đạo Trời và người, đây chính là nội dung cơ bản trong đối sách của Đổng Trọng Thư.


Cùng thời với Đổng Trọng Thư còn có Tể tướng Công Tôn Hoằng thời Xuân Thu. Lúc kiến nghị Hán Vũ Đế mở trường học dạy Nho giáo, ông nói: “Chiếu thư mệnh lệnh cho bề tôi cần phải biết rõ giới hạn giữa Trời và người, thông hiểu ý nghĩa cổ kim, văn chương tao nhã, khuyên bảo sâu sắc.” (Sử Ký, Nho Lâm liệt truyện)


Những năm cuối thời Tây Hán, học giả Nho gia Dương Hùng từng nói: “Thánh nhân biết bồi dưỡng rèn luyện tinh thần tố chất, trở thành Đạo của thiên hạ, mang đến lợi ích cho bàng dân thiên hạ, làm hài hòa quan hệ giữa Trời và người, ấy là không còn gián cách nữa.” (Pháp Ngôn)


Đến thời Tam quốc Hán Ngụy, Hà Yến khen ngợi Vương Bật rằng: “Người này có thể cùng đàm luận về mối quan hệ giữa Trời và người.” (Thế Thuyết Tân Ngữ). Hà Yến có cuốn sách “Luận Ngữ Tập Giải” , ông cũng là người dẫn đầu trường phái Nho lâm đương thời.


Thời Bắc Tống có triết học gia tên là Thiệu Ung từng nói : “Học mà không biết quan hệ giữa Trời và người thì không đủ để gọi là học.” (Hoàng Cực Kinh Thế Thư)


Hàng nghìn năm qua, nhân loại đã xem xét và tìm hiểu mối quan hệ giữa đạo Trời với người. Nó cấu thành nên thể hệ quan niệm tư tưởng của văn hóa Trung Hoa. Người ta thường gọi là “Thiên mệnh quan” , hay cũng nói là “Thiên mệnh tư tưởng”. Thời đại thượng cổ ba nhà Hạ, Thương, Chu được xem là thời kỳ sớm nhất có lưu lại tài liệu xác thực về lịch sử phát triển “Thiên mệnh quan” , cũng có thể nói là khởi nguồn của “Thiên mệnh quan” thời cổ đại.

Quan niệm về Thượng Đế


Người thượng cổ Hạ, Thương, Chu đều tín Thần. Họ tin có Thần tự nhiên, Thần tổ tiên. Trong các vị Thần linh này lại có một vị Thần chí cao nắm giữ hết thảy mọi thứ của thế gian. Thời đại nhà Thương và nhà Chu, cách xưng hô đối với vị Thần này không hoàn toàn giống nhau. Người nhà Thương thường gọi vị Thần chí cao này là “Đế” , cũng có lúc gọi là “Thượng Đế” . Người nhà Chu phần lớn gọi vị Thần tối cao là “Trời”. Cho dù cách gọi không giống nhau nhưng nội hàm thực chất của “Đế”, “Thượng đế”“Trời” là giống nhau, đều là để chỉ vị Thần chí cao.


Người thượng cổ thời nhà Hạ, Thương, Chu xem “Đế”“Trời” là vị Thần chí cao trong tất cả các chư Thần. “Thượng Đế” không chỉ dưỡng dục vạn vật, mà còn nắm giữ quyết định hết thảy mọi thứ trong thế gian. Bất kể là gió mưa sấm chớp, hạn hán lũ lụt trong giới tự nhiên, sinh trưởng mùa màng, cho đến sự hưng thịnh suy bại của vương triều, phú quý bần hàn của con người, điềm cát hung họa phúc, không có thứ gì nằm ngoài sự an bài vận mệnh huyền diệu của “Đế”“Trời”. Tất cả đều dựa vào Thiên ý và Thiên mệnh. Chủng nhận thức này đã cấu thành nên hạch tâm của “Thiên mệnh quan” thời kì thượng cổ nhà Hạ, Thương, Chu. Cũng có thể nói đây là “nguyên lý thứ nhất” của “Thiên mệnh quan” .


Lấy nhà Thương làm ví dụ, quốc vương và quý tộc thời đó không chỉ dùng giáp cốt (mai rùa, xương thú) để bói toán, mà còn điêu khắc kết quả bói toán lên giáp cốt. Chữ viết ghi chép kết quả bói toán trên giáp cốt là chữ viết sớm nhất của văn minh Trung Hoa. Đây cũng là những tư liệu nghiên cứu về “Thiên mệnh quan” của đời Thương. Từ những văn tự này có thể thấy được người nhà Thương sinh sống trong thời đại vạn vật đều có linh, tín phụng Thiên Thần, Địa Thần, nhân quỷ. Trong đó, Thiên Thần chính là hóa thân của những vật tự nhiên trên Thiên Thượng như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, gió, mưa, sấm v.v.. Địa thần chính là hóa thân của những vật tự nhiên trên mặt đất như thổ địa, Thần đất và Thần lúa, núi, sông biển cho đến mọi thứ đều là Thần. Nhân quỷ chính là hóa thân những nhân vật trong lịch sử sau khi chết, bao gồm tổ tiên, tiên sư, công thần, cho đến những nhân vật lịch sử khác. “Đế” hay “Thượng Đế” gồm có Thần tự nhiên và Thần xã hội hợp lại, trừu tượng và thăng hoa, là những vị Thần siêu việt khỏi tự nhiên và xã hội con người thế gian. “Đế” hay “Thượng Đế” đứng trên cả Thiên thần, Địa thần và nhân quỷ.

Học giả Hồ Hậu Tuyên từng nói:

“Trong tâm mắt của người Ân (triều Thương), Thượng Đế tối cao nắm giữ đại tự nhiên như là gió mây mưa sấm chớp, hạn hán lũ lụt, quyết định sự sinh trưởng mùa màng, thu hoạch nông sản. Thượng Đế ở trên Thiên Thượng, có thể giáng xuống thành thị… Đế cũng ở trên Thiên Thượng, có thể giáng xuống nhân gian phúc họa bệnh tật, có thể trực tiếp bảo hộ hoặc giáng tội vua Ân. Thậm chí, Đế cũng có thể giáng xuống mệnh lệnh, chỉ huy hết thảy mọi thứ ở nhân gian. Vua Ân thường cử hành lễ tế tự, phỏng đoán theo ý chí của Đế mà làm.”


Cụ thể mà nói, “Đế” trước hết là có lực lượng siêu tự nhiên, có thể kêu mưa gọi gió, điều phối giới tự nhiên.


Quẻ bói của thời Vũ Đinh nói rằng: “Thượng Đế giáng hạn hán”.


Quẻ bói thời Tổ Canh, Tổ Giáp nói rằng: “Thượng Đế triển hiện ra” “Chỉ có năm trống.. Thượng Đế giống như vua… có bảo hộ”.


“Thượng Đế” cũng có thể được tìm thấy trong các quẻ bói như: “Thượng Đế sẽ làm mưa lớn trong tháng ba này”, “Thượng Đế làm sấm vào tháng mười ba này”, “Vào ngày mai, giờ Quý Mão, Thượng Đế không nổi gió, làm sương mù buổi tối.“


Thần lực của “Thượng Đế” vô cùng lớn, các chư Thần như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, gió, mưa, sấm, chớp v.v. đều nghe theo chỉ huy của “Thượng Đế”. “Thượng Đế” có thể mệnh lệnh làm mưa xuống, nổi gió lên, làm sấm chớp.


Không chỉ như vậy, “Thượng Đế” còn khống chế xã hội nhân loại và ra lệnh chỉ huy hết thảy mọi thứ ở nhân gian. “Thượng Đế” còn có thể truyền gọi mệnh lệnh, can thiệp vào hết thảy mọi việc ở nhân gian, từ việc tạo thành tai họa cho đến bảo hộ nhân gian.


Quẻ bói có nói: “Bói Mậu Thân, bói khuyên răn, Thượng Đế sẽ giáng vận đen cho tôi trong một tháng”, “Thượng Đế sẽ giáng tai họa xuống”, “Thượng Đế sẽ tận diệt thành thị”…


Ý tứ của những quẻ bói này là “Thượng Đế” sẽ tạo ra tai nạn và nguy hại cho con người.


Lại có quẻ bói nói: “Chỉ có Thượng Đế mới tu chỉnh được vua”, “Vua xây thành, Thượng Đế bảo hộ”, “Năm tới, Thượng Đế giáng xuống sự vĩnh cửu cho gia tộc Tổ Ất, bốc quẻ cho tháng mười”, “Thượng Đế ban phước lành”.


Ý tứ các quẻ bói này là “Thượng Đế” có thể bảo hộ và ban phúc cho con người.


Bởi vì “Thượng Đế” nắm giữ sự thành bại trong việc chinh phạt bên ngoài, có thể bảo hộ và trừng phạt vua Ân, nắm giữ điềm cát hung họa phúc của vua Ân, nên mỗi lần vua Ân xuất chinh thì điều đầu tiên phải làm là bốc quẻ hỏi xin ý chỉ bảo hộ của “Thượng Đế”.

Tế Trời


Nhà Thương suy vong, nhà Chu hưng thịnh. Tín ngưỡng đối với “Thượng Đế” của người nhà Thương cũng theo đó chuyển biến thành tín ngưỡng đối với “Trời” của người nhà Chu. Cho dù cách nhìn của người nhà Chu và người nhà Thương không giống nhau, nhưng về thực chất đều là chỉ đến vị Thần chí cao toàn năng.


Bởi vì là vị Thần tối cao nên trong tâm mắt của người nhà Chu, địa vị của “Trời” đương nhiên là chí cao vô thượng. Tập tục tế Trời của người nhà Chu càng minh chứng đầy đủ về điểm này.


Những ai đã từng ghé thăm Thiên Đàn ở Bắc Kinh đều biết rằng nó chính là nơi Hoàng đế nhà Thanh tế Trời. “Tế Trời” là một nghi thức tế tự long trọng và trang nghiêm nhất, là một hình thức giao tiếp giữa Trời với con người, có thể một mạch truy ngược về lịch sử bao quát cả thời kì thượng cổ ở đời nhà Chu.

Thời nhà Chu, mỗi năm vào ngày Đông Chí, Thiên tử phải cử hành chính lễ tế Trời ở vùng phía Nam kinh đô.


Rốt cuộc, vì sao người nhà Chu phải tế trời? Mục đích là thông qua nghi lễ này để biểu đạt lòng cảm ân đối với “Trời” đã dưỡng dục vạn vật, nguyện cầu sự bảo hộ của Hoàng Thiên Thượng Đế. Điều này nói rõ trong mắt họ, không chỉ vạn vật thế gian là do “Trời” dưỡng dục mà “Trời” còn có năng lực bảo hộ.


Người xưa thời nhà Hạ, Thương, Chu nhìn nhận rằng “Thượng Đế”“Trời” không chỉ dưỡng dục vạn vật mà còn nắm giữ quyết định hết thảy mọi thứ trong thế giới. Bất kể là gió mưa sấm chớp, hạn hán lũ lụt trong tự nhiên, sự sinh trưởng và thu hoạch mùa màng, cho đến sự hưng thịnh và suy bại của một vương triều, phú quý bần hàn của con người, điềm cát hung phúc họa, không gì nằm ngoài sự an bài vận mệnh huyền diệu của “Thượng Đế”“Trời”. Con người thời đó bảo trì tấm lòng cảm ân và kính trọng một cách tự nhiên đối với “Trời”.

Phong Thiện


Nói đến sự cảm ân, kính trọng và cầu nguyện với Trời cao, việc tế Trời nghiễm nhiên trở thành một nghi thức quan trọng. “Phong thiện” cũng trở thành một nghi thức quan trọng.


Thời Trung Quốc cổ đại, quốc sự long trọng nhất chính là nghi thức “Phong thiện” ở núi Thái Sơn. “Phong” tức là “tế Trời”, “thiện” tức là “tế Đất”.


Người xưa cho rằng Thái Sơn là ngọn núi cao nhất trong quần thể núi. Nó được gọi là “thiên hạ đệ nhất sơn”. Chính vì thế, các bậc đế vương trong nhân gian đều phải đến núi Thái Sơn để tế Thiên Đế mới được tính là tiếp nhận Thiên mệnh. Trên đỉnh núi Thái Sơn có xây dựng đàn tế Trời, hồi báo ơn Trời, gọi là “phong” ; dưới chân núi Thái Sơn có nơi tế Đất ở trên các ngọn núi nhỏ như Lương Phụ hoặc Vân Vân, hồi báo ơn Đất, gọi là “thiện”. “Phong thiện” chính là nghi lễ tối cao của các bậc đế vương thời cổ đại. Hơn nữa, nghi lễ tế Trời Đđất chỉ có thể diễn ra vào lúc thay triều đổi đại, giang sơn đổi chủ, hoặc thiên hạ thái bình sau một thời gian dài loạn lạc.


Cuốn “Quản Tử” thời Xuân Thu là quyển sách sớm nhất đề cập đến nghi lễ “Phong thiện”. Trong sách Quản Trọng viết rằng:

“Người xưa tế Thái Sơn tế Lương Phụ có bảy mươi hai gia, nhưng Di Ngô ghi nhận lại mười hai gia là: Vô hoài thị (tên triều đại ngày xưa), Phục Hy, Thần Nông, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, Chu Thành Vương. Sau khi tiếp nhận Thiên mệnh thì phải tế lễ Trời Đất.”


Sau khi kế thừa Thiên mệnh, các bậc đế vương đều cử hành đại lễ “Phong thiện”. Từ đó trở đi có thể thấy ý nghĩa của “Phong thiện” được hoàn thành vào thời “Tam hoàng ngũ đế”. Các bậc đế vương đời nhà Hạ, Thương, Chu là Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Thành Vương đều cử hành tế Trời Đất trên núi Thái Sơn.


Vì sao Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Thành Vương phải “Phong thiện” ? Trong “Ngũ Kinh Thông Nghĩa” viết rằng:

“Đổi họ làm vua mang lại thái bình cho dân ắt phải tế Trời Đất. Mệnh Trời làm vua, nhận lãnh trách nhiệm với bách tính, báo cáo thái bình với Trời cao, báo đáp quần thần.”


Chính là nói, mục đích việc “Phong thiện” của các bậc đế vương thời cổ đại là hướng đến Trời Đất báo cáo công lao sự nghiệp vào lúc thái bình thịnh thế và vào lúc trời cao ban phước lành, đồng thời biểu thị sự tiếp nhận Thiên mệnh trị vì nhân gian. Điều này nói rõ một điểm rằng họ xem “Trời” (Thượng Thiên) là đối tượng mà tất cả con người, bao gồm chính bản thân họ trong đó phải cảm ân, kính trọng và hướng đến để nguyện cầu.

Thiên ý và Thiên mệnh


Trong mắt người xưa, việc phục tùng Thiên ý và Thiên mệnh cùng với sự cảm ân, kính trọng và hướng đến Thượng Thiên cầu nguyện là một trong những tiền đề để có được sự bảo hộ của Thượng Thiên. Chúng là những yếu tố cơ bản của “Thiên mệnh quan” thời nhà Hạ, Thương, Chu.

Vậy làm thế nào mới có thể phục tùng theo an bài của Thiên ý và Thiên mệnh? Trước tiên cần phải hiểu được Thiên ý và Thiên mệnh. Bói quẻ là phương thức người thời thượng cổ câu thông với Thần. Nó là một trong những cách thường dùng nhất để hiểu rõ Thiên ý và Thiên mệnh.


Trong “Sử Ký, Quy sách liệt truyện” có viết:

“Bậc quân vương anh minh từ xưa đến nay kiến lập quốc gia tiếp nhận Thiên mệnh, chấn hưng sự nghiệp, có ai mà không bốc quẻ trợ giúp! Thời trước Đường Nghiêu Ngu Thuấn không cách nào ghi chép lại. Kể từ khi nhà Hạ, Thương, Chu hưng khởi, đều dựa trên bốc quẻ mà tiên đoán cát tường. Đại Vũ kết hôn với Đồ Sơn thị bốc được quẻ cát, kiến lập nhà Hạ tương truyền đời đời. Phi tử của Đế Cốc nuốt trứng chim yến, bốc quẻ cát thuận nên nhà Ân hưng thịnh. Sau khi gieo hạt ở thung lũng, bói cỏ thi cho ra kết quả là cát, nên vua nước Chu cuối cùng làm vương của thiên hạ. Quân vương quyết định những sự vụ then chốt, tham khảo kết quả bói quẻ để ra quyết định cuối cùng. Đây chính là trình tự xử lý sự việc theo cách truyền thống không thay đổi từ thời xưa. Chỉ khác nhau ở chỗ: thời nhà Ân Thương thường dùng quẻ bói xương thú và mai rùa, thời nhà Chu ngoài bói xương thú và mai rùa thì còn dùng bói cỏ thi.”

Lấy nhà Thương làm ví dụ. Phàm là đối với những việc như tế tự, chiến tranh, ăn uống, yến tiệc, khí tượng, nông nghiệp, thu hoạch, săn bắt, xuất hành, tai họa, phúc báo v.v., vua Thương đều phải bốc quẻ, mỗi ngày đều gieo quẻ, sau khi lấy được quẻ lại phán đoán cát hung. Bởi vì bói quẻ là một việc vô cùng Thần thánh nên cần phải tắm gội trai giới trước khi bói quẻ.

Người nhà Thương xem kết quả bói quẻ như là Thiên ý, cũng có thể nói đó là mệnh lệnh của Thượng Đế, là điều nhất định phải làm theo, không thể đi ngược lại. Nếu như đi ngược lại, chính là làm trái với Thiên ý, sẽ nhận phải kết quả không tốt.


Trong “Thượng thư, Đại cáo” có ghi chép:

Sau khi Chu Vũ Vương chết, con trai của Thương Trụ Vương là Vũ Canh cấu kết với em trai của Chu Vũ Vương là Quản Thúc Tiên, Sái Thúc Độ, Hoắc Thúc, liên kết với Hoài Di khởi binh làm phản. Trong nhất thời, vương triều nhà Chu trong ngoài không yên, rơi vào tình cảnh vô cùng nguy hiểm. Lúc này, Chu Công nắm quyền nhiếp chính không màng đến ý nguyện của dân chúng, cứng rắn quyết định xuất binh đi về phía Đông dẹp loạn. Trước khi xuất chinh, ông dùng đại bảo quy (mai rùa lớn) do Văn Vương để lại tiến hành bói quẻ, kết quả thu được là quẻ cát. Cho dù là vậy nhưng vẫn có chư hầu phản đối quyết định dùng vũ lực dẹp loạn của Chu Công.


Các chư hầu thưa với Chu Công: “Tình cảnh khó khăn, lòng người chưa bình tĩnh. Hơn nữa sự tình lại phát sinh trong hoàng cung và gia môn của chúng thần tử thân cận, có những vị trưởng bối. Vương à! Vì sao Ngài không làm ngược lại với quẻ bói này?”


Chu Công nói với họ: “Thượng Thiên ban phúc lành cho Văn Vương, vì thế mà nước Chu nhỏ bé mới được hưng thịnh. Văn Vương thông qua bói quẻ kế thừa mệnh lệnh từ Thiên Thượng. Hiện nay, Thượng Thiên mệnh lệnh cho thần dân trợ giúp. Hơn nữa lại thông qua quẻ bói hiểu được dụng ý của Thượng Thiên. Ta nhất định phải thống lĩnh các chư hầu Đông chinh. Thiên mệnh không có sai sót, quẻ bói triển hiện rõ ràng.”

Thiên mệnh và vương quyền


Nếu như phải lấy ra một chủ đề trong “Thiên mệnh quan” thời thượng cổ thì chủ đề đó chính là mối quan hệ giữa Thiên mệnh và vương quyền. Việc nhận thức như thế nào về mối quan hệ này phản ánh cách lý giải của người xưa đối với nguyên nhân dẫn đến thịnh suy của vương triều và tính hợp pháp của chính quyền.

Như vậy, nguyên nhân mà các triều đại được dựng lập nên rốt ráo là gì? Và làm thế nào để quyết định tính hợp pháp của một chính quyền?


“Thượng thư” là bộ sách đầu tiên ghi lại lịch sử thời thượng cổ, có thể cung cấp nhiều tư liệu lịch sử để tìm hiểu về vấn đề này. “Thượng thư, Triệu Hạo” viết rằng: “Nhà Hạ phục tùng Thiên mệnh”, “Nhà Ân Thương tiếp nhận Thiên mệnh”.


“Kinh thi, Thương tụng” là bộ sách thơ ca của nước Tống thời kỳ nhà Thương và nhà Chu. Khi đề cập đến khởi nguyên của nhà Thương, “Thương tụng, Huyền điểu” viết rằng: “Mệnh Trời là huyền điểu (chim én), giáng xuống trần sinh ra nhà Thương.”


“Thương tụng, Trường phát” viết rằng: “Đế lập tử sinh Thương.”


Khi xem những ký tự điêu khắc trên các lễ vật bằng đồng đúc vào thời Thương Chu, câu “thụ mệnh ư Thiên” (tiếp nhận Thiên mệnh) không chỉ xuất hiện một lần.


Theo ghi chép trên đỉnh “Mao Công” : “Phi hiển Văn Võ, Hoàng thiên hoằng yêm quyết đức, phối ngã hữu Chu, ưng phụ Thiên mệnh” (Văn Võ đại hiển, Hoàng thiên đức hạnh hồng đại, kết hợp cho tôi với nhà Chu, nhận lãnh Thiên mệnh).


Đỉnh “Đại Vu” khắc rằng: “Phi hiển Văn Vương, thụ thiên hữu đại mệnh” (Văn Vương đại hiển, tiếp nhận mệnh lớn của Trời).


Có thế thấy rằng, bất kể là ghi chép trong “Thượng thư” hay truyền thuyết trong “Kinh Thi” và những văn tự điêu khắc trên lễ vật bằng đồng đều cùng nhấn mạnh một ý tứ chung. Đó là sự kiến lập nhà Hạ, Thương, Chu đều là “tiếp nhận Thiên mệnh”. Nói cách khác, vương quyền đến từ sự giao phó của Thiên Thượng. Tính hợp pháp thống trị vương triều được quyết định từ Thiên Thượng.

Lấy nhà Thương làm ví dụ. Theo sử sách ghi chép vào cuối thời nhà Hạ, Y Doãn thấy Hạ Kiệt không thể cứu chữa nên đã khuyên Thương Thang chinh phạt Hạ Kiệt cứu giúp muôn dân nhưng lúc đầu Thương Thang không chịu tiếp thụ. Bởi vì người xưa đều minh bạch quân quyền Thần thụ, quân vương có sai trái thì bề tôi có thể can ngăn. Nếu như dùng vũ lực với Thiên tử thì không đúng nghĩa của thần tử. Lúc Thành Thang đi về phía Đông đến sông Lạc Thủy, tế bái đền thờ Nghiêu Đế đã xảy ra một sự việc như sau.


“Thượng thư, Trung hậu” viết rằng:


Thương Thang ngậm miếng ngọc bích dùng để tế tự xuống sông Lạc Thủy, đứng chờ một bên thì thấy một đôi hoàng ngư (cá vàng) nhảy lên, hắc điểu cũng theo đó mà dừng lại trên tế đàn, sau hóa thành hắc ngọc (miếng ngọc màu đen). Phía trên miếng ngọc có dòng chữ màu đỏ viết rằng: “Tinh linh Thiên Ất màu đen lãnh nhận ý chỉ từ Thần, mệnh lệnh cho ngươi đi chinh phạt chiến thắng Hạ Kiệt. Ba năm sau, thống nhất thiên hạ.”


Sau đó, Thiên Thượng đã để Thành Thang chiến thắng. Tại Tiêu Cung mệnh lệnh cho ông ta: “Ngươi phải thay thế vương vị của Hạ Kiệt, bởi vì phẩm đức của Hạ Kiệt quá bại hoại nên ta đã tuyệt diệt Thiên mệnh của hắn. Ngươi hãy mau chóng thống lĩnh quần chúng thảo phạt hắn ta. Ta nhất định sẽ để ngươi chiến thắng!” (Mặc tử, Phi công)

Kết quả là Thành Thang mau chóng thuận theo an bài của Thiên mệnh thay thế cho Hạ Kiệt, khai sáng triều đại đầu tiên của nhà Thương.

Người xưa thời nhà Hạ, Thương, Chu nhìn nhận Thượng Thiên là chí cao vô thượng. Không chỉ thể hiện ở vương quyền là do Thượng Thiên ban cho, mà còn thể hiện ở sự tiêu vong của vương triều vốn dĩ là trừng phạt từ Thiên Thượng.

Thời kì đầu nhà Hạ, có bộ tộc Hỗ Thị phản đối con trai của Hạ Vũ là Hạ Khải lên ngôi kế thừa vương vị. Kết quả là bị Hạ Khải đánh bại. Vì sao Hỗ Thị thất bại?


“Thượng thư, Cam thệ” viết rằng:

“Hỗ Thị không tuân theo Ngũ Hành, vứt bỏ Tam Chính (Thiên Địa Nhân). Trời tuyệt diệt mệnh, bấy giờ là sự trừng phạt chấp hành theo ý chỉ của Trời.”

Cuối thời nhà Hạ, Hạ Kiệt bị tiêu diệt bởi Thương Thang. Nhà Hạ tiêu vong nhà Thương hưng thịnh. Vì sao nhà Hạ hùng mạnh xưa kia lại bị tiêu diệt bởi một nước chư hầu?


“Thượng thư, Thang thệ” viết rằng: “Hữu Hạ đa tội – Chí thiên chi phạt” (ý tứ là: Hạ Kiệt tội ác chồng chất, ông Trời phải trừng phạt).

Cho đến những năm cuối thời nhà Thương, nhà Thương tiêu vong nhà Chu hưng thịnh. Vì sao một vương triều rộng lớn như nhà Thương lại bị một nước nhỏ bé bên dưới tiêu diệt?


“Thượng thư, Thái thệ” viết rằng: “Thương tội quán doanh, Thiên mệnh tru chi” (ý tứ là: Thương Trụ Vương tội ác chồng chất nên ông Trời giết đi).


Theo ghi chép trong “Quốc ngữ, Chu ngữ” , năm thứ hai Chu U vương (780 TCN), vùng Kinh Thủy, Vị Thủy, Lạc Thủy phát sinh động đất.

Thái sử Bá Dương Phụ nói:

“Nhà Chu phải tiêu vong rồi. Khí của Trời đất, không thể bỏ mất thứ tự của mình. Nếu như loạn không có vị trí trật tự thì dân chúng sẽ đại loạn. Thang khí lưu lại ở bên trong không thể xuất ra, âm khí bị áp chế không thể tản ra, vì thế mà phát sinh động đất. Hôm nay phát sinh động đất ở cả ba con sông, chính là Thang khí không còn ở tại vị trí của mình để áp chế âm khí nữa. Thang khí mất đi vị trí và nhường chỗ cho âm khí. Đầu nguồn của sông bị tắc nghẽn, dòng chảy không thông, quốc gia nhất định sẽ tiêu vong. Dòng chảy lưu thông thì đất đai mới được tưới tiêu vạn vật sinh trưởng, người dân mới có thể sử dụng. Dòng chảy bị nghẽn thì đất đai khô cằn, bách tính thiếu hụt tài nguyên để dùng, quốc gia không tiêu vong có thể được sao? Xưa kia, sông Y Thủy và Lạc Thủy cạn kiệt thì nhà Hạ tiêu vong, sông Hoàng Hà cạn kiệt thì nhà Thương tiêu vong. Hôm nay, vận mệnh của nước Chu cũng giống như hai nhà Hạ và Thương thời mạt thế, sông ngòi cạn kiệt, đầu nguồn bị nghẽn ắt dòng chảy sẽ không thông. Dựng lập quốc gia nhất định phải xem xét núi sông. Núi sụp đổ, sông ngòi cạn kiệt chính là điềm báo suy bại diệt vong. Sông ngòi tắc nghẽn thì núi đồi nhất định sẽ sập xuống. Quốc gia như thế này bất quá chỉ vài chục năm sẽ tiêu vong, đó là cực hạn của định số vậy. Phàm là không vâng theo mệnh Trời thì đều không bước qua được cực hạn này.”

Năm đó, sông Kinh Thủy, Lạc Thủy, Vị Thủy dòng chảy cạn kiệt, núi Kỳ Sơn sụp đổ. Năm thứ mười một (771 TCN), Chu U vương bị giết, vận mệnh nhà Chu cũng vì thế trôi nổi bất định.

Có thể thấy rằng, từ Hỗ Thị đến Hạ Kiệt rồi lại đến Thương Trụ, những chính quyền này vì sao lần lượt thay nhau suy bại? Nguyên nhân giống nhau là sự trừng phạt của ông Trời. Thương Thang đánh bại Hạ Khải, tiêu diệt Hạ Kiệt và Chu Văn Võ Vương bất quá cũng chỉ là chấp hành theo ý chí của Thượng Thiên.

Đúng thật là hưng thịnh bởi Thiên mệnh, tiêu vong cũng bởi Thiên mệnh!

Thiên mệnh thường hằng và Thiên mệnh biến hóa


Mặc dù ”Thiên mệnh quan” thời đại thượng cổ nhấn mạnh Trời và chí cao vô thượng của Thiên mệnh, nhưng người xưa nhận thức về mối quan hệ giữa Thiên mệnh và vương quyền không phải lúc nào cũng như nhau. Đặc biệt là thuận theo việc nhà Thương suy vong nhà Chu hưng thịnh, “Thiên mệnh quan” truyền thống lại càng phát sinh biến hóa rõ ràng.


Vào thời nhà Thương, “Thiên mệnh quan” của đế vương lấy sự thường hằng làm chủ, cơ bản cho rằng Thiên mệnh không thể cải biến. Tuy nhiên đến cuối thời nhà Thương, tư tưởng truyền thống này đã có dấu hiệu phát sinh biến hóa.


Theo ghi chép của “Thượng thư, Tây Bá kham lê” :

Thời kỳ cuối nhà Thương, Thương Trụ Vương hoang dâm vô đạo, dân chúng lầm than. Các bộ lạc ở phía Tây dưới sự trị vì của Chu Văn Vương ngày càng lớn mạnh, thế lực thâm nhập vào Trung Nguyên, đe dọa nghiêm trọng đến nhà Thương.


Quan đại thần Tổ Y vì thế mà vô cùng lo lắng, hướng đến Trụ Vương khuyên can: “Thiên tử, ông Trời đã đoạn tuyệt Ân mệnh… Không phải là tiên vương không bảo hộ hậu duệ chúng ta, chỉ là vua tôi bị mê hoặc mà tự mình tuyệt diệt cho nên ông Trời mới buông bỏ chúng ta…”


Đối với lời nhắc nhở của Tổ Y, Trụ Vương tuyệt nhiên không nghe thấy, ngược lại ông ta còn cuồng vọng tuyên bố: “Ta sinh ra không có mệnh ở trên Trời!”

Từ lời tuyên bố này có thể thấy, cho dù vua và thần tử cả hai người đều nhận ra sự thống trị vương triều là quyết định đến từ Thiên mệnh, nhưng Trụ Vương tin rằng Thiên mệnh sẽ luôn ở bên cạnh mình, không thay đổi còn Tổ Y thì cho rằng ông Trời sẽ căn cứ vào biểu hiện của Thiên tử mà quyết định có trợ giúp sự trị vì quốc gia hay không. Điều này nói rõ rằng bộ phận người Ân thời đó đã sinh ra hoài nghi đối với những Thần thoại được lưu truyền về sự bảo hộ vĩnh viễn của Thiên mệnh.

Đầu năm 1046 TCN, Chu Vũ Vương thống lĩnh quân đội đi viễn chinh, thảo phạt Thương Trụ Vương. Chỉ cần dùng thời gian một tháng, khởi phát ở vùng biên giới phía Tây, một nước Chu bé nhỏ đã nhanh chóng tiêu hủy vương triều Ân Thương đồ sộ, trở thành chủ công của thiên hạ. Thắng lợi đến nhanh hơn cả mong đợi nhưng Chu Vũ Vương và Chu Công không vì thế mà ngủ mê trên chiến thắng.


Trong “Sử Ký” có ghi chép rằng:

Sau khi Vũ Vương diệt nhà Thương, quay về Hạo Kinh, đêm không thể ngủ ngon. Em trai Chu Công đến thăm và hỏi ông vì sao không thể chợp mắt.

Vũ Vương nói:

“Ta chưa thể an định Trời cao bảo hộ, làm sao có thể chợp mắt đây! Vốn dĩ, nhà Thương là chủ của thiên hạ, là vương triều thống trị vạn nước chư hầu. Nhìn theo cách này thì không thể chiến thắng, nhưng chỉ trong một trận Mục Dã nhà Thương đã bị tiêu hủy, làm thế nào mà không kinh động một tiểu quốc như chúng ta? Nếu như nói rằng việc thống trị thiên hạ là thể hiện của Thiên mệnh thì sự hoán chuyển Ân Chu không thể nói rõ ràng hết được. Đương sơ phải chăng là Thiên mệnh phía bên nhà Thương lúc đó chuyển sang bên phía nhà Chu sao? Thiên mệnh chẳng phải là có thể chuyển dịch sao? Nếu như nói được thông đạo lý này thì có lẽ một ngày nào đó nhà Chu cũng sẽ đối diện với việc mất đi Thiên mệnh, từ đó bỏ mất sự an nguy của thiên hạ. Làm thế nào mới tránh được vận rủi này? Làm thế nào mới có thể vĩnh viễn bảo trì Thiên mệnh? Nghĩ đến đây, là một người trị vì nhà Chu đương nhiên sẽ không thể ngủ ngon được.”


Như vậy, sau khi nhà Thương tiêu vong nhà Chu hưng thịnh, sẽ có hay không có sự chuyển dịch xoay quanh Thiên mệnh. Nếu như có thể thay đổi chuyển dịch thì gốc rễ là ở đâu? Vì sao có vương triều mất đi Thiên mệnh, có vương triều đắc được Thiên mệnh? Cho đến làm thế nào để bảo trì Thiên mệnh? Một chuỗi vấn đề được nêu ra ở đây. Trên cơ sở tổng kết bài học về sự suy bại tiêu vong của hai nhà Hạ và Thương, Vũ Vương và Chu Công, đặc biệt là Chu Công đã tiến hành giải thích và suy xét một cách mới mẻ về mối quan hệ giữa vương quyền và Thiên mệnh. Từ đó đưa vào nội hàm mới cho “Thiên mệnh quan” thời thượng cổ.


So với thời đại trước, “Thiên mệnh quan” của người nhà Chu chủ yếu có điểm mới mẻ thể hiện ở bốn phương diện. Trước tiên là “Thiên mệnh thường hằng” chuyển biến thành “Thiên mệnh thay đổi”.

Bất kể là ở nhà Hạ hay Ân Thương, quân vương đều xem Thiên mệnh là thứ vĩnh hằng bất biến, đều tin rằng một khi bản thân có được Thiên mệnh thì sẽ không thể mất nó. Tuy nhiên, kết quả diễn biến lịch sử hoàn toàn không phải là sự việc như vậy.

Trước hết nói về nhà Hạ. Cuối thời nhà Hạ, Hạ Kiệt vô đạo, đức hạnh bại hoại.


Theo ghi chép trong “Đế vương thế hệ” :


Có một lần Y Doãn khuyên can Hạ Kiệt: “Quân vương không lắng nghe ý kiến của thần tử, ngày vong quốc không còn xa.”


Nhưng Hạ Kiệt hoàn toàn không nghe lọt tai việc này, bất chợt cười lớn nói: “Ông lại dùng những lời quỷ quái mê hoặc dân chúng. Trên trời có thái dương, giống như ta có con dân. Thái dương mất thì ta mới không còn.”


Sau đó không lâu, Hạ Kiệt bị Thương thái tổ Thương Thang đánh bại, trở thành một vị vua mất nước. Đây chính là câu chuyện “Thang cách Hạ mệnh” nổi tiếng trong lịch sử. “Cách” chính là xóa trừ, cải biến; “mệnh” chính là Thiên mệnh. “Thang cách Hạ mệnh” có ý tứ là Thượng Thiên thu hồi lại sứ mệnh trị vì thiên hạ đã giao phó cho vua nhà Hạ, Thương Thang thuận theo Thiên ý xóa trừ Thiên mệnh của Hạ Kiệt.


Lại nói đến nhà Thương. Cũng giống như Hạ Kiệt, Thương Trụ Vương cũng cho rằng mệnh Trời không đổi, vĩnh viễn sẽ ở bên mình; kết quả cuối cùng cũng trở thành vị vua mất nước. Vốn dĩ là một vương triều được ban cho Thiên mệnh cũng có thể lạc mất Thiên mệnh, giáng xuống làm nước chư hầu, đây gọi là “trụy quyết mệnh” (đánh mất Thiên mệnh). Vốn dĩ là một nước chư hầu nhỏ bé cũng có thể đắc được Thiên mệnh mà trở thành vương triều thống trị thiên hạ, đây gọi là “thụ quyết mệnh” (tiếp nhận Thiên mệnh). Thương vong Chu hưng chính là quá trình vương triều nhà Thương đánh mất Thiên mệnh và nước Chu chư hầu tiếp nhận Thiên mệnh.


Tóm lại, bất kể Ân Thương thay thế nhà Hạ hay là Thương vong Chu hưng đều triệt để lật đổ quan niệm truyền thống “Thiên mệnh thường hằng”. Nhắm thẳng vào hiện thực này, Chu Công cải biến tư tưởng của người đi trước, mạnh dạn đưa ra quan niệm mới “Thiên mệnh thay đổi” , ý tứ là Thiên mệnh không phải cố định bất biến.

Sau khi Chu Thành Vương lên ngôi, Khương Thúc Sâm bình định dẹp loạn, có công trong việc cải chính Triều Ca cố đô của nhà Thương.


Trước khi nhậm chức, Chu Công đặc biệt dặn dò ông ta: “Ô hô! Thiên mệnh không cố định bất biến, sẽ có thay đổi chuyển dịch, bản thân cần phải nhớ lấy lời khuyên này”.

Lúc khuyên răn các cựu thần thời nhà Ân Thương, Chu Công nhiều lần quay đầu nhìn lại lịch sử thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh ở thời kỳ nhà Hạ, Thương, Chu.


Trong “Thượng thư, Đa sĩ” có ghi chép:

Chu Công nói với họ:

“Thượng Đế không cho vui chơi nhưng Hạ Kiệt không biết tiết chế, Thượng Đế giáng xuống lệnh giáo huấn, khuyên răn ông ta nhưng Hạ Kiệt không nghe theo lời giáo huấn của Thượng Đế. Chính vì vậy, Thượng Đế giáng xuống đại tội, phế bỏ Thiên mệnh của nhà Hạ, mệnh lệnh cho tổ tiên Thành Thang của các người thay thế Hạ Kiệt. Từ Thành Thang cho đến Đế Ất, tiên vương nhà Ân không có ai là không nghiêm chỉnh tuân theo việc dùng đức để trị vì, tế tự long trọng, cũng chưa có ai dám đi ngược lại với Thiên ý và không phối hợp với ân trạch của Thượng Thiên. Người nối ngôi là Trụ Vương không kính trọng Thượng Thiên, không màng đến Thiên ý và nỗi khổ của dân chúng, mặc sức hoang dâm hưởng lạc, vậy nên Thượng Đế mới không bảo hộ ông ta, để cho tai họa giáng xuống nước Ân. Nước Chu chúng ta bảo trì Thiên mệnh, phụng mệnh làm theo Thượng Thiên, chấp hành sự trừng phạt với vương giả, tuyên bố vận mệnh của nhà Ân đã bị ông Trời đoạn tuyệt. Không phải là một nước chư hầu nhỏ như chúng ta dám đoạt lấy vận mệnh của nhà Ân, mà là Thượng Thiên không để Thiên mệnh ban cho những kẻ ác kia, là Thượng Thiên trợ giúp chúng ta.”

Như vậy Thiên mệnh là chuyển dịch ở thời đại nhà Hạ, Thương, Chu. Sau khi nhà Chu tiếp nhận Thiên mệnh sẽ có hay không có việc lặp lại sai lầm của thế hệ đi trước? Chu Công cho rằng không thể bài trừ khả năng này.


Trong “Thượng thư, Quân thích” có ghi chép:

“Thượng Thiên để tai họa thua bại giáng xuống cho Ân Thương. Bấy giờ người Ân đã đánh mất Thiên mệnh của họ, còn Chu thất chúng ta thì thụ nhận phúc mệnh. Nhưng ta không dám nói cơ nghiệp của Chu thất có thể trường cửu kéo dài tiếp về sau. Ta cũng không dám khẳng định chắc chắn rằng vương nghiệp của nhà Chu có thể thoát khỏi kết quả cụ thể. Nếu như con cháu nối nghiệp nhà Chu không thể kính Trời hiểu dân, không thể tiếp tục phát dương truyền thống kính Trời của tiên vương thì chúng sẽ vĩnh viễn mất đi Thiên mệnh.”


Điều gọi là “Thiên mệnh mỹ thường” ý nói rằng Trời cao ở bên trên, không gì không làm được. Trời có thể giao phó Thiên mệnh cho một vương triều, cũng có thể thu hồi lại nó và giao phó cho một vương triều khác. Vậy nên Thiên mệnh không phải là vĩnh hằng, mà có thể thay đổi chuyển dịch.

Trời giúp người có Đức

Người nhà Chu xem sự thay đổi chuyển dịch của Thiên mệnh là không ngẫu nhiên. Vậy nguyên nhân và gốc rễ dẫn đến, quyết định thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh rốt cuộc là gì? Mặc dù quyền lực thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh thuộc về Thượng Thiên chứ không phải nằm trong tay quân vương; nhưng thái độ của quân vương đối với Trời, hoặc nói quân vương có kính trọng Trời hay không, những điều này không tránh khỏi trở thành nguyên nhân và gốc rễ dẫn khởi và quyết định sự thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh. Kính Trời thì quân vương có thể được Thiên Thượng bảo hộ, nhận được và bảo tồn Thiên mệnh, vương triều sẽ kéo dài. Không kính Trời thì quân vương sẽ chịu sự trừng phạt của Thượng Thiên, mất đi Thiên mệnh, vương triều sẽ tiêu vong.


Trong “Thượng Thư, Cam Thệ” có ghi chép:

Trước khi thảo phạt Hỗ thị, Hạ Khải đã triệu tập các vị tướng lĩnh.


Ông ta nói: “Hỗ thị đi ngược với Thiên ý, xem nhẹ ngũ hành, dám buông bỏ lịch pháp. Vì thế mà Thượng Thiên phải đoạn tuyệt vận mệnh của họ. Hiện nay ta chỉ chấp hành theo Thiên ý mà trừng phạt họ.”


Trong “Thượng Thư, Trọng Hôi Chi Cáo” có ghi chép:


Sau khi Thương Thang thay thế Hạ Kiệt, lúc giải thích nguyên nhân nhà Hạ diệt vong, đại thần Trọng Hôi đã nói rằng: “Vua Hạ có tội, lừa dối Thượng Thiên, xem thường Thiên mệnh mà sát hại bách tính, không biết kính Trời, phạm vào đại tội.”


Trong “Thượng thư, Thái Thệ” có ghi chép:


Lúc Võ Vương phạt Trụ nói với các lộ chư hầu rằng: “Nay Ân Trụ Vương nghe theo lời của nữ nhân, tự tuyệt mệnh trời, vậy nên Cơ Phát ta phải cung kính chấp hành theo Thiên ý trừng phạt ông ta.”


“Dật Chu Thư” cũng viết rằng: Lúc Võ Vương thảo phạt quy tội cho Trụ Vương có ý là, vua Thương Đế Tân không tế Thượng Đế, nhục mạ Thần linh nghiêm trọng, Võ Vương phạt trụ là vì để tôn trọng Thiên mệnh. Có thể thấy rằng điều dẫn đến sự tiêu vong của nhà Thương chính là không kính Trời.


Chính vì vậy, bậc hiền tướng Trọng Hôi của Thương Thang đã nói ra đạo lí: “Khâm sùng Thiên Đạo, vĩnh bảo Thiên mệnh” (trích “Thượng Thư, Trọng Hôi Chi Cáo” ). Ý tứ là chỉ có cung kính hướng về Trời thì mới có thể vĩnh viễn bảo tồn được mệnh. Đây cũng là một nội dung mới mẻ của “Thiên mệnh quan” thời nhà Chu so với tiền nhân.

Thượng Thiên thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh dựa vào việc quân vương có biết kính Trời hay không. Vậy nên chỉ có kính Trời mới có thể vĩnh viễn bảo tồn Thiên mệnh. Điều này đưa đến một vấn đề: rốt cuộc Thượng Thiên căn cứ vào đâu để xác định quân vương có kính Trời hay không? Thế nào là kính Trời, thế nào là không kính Trời? Người nhà Chu xem quân vương có đức hay không là rất quan trọng. Vua có đức, vì kính Trời nên mới nhận được Thiên mệnh. Vua vô đức chính là không kính Trời, sẽ đánh mất Thiên mệnh.


Vậy nên Chu Công nói: “Thiên mệnh mĩ thường, duy đức thị phụ.” (trích “Thượng Thư, Khang Cáo” ), “Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phụ.” (trích “Thượng Thư, Thái Trọng Chi Mệnh” ). Ý tứ là Thiên mệnh sẽ chuyển dịch, Thượng Thiên không vì tình thân đối với ai, Trời chỉ giúp đỡ người có đức. Như vậy, ý chí của Trời liên kết với hành vi của quân vương hình thành nên một loại quan hệ đối ứng. Đây là một cống hiến lớn nhất của người nhà Chu về “Thiên mệnh quan”.


Có lẽ cũng có người hoài nghi rằng: Người nhà Chu thảo luận về Thiên mệnh thì nhấn mạnh kính Trời, lại nhấn mạnh phải có đức. Vậy hai điều này có mâu thuẫn không? Kì thực là không mâu thuẫn. Bởi vì đức chính là yêu cầu của Thượng Thiên đối với quân vương, là tiêu chuẩn để Thượng Thiên đo lường một quân vương có hợp cách hay không; vậy nên có đức là thể hiện cụ thể của việc kính Trời. Kính Trời là bản chất nội tại của “hữu đức” (có đức) và là nơi quy về cuối cùng. Nói cách khác, “đức” chính là sợi dây liên kết trong quan hệ giữa Trời và con người. Thông qua việc nhấn mạnh tính trọng yếu của đức, việc kính Trời không còn trừu tượng và trống rỗng nữa, mà đã có nội dung vô cùng cụ thể.

Trong mắt của người nhà Chu, hai triều Hạ Thương cho đến cuối cùng đều mất đi Thiên mệnh, lí do không nằm ngoài việc Hạ Kiệt và Thương Trụ đều không kính Trời. Sở dĩ có thể nói rằng họ không kính Trời bởi vì họ không có đức, nên cuối cùng không được Trời giúp.


Trong “Thượng Thư, Chu Thư” có ghi chép rằng vào thời đầu nhà Chu, Chu Thành Vương muốn dời đô đến Lạc Dương. Trước tiên, ông phái Triệu Công đi thị sát. Lúc Chu Công thị sát Lạc Dương, Triệu Công ủy thác cho Chu Công viết thư cảnh báo Thành Vương cần phải biết kính đức để Thiên mệnh được trường cửu:

“Ta không thể không cẩn trọng nhìn xem nhà Hạ và nhà Ân. Ta không dám nói rõ mệnh của nhà Hạ và nhà Ân sẽ trường cửu. Ta cũng không dám nói rằng quốc vận của nhà Hạ và nhà Ân sẽ không kéo dài. Ta chỉ biết rằng họ không xem trọng đức hạnh nên mới để vuột mất phúc mệnh của họ.”


Trong “Thượng Thư, Đa Sĩ” có ghi chép Chu Công cảnh báo bách tính nhà Thương rằng:

“Thượng Đế không giao phó Thiên mệnh cho người không có đức hạnh. Sự tiêu vong của các quốc gia lớn nhỏ đều vì người ta không kính trọng Thượng Đế mà bị trừng phạt.”

Có thể thấy, dưới cán cân đo lường của người nhà Chu, có đức và không có đức, kính đức và không kính đức được đặt vào vị trí hàng đầu quyết định sự tiêu vong của một quốc gia.

Vì sao đức quan trọng như vậy?


Trong “Thượng Thư, Kim Đằng” có ghi chép Chu Võ Vương ngã bệnh sau khi chiến thắng nhà Thương, Chu Công dùng ngọc bích cầu tiên vương bảo hộ và nguyện lấy thân mình thay cho Võ Vương. Ông đặt lời cầu nguyện vào rương vàng, sau đó Võ Vương đã khỏi bệnh. Cho đến khi Võ Vương tạ thế, Chu Thành Vương tin nghe lời phỉ báng nên có một lần hoài nghi và đối xử lạnh nhạt với Chu Công. Kết quả là Thượng Thiên nổi cơn thịnh nộ, bất bình thay cho Chu Công. “Trời đổ sấm chớp, gió lớn; cây lương thực ngũ cốc đổ rạp, cây lớn bị nhổ gốc.”

Có thể thấy trong mắt người nhà Chu, Trời không chỉ là cao không với tới, không gì không thể làm được mà còn có đức, không yêu không ghét. Nói cách khác, đức cũng là yêu cầu bản chất và bản tính nội tại của Trời. Vậy nên một khi nhân gian không còn đức thì Thượng Thiên sẽ giáng điềm báo không tốt. Không khó để nhận ra những ai mà Trời lựa chọn và phò trợ nhất định đều là những vị vua có đức.


Mặc dù Người nhà Chu cho rằng mệnh của quân vương không đến từ tự bản thân họ mà đến từ Trời cao phía bên trên, và sự thay đổi chuyển dịch Thiên mệnh cũng không quyết định dựa vào ý chí của quân vương mà dựa vào ý chí của Thượng Thiên; nhưng quân vương cũng không thể ngồi không chờ đợi sự bảo hộ từ Thượng Thiên, không nỗ lực làm gì cả cũng không thành tựu điều gì, càng không thể tùy tâm muốn gì làm nấy, tự ý làm không chút kiêng nể. Vậy để “tiếp nhận Thiên mệnh vĩnh viễn” nên làm thế nào? Đối với việc này, người nhà Chu nhấn mạnh nền tảng “Thiên mệnh mĩ thường, duy đức thị phụ” (Thiên mệnh thay đổi, chỉ có đức mới giúp được) và đề xuất tư tưởng “dĩ đức phối thiên” (lấy đức giao hòa với Trời), “kính đức bảo dân”. Thượng Thiên chỉ “vĩnh viễn bảo hộ” cho vị vua nào kính Trời nên làm vua phải biết cung kính Trời và nghe theo lời dạy bảo. Bởi vì tầm quan trọng của việc kính Trời nằm ở “hữu đức” (có đức) nên vua cần phải “kính đức”, “minh đức”, “sùng đức”. Tóm lại một câu ý là: cần phải đặt công phu vào chữ “đức” này. Nếu không có đức, sớm sẽ mất mệnh.


Có thể dễ dàng thấy rằng, Thiên mệnh được kiến lập trên cơ sở của “đức” . Ý chí của Thượng Thiên và hành vi của quân vương có liên quan với nhau. Vua có đức hay không sẽ trở thành gốc rễ của việc có nhận được Thiên mệnh hay không. Điều này nói rõ người nhà Chu đã ý thức rõ ràng về đức hạnh cá nhân và đạo đức trị vì quốc gia của vua có tác dụng quan trọng đối với việc duy trì tính ổn định chính trị. Vì vậy cũng có thể thấy người nhà Chu có tiến bộ hơn so với tiền nhân về “Thiên mệnh quan”.


Theo nghiên cứu học thuật, “đức” thường xuyên xuất hiện trong các văn kiện từ thời nhà Chu. Mở sách “Thượng Thư, Chu Thư” ra xem, có thể nói mỗi chương đều nhắc đến “đức”. “Kính đức”, “minh đức”, “sùng đức” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng “đức” là gì, nội hàm này rốt cuộc là gì thì người nhà Chu không đưa ra định nghĩa minh xác. Bất quá, căn cứ vào các văn kiện thời đó, hàm nghĩa chủ yếu của chữ “đức” ít nhất là bao gồm mấy điểm như: một là phẩm hạnh cá nhân, sự tu dưỡng đạo đức của vua; hai là vua đối với dân chúng cai trị bằng đức và nhân nghĩa.


Trọng điểm của “dĩ đức phối Thiên”, “kính đức bảo dân” không nằm ngoài mấy ý như: thứ nhất là vua phải tu dưỡng đạo đức, lấy đức ước thúc tư dục của bản thân, vì dân chúng dựng lập nên mô phạm đạo đức; thứ hai là vua dùng đạo đức để giáo hóa dân chúng; thứ ba là vua cần phải hiểu dân tình, tôn trọng ý dân, đối với bách tính cai trị nhân nghĩa, thiện lương, quan tâm, bảo hộ và cải thiện cuộc sống của họ, đây gọi là “bảo dân” (bảo hộ cho dân).


Người nhà Chu xem Ân Trụ Vương như là một ví dụ điển hình cho vô đức, thất đức. Lúc Võ Vương phạt Trụ đã nói với các lộ chư hầu rằng: “Hôm nay Ân Trụ Vương nghe theo lời nữ nhân, đến mức tự tuyệt Thiên mệnh, hủy hoại chính đạo thiên, địa, nhân; bỏ mặc cha mẹ anh em, vứt bỏ âm nhạc tổ tiên truyền lại, phổ chế âm thanh dâm đãng, làm loạn âm nhạc thuần chính chỉ để làm hài lòng một nữ nhân.” (Thượng Thư, Thái Thệ)


“Thượng Thư, Chiếu Cáo” cũng chỉ ra việc không trọng đức của ông ta. Thế nào là không xem trọng đức? Chính là hoang dâm vô đạo, vơ vét tàn bạo, sát hại trung lương, tin dùng nịnh thần, lạm dụng hình pháp vô độ, quản lí hỗn loạn.

Tương phản với Ân Trụ Vương, Chu Văn Vương người đặt định cơ sở cho nhà Chu, là một hình mẫu cho vị vua có đức hạnh. Chu Công cho rằng sở dĩ người nhà Chu có thể nhận được Thiên mệnh là bởi vì Văn Vương có phẩm đức tốt đẹp. Trong “Thượng Thư, Vô Dật” tuyên dương mỹ đức của Văn Vương như sau:

“Văn Vương thành tựu sự nghiệp xử lý mọi việc phân minh, an định bách tính, khai hoang đất đai. Thiện lương, nhân nghĩa, khiêm cung, an ủi vỗ về bách tính, giúp đỡ góa phụ con côi. Từ sớm đến trưa, mãi đến lúc mặt trời đã lặn, ông cũng không có thời gian rảnh ăn cơm, toàn bộ thời gian đều dùng vào việc an định muôn dân. Văn Vương không dám dừng chân thời gian lâu khi đi săn bắt. Ông cung kính thao lược chính sự. Chu Công lấy Văn Vương làm hình mẫu để khuyên răn Thành Vương sau khi kế thừa vương vị thì không thể phóng túng bản thân, không thể ham muốn hưởng lạc quá phận, an dật, ham mê vui chơi và săn bắt. Không được giống như Trụ Vương mê lạc. Phải biết vì việc của muôn dân mà tận tâm tận lực!”

Lời kết


Đến đây, chúng ta đã có thể viết nên đoạn kết về “Thiên mệnh quan” của thời đại thượng cổ.


“Thiên mệnh quan” của người xưa trải qua ba triều đại Hạ, Thương và Chu đã có thay đổi và hình thành nên đặc điểm riêng của từng triều đại. Bất kể là tế Trời để biểu đạt sự cảm ân đến Thượng Thiên đã giáo dưỡng vạn vật, hay cầu chúc Hoàng Thiên Thượng Đế bảo hộ con dân, hay phong thiện với Đất Trời báo cáo sự nghiệp vĩ đại trùng tân chỉnh đốn càn khôn, đồng thời biểu thị sự tiếp nhận Thiên mệnh trị vì nhân thế, hoặc là trước khi quyết định việc đại sự thì gieo quẻ xem họa phúc cát hung; cũng bất kể là tham khảo những luận thuật liên quan đến “Thiên mệnh” trong “Thượng Thư” , hay nhấn mạnh quyền năng của “Đế” trong các quẻ bói giáp cốt, và những khẳng định lặp lại nhiều lần về “thụ mệnh ư Thiên” trong văn tự điêu khắc trên các vật tế lễ, tất cả những điều này đều xuyên suốt một cơ sở giống nhau. Từ đó có thể thấy trong mắt của người dân thời đại thượng cổ Trời là gì, quan hệ giữa Trời và con người ra sao, con người nên đối đãi Trời ra sao, làm người nên phải như thế nào, đặc biệt là làm vua phải như thế nào, đạo của vua rốt cuộc là như thế nào v.v..

Nói về nội dung cụ thể, cơ sở chung này lại bao hàm những điểm sau:

1. Địa vị của Trời và Thần là chí cao vô thượng.

2. Ông không chỉ giáo dưỡng vạn vật mà còn nắm giữ quyết định hết thảy mọi sự ở nhân gian, bất kể là gió mưa sấm chớp, hạn hán lũ lụt, mùa màng và thu hoạch trong giới tự nhiên, sự hưng thịnh suy vong của vương triều, phú quý bần hàn của con người, họa phúc cát hung; không có gì có thể nằm ngoài an bài huyền diệu của Thượng Thiên và chư Thần.

3. Bởi vậy con người cần phải cảm ân, kính úy và cầu nguyện với Trời và Thần, phục tùng an bài của Thiên ý và Thiên mệnh, có thể làm được đến điểm này thì có thể đắc được sự bảo hộ của Thượng Thiên, ngược lại thì sẽ nhận sự trừng phạt của Thượng Thiên.

Người xưa xem Thiên mệnh là hạch tâm trong quan hệ giữa Trời và người, những điều họ suy tư và nghiên cứu về quan hệ giữa Trời và người đều được triển khai xung quanh hạch tâm này.


Vậy rốt cuộc Thiên mệnh là gì? Thiên mệnh kỳ thực không phải là mệnh của Trời, Thiên mệnh chính là mệnh của vạn vật mà Trời sáng tạo ra. Nói một cách cụ thể, Thượng Thiên giao phó trọng trách giáo hóa dân chúng và trị vì quốc gia cho quân vương, cũng có thể nói là sứ mệnh. Chính vì vậy, quan hệ giữa Trời và người trong mắt người thời thượng cổ chủ yếu thể hiện là quan hệ giữa Thiên Thượng và quân vương. Về mặt ý nghĩa này, kì thực bản chất “Thiên mệnh quan” của thời đại thượng cổ chính là đạo của quân vương. Hạch tâm để thảo luận không nằm ngoài việc một vị vua làm thế nào đắc được Thiên mệnh và giữ vững nó, tu đức dưỡng tính như thế nào, làm thế nào tiếp xúc với bách tính, trị vì chính sự quốc gia ra sao, v.v..


Cho dù đã xuất hiện những vị vua tàn bạo như Hạ Kiệt và Trụ Vương, nhưng đại đa số các vị vua đều kính Trời tín Thần. Họ đối đãi cung kính với Thượng Thiên, đối đãi cẩn trọng với bách tính; bởi vì họ đều có nhận thức về “Thiên mệnh quan”.


Theo “Mạn đàm về thiên mệnh quan thời đại thượng cổ nhà Hạ, Thương, Chu”
Đăng trên Minghui.org

Vận mệnh trong lý niệm của cổ nhân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook