Malaysia và Ấn Độ phóng vệ tinh phủ sóng băng thông rộng ở châu Á - Thái Bình Dương

Chia sẻ Facebook
26/06/2022 19:31:28

Hai vệ tinh của Malaysia và Ấn Độ được phóng lên quỹ đạo thành công, nhằm cải thiện vùng phủ sóng băng thông rộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tên lửa Ariane 5 đã được phóng lên quỹ đạo thành công - Ảnh: ARIANESPACE

Công ty Arianespace của Pháp (SA) - nhà cung cấp dịch vụ phóng thương mại đầu tiên trên thế giới - thực hiện vụ phóng 2 vệ tinh này.

Tên lửa Ariane 5 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Guiana ở thị trấn Kourou, Guiana thuộc Pháp, mang theo vệ tinh Measat-3d của Malaysia và GSAT-24 của Ấn Độ.

Sau khi tách thành công khỏi tên lửa Ariane 5, cả hai vệ tinh đều sử dụng động cơ đẩy trên tàu để đạt đến vị trí cuối cùng trong quỹ đạo địa tĩnh (quỹ đạo tròn ngay phía trên xích đạo Trái đất, có vĩ độ 0º).


Đây là sứ mệnh thứ 113 của Ariane 5 và là sứ mệnh đầu tiên sau khi nó phóng kính viễn vọng không gian James Webb của NASA vào ngày 25-12-2021, theo trang Space News .

Hãng hàng không và quốc phòng Airbus của châu Âu đã chế tạo Measat-3d cho Malaysia, nhằm cung cấp tốc độ băng thông rộng lên tới 100 megabit/giây ở các khu vực có mạng lưới mặt đất hạn chế hoặc không có trên toàn lãnh thổ Malaysia.

Measat-3d dự kiến ​​sẽ thay thế hai vệ tinh cũ, trong đó có một vệ tinh bắt đầu trôi ra khỏi quỹ đạo địa tĩnh vào giữa năm 2021. Measat-3d cũng mang một trọng tải dẫn đường mà nhà điều hành vệ tinh KTSAT của Hàn Quốc có kế hoạch sử dụng, để cải thiện việc kiểm soát không lưu ở Hàn Quốc.

Cơ quan vũ trụ Ấn Độ ISRO đã chế tạo GSAT-24 cho chi nhánh thương mại NewSpace India Limited do nhà nước tài trợ. Vệ tinh này cũng được sử dụng cho các dịch vụ viễn thông và phát sóng ở Ấn Độ.

Ngày 10-3, truyền thông Nhà nước Triều Tiên dẫn lời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cho biết nước này sẽ phóng thêm các vệ tinh trinh sát trong những năm tới để giám sát thời gian thực các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh.

Chia sẻ Facebook