Mai Quyền - Chủ dự án 'hòn non bộ' ở Vân Đồn là ai?

Chia sẻ Facebook
19/08/2022 21:52:25

Mai Quyền là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại huyện đảo Vân Đồn.

Khu đô thị Ao Tiên được triển khai xây dựng từ năm 2004. Ảnh: Vietnamnet.


Thời gian qua, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải hình ảnh nghi vấn vịnh Hạ Long bị san lấp, phân lô bán nền. Tối 16/8, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định đây thực chất là hình ảnh dự án Ao Tiên thuộc Khu kinh tế Vân Đồn và không thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trao đổi với báo giới, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Ao Tiên, cho biết dự án này ban đầu có quy mô 88,1ha, trước đây là vùng bãi triều sính lầy, không cây cối. Hòn núi dê – “hon non bộ khổng lồ” gây xôn xao dư luận, được phía chủ đầu tư giữ lại, quy hoạch thành hồ nước sinh thái làm không gian sinh hoạt cộng đồng.

Ông cũng thông tin rằng hình ảnh lan truyền trên mạng cũng là ảnh chụp cách đây nhiều năm, khi đó cơ sở hạ tầng còn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Theo tìm hiểu, vào năm 2003, nhận lời kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền của doanh nhân Tạ Đức Quyết (SN 1958) đã lập phương án và bỏ vốn xây dựng dự án. Cuối năm 2014, Ao Tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, và được đầu tư xây dựng với phương thức đổi đất lấy hạ tầng.

Sau gần 1 thập niên, dự án Ao Tiên hiện đã cơ bản hoàn thành các cơ sở hạ tầng và giao thông đường xá. Với quy mô (sau điều chỉnh) lên đến 115ha, dự án được coi là nhân tố góp phần giúp Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp....

Để được giao và thực hiện siêu dự án Ao Tiên, Mai Quyền – đơn vị chủ đầu tư, hẳn phải rất giàu tiềm lực và nhận sự tin tưởng lớn từ tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, Mai Quyền được thành lập năm 2000, đóng trụ sở tại Thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chủ sở hữu, kiêm Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật công ty là ông Tạ Đức Quyết. Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1958 còn là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Tính đến tháng 4/2019, vốn điều lệ Mai Quyền là 1.100 tỷ đồng, tăng gấp hơn 54 lần so với thời điểm năm 2017.

Không quá khi đánh giá rằng Mai Quyền là tay chơi lớn ở Vân Đồn.

Theo đó, sau khi hoàn thành hạ tầng dự án Ao Tiên đề cập ở phần đầu bài viết, Mai Quyền tiếp tục phối hợp cùng các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện một số dự án thành phần tại khu đô thị này. Đó là 2 dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh trao Quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2022.


Trước hết, dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có diện tích 2,6ha, tổng vốn đầu tư 3.612 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án là CTCP EverLand Vân Đồn (thành lập năm 2019). Theo tìm hiểu, đây là công ty liên doanh giữa CTCP Đầu tư EverLand (HoSE: EVG) và Mai Quyền.

Ban đầu (thời điểm tháng 5/2019), cơ cấu cổ đông EverLand Vân Đồn gồm: Mai Quyền (35%), EVG (60%) và ông Tạ Đức Quyền (5%) – người nhà doanh nhân Tạ Đức Quyết. Hơn 1 năm sau (tức tháng 11/2020), EVG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại EverLand Vân Đồn xuống 5,692%; Mai Quyền chính thức trở thành công ty mẹ EverLand Vân Đồn khi nắm 82,519%; cá nhân ông Quyền cũng tăng tỷ lệ nắm giữ lên 11,788%.


Tiếp đến, Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn , diện tích 2,3ha, tổng vốn đầu tư 3.910 tỷ đồng, được thực hiện bởi Mai Quyền và CTCP Cát Linh Vân Đồn (thành viên của Cát Linh Group).


Ngoài ra, Mai Quyền còn là chủ Bến cảng cao cấp Ao Tiên – Vân Đồn , dự án khác nằm tại Ao Tiên. Theo tìm hiểu, bến cảng này được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020 với quy mô diện tích 29,21ha, tổng vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; công suất khi vận hành tối đa đạt khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm; mục tiêu đón tàu chở khách du lịch lên tới 300 ghế.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cái “bắt tay” giữa Mai Quyền và CTCP Crystal Bay của doanh nhân Nguyễn Đức Chi. Vào tháng 9/2017, 2 công ty này đã báo cáo với UBND tỉnh Quảng Ninh dự án du lịch, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao tại Vân Đồn, với 9 phân khu gồm: Hải Vân resort; Kỳ Vân khu dân cư cao cấp; Lâm Vân khu sinh thái; Vân Uyển; Vân Hạc sân golf trên đồi; Vân Tịnh khu du lịch tâm linh; Lạc Vân khu sườn núi cao cấp; Vân Cảng khu resort bờ biển; Ngọc Vân cụm đảo.


Sau này, đây là dự án con đường di sản Vân Đồn , diện tích quy hoạch trên 3.300ha. Doanh nghiệp dự án là CTCP Vân Đồn Heritage Road thành lập vào tháng 10/2017, với cổ đông nắm chi phối là CTCP Heritage Holdings (68%) - pháp nhân thuộc hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT CTCP Crystal Bay; 2 cổ đông còn lại là Mai Quyền (30%) và bà Tạ Nguyễn Quỳnh Mai (2%) – người cùng nhà ông Tạ Đức Quyết.

Crystal Bay là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản khi sở hữu nhiều siêu dự án như: Ninh Chữ Sailing Bay với tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng; dự án Mũi Dinh Ecopark tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với mức vốn 4.500 tỷ đồng….


Trở lại với Vân Đồn Heritage Road, đơn vị này cũng được biết đến là chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Vân Cảng là phân khu 8 thuộc dự án Con đường di sản Vân Đồn, diện tích 109,63ha. Ngoài ra, công ty này còn là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dài (Vân Đồn, Quảng Ninh).

Về phần Mai Quyền, ngoài các dự án khu đô thị, công ty còn thực hiện dự án khai khoáng khi góp 39,54% thành lập Công ty TNHH Antimon Dương Huy Quảng Ninh Việt Nam (tính đến tháng 4/2018), phần 60,46% vốn còn lại thuộc về Công ty TNHH Hóa Chất Nhật tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).


Antimon Dương Huy Quảng Ninh Việt Nam là chủ mỏ quặng Antimon , thuộc khu Đồng Mỏ (phường Mông Dương). Công suất thiết kế gần 8.000 tấn quặng/năm,tuy vậy, hiện tại, Nhà máy mới hoạt động được 4.000 - 5.000 tấn quặng/năm. Từ năm 2014, Công ty đã dừng việc khai thác do hàm lượng quặng thấp. Hiện, công ty nhập nguyên liệu quặng Antimon từ nước ngoài về và tuyển luyện tại nhà máy.

Chia sẻ Facebook